• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phát triển du lịch biển đảo bền vững là ưu tiên hàng đầu

Du lịch 09/12/2022 20:26

(Tổ Quốc) - Các đại biểu tham dự hội thảo “Phát triển du lịch biển đảo Việt Nam - Thời cơ, thách thức và giải pháp” chiều 9/12 tại Đà Nẵng nhấn mạnh việc phát triển du lịch biển đảo bền vững là ưu tiên hàng đầu như Nghị quyết số 36-NQ/TW về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045” của Ban chấp hành Trung ương đã đề cập.

Trong khuôn khổ của Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Đà Nẵng 2022, hội thảo "Phát triển du lịch biển đảo Việt Nam - Thời cơ, thách thức và giải pháp" diễn ra vào chiều 9/12 nhằm tìm ra các giải pháp thuận lợi để phát triển du lịch biển đảo Việt Nam.

Một trong 4 dòng sản phẩm chủ đạo, có lợi thế của du lịch Việt Nam

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt cho biết, du lịch và dịch vụ biển được xác định là ngành kinh tế biển phát triển thành công và đột phá đến năm 2030 theo thứ tự ưu tiên hàng đầu như đã đề ra tại Nghị quyết 36-NQ/TW của BCH Trung ương ngày 22/10/2018 về "Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045".

Đồng thời, du lịch biển đảo được xác định là một trong 4 dòng sản phẩm chủ đạo, có lợi thế của du lịch Việt Nam. Điều này đã được khẳng định trong Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. Vị thế, vai trò của phát triển du lịch biển đảo tiếp tục được khẳng định là một trong những nội dung góp phần hình thành các khu kinh tế biển trọng điểm tại Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phát triển du lịch biển đảo bền vững là ưu tiên hàng đầu  - Ảnh 1.

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt phát biểu tại Hội thảo “Phát triển du lịch biển đảo Việt Nam - Thời cơ, thách thức và giải pháp”, chiều 9/12, tại Đà Nẵng. Ảnh: Đức Hoàng

Theo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt, thời gian vừa qua, các hoạt động du lịch biển đảo chiếm khoảng 70% hoạt động của ngành du lịch Việt Nam. Giai đoạn 2010-2019, lượng khách đến các địa phương ven biển tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước với 13,6%/năm đối với khách quốc tế và 12,3% đối với khách nội địa. Riêng năm 2019 đã đạt trên 34 triệu lượt khách quốc tế và 145,6 triệu lượt khách nội địa, mang lại tổng thu từ du lịch đạt 508.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 67,3% của cả nước.

"Có thể thấy rằng, du lịch biển phát triển đã đóng góp lớn cho việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương cũng như của nhiều ngành kinh tế khác; tạo thêm nhiều công ăn việc làm, nâng cao đời sống, thu nhập của người dân địa phương ven biển", Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nói.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Đoàn Văn Việt, khai thác du lịch biển đảo của Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có, các hoạt động du lịch biển đảo vẫn tồn tại những hạn chế như việc phát huy, khai thác giá trị tài nguyên cho các hoạt động du lịch biển chỉ dừng ở khai thác ven bờ; các hoạt động du lịch bổ sung, bổ trợ cho nghỉ dưỡng, tham quan, tắm biển chưa nhiều; những bất cập về môi trường, quy hoạch; vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh trong khu vực và thế giới thông qua việc đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới, đa dạng, khác biệt và hiệu quả của công tác xúc tiến, quảng bá…

"Trong thời gian tới, du lịch biển đảo Việt Nam sẽ chú trọng phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp; phát triển du lịch biển gắn với công tác bảo vệ môi trường, phát huy truyền thống văn hóa, phát triển cộng đồng và bảo vệ chủ quyền quốc gia", Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh.

Phát triển du lịch biển đảo bền vững là ưu tiên hàng đầu  - Ảnh 2.

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đức Hoàng

Cần những chính sách phát triển du lịch biển rõ ràng, thống nhất

Trong bài phát biểu đề dẫn, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng cho rằng, du lịch biển đảo Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh.

Ông Vũ Thế Bình dẫn chứng: Việt Nam có hơn 3.000km bờ biển, hàng trăm bãi biển đẹp, hàng trăm hòn đảo có tài nguyên du lịch, hàng chục thành phố ven biển, nhưng du lịch biển đảo vẫn chỉ là những mảnh ghép rời rạc, hạ tầng lạc hậu, thiếu cảng biển du lịch và cũng chưa có một đội tàu du lịch nào, quy định về du lịch biển khác nhau ở mỗi địa phương…

"Rõ ràng đã đến lúc cần có những chính sách phát triển du lịch biển rõ ràng, thống nhất thì các chỉ đạo của Nghị quyết 36-NQ/TW mới có thể phát huy hiệu quả và đáp ứng kỳ vọng", ông Vũ Thế Bình nói.

Phát triển du lịch biển đảo bền vững là ưu tiên hàng đầu  - Ảnh 3.

Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Đức Hoàng

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch nhấn mạnh: Phát triển du lịch biển đảo bền vững là ưu tiên hàng đầu.

Về giải pháp thực hiện hiệu quả Nghị quyết 36-NQ/TW, đưa du lịch biển đảo phát triển trở thành động lực phát triển của nhiều ngành kinh tế mũi nhọn khác, TS. Nguyễn Anh Tuấn đề xuất cần tổ chức không gian phân vùng sử dụng phù hợp, cả ở cấp độ quốc gia, vùng, tỉnh và điểm đến; tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là cảng biển du lịch; chú trọng vấn đề phân kỳ phát triển, không phát triển ồ ạt; phát triển các sản phẩm đa dạng cả về loại hình và chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu của các thị trường, phân khúc thị trường khác nhau góp phần giảm cạnh tranh trực tiếp

"Đặc biệt, cần chú trọng bảo vệ môi trường và dành ngân sách thỏa đáng cho bảo vệ môi trường, bảo tồn tôn tạo tài nguyên. Quan tâm đúng mức vấn đề đánh giá sức chứa và quản lý sức chứa du lịch. Chú trọng sự tham gia của cộng đồng, người dân địa phương và quyền lợi của họ trong phát triển du lịch, gắn phát triển du lịch biển với bảo tồn, tôn tạo văn hóa bản địa. Nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng trong đầu tư kinh doanh du lịch biển", TS. Nguyễn Anh Tuấn nêu ý kiến.

Phát triển du lịch biển đảo bền vững là ưu tiên hàng đầu  - Ảnh 4.

Du khách quốc tế tham quan, nghỉ dưỡng trên đảo Cù Lao Chàm (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam). Ảnh: Đức Hoàng

TS. Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương nêu một số giải pháp như: Khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch sinh thái, thám hiểm khoa học, du lịch cộng đồng, các khu du lịch nghỉ dưỡng biển chất lượng cao tại các vùng ven biển; xây dựng, phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm, chuỗi sản phẩm, thương hiệu du lịch biển đẳng cấp quốc tế trên cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy giá trị di sản thiên nhiên, văn hóa, lịch sử đặc sắc của các vùng, miền, kết nối với các tuyến du lịch quốc tế để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của thế giới.

Hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân ven biển chuyển đổi nghề từ các hoạt động có nguy cơ xâm hại, tác động tiêu cực đến biển sang bảo vệ, bảo tồn, tạo sinh kế bền vững, việc làm mới ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân...

"Ngành du lịch cần phối hợp với các địa phương tập trung phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo, sản phẩm du lịch gắn liền với các dịch vụ vui chơi giải trí như: lướt ván, thuyền buồm, câu lạc bộ diều, cờ quốc tế, hướng tới phát triển các sản phẩm đẳng cấp quốc tế. Đối với các đảo lớn, nhỏ, cần đầu tư phát triển du lịch trải nghiệm gắn với khám phá thiên nhiên, du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái và du lịch tâm linh; đồng thời xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ khách quốc tế", TS. Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Hội nghị Trung ương 8 khóa XII của Đảng đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về "Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045".

Theo đó, đến năm 2030, phát triển thành công, đột phá về các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên: Một là du lịch và dịch vụ biển. Hai là kinh tế hàng hải. Ba là khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác. Bốn là nuôi trồng và khai thác hải sản. Năm là công nghiệp ven biển. Cuối cùng là năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới.

Đức Hoàng

NỔI BẬT TRANG CHỦ