(Tổ Quốc) - Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây huy hoại đạo đức xã hội trong lĩnh vực du lịch; Các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch khởi động trở lại là những thông tin về du lịch nổi bật tại các tỉnh Hải Phòng, Hà Nội, Hà Nam.
Hải Phòng: Vừa qua, UBND thành phố Hải Phòng đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề cương Đề án "Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới tại Hải Phòng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030".
Theo đó, Đề án tập trung đánh giá tiềm năng và thực trạng phát triển du lịch nông thôn tại Hải Phòng; các quan điểm, mục tiêu phát triển du lịch nông thôn của Trung ương và thành phố; dự báo xu hướng, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm du lịch. Từ đó đề xuất nhiệm vụ, giải pháp để phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới tại Hải Phòng.
Đề án nghiên cứu hiện trạng, tiềm năng phát triển du lịch tại các huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, An Lão, Thủy Nguyên, Kiến Thụy, An Dương từ năm 2016 đến nay và đề xuất giải pháp phát triển du lịch nông thôn Hải Phòng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Để triển khai thực hiện, UBND thành phố giao Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan triển khai xây dựng và hoàn thiện Đề án "Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới tại Hải Phòng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030", đảm bảo chất lượng, tiến độ và quy định; báo cáo UBND thành phố phê duyệt.
Hà Nội: Sở Du lịch Hà Nội vừa có báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 27/7/2010 của Ban Bí thứ về "Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây huy hoại đạo đức xã hội".
Theo báo cáo, để đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch, phòng, chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội trong lĩnh vực lịch trên địa bàn Thành phố, thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về Du lịch trên địa bàn, trong các năm qua, Sở Du lịch Hà Nội đã chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, lịch phối hợp kiểm tra cụ thể từng tháng, từng dịp nghỉ lễ (Tết Nguyên đán, Quốc tế lao động, Quốc khánh và Tết Dương lịch) nhằm phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực du lịch.
Chỉ đạo Thanh tra Sở triển khai các cuộc thanh tra, kiểm tra có sự phối hợp của Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng các ban, ngành, đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực du lịch, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch, phòng ngừa tội phạm và phòng, chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn Thành phố, giữ gìn môi trường du lịch Thủ đô.
Tính đến ngày 24/10/2018, Sở Du lịch Hà Nội quản lý, sử dụng số điện thoại thuê bao 0941.33.66.77 làm "đường dây nóng" và từ ngày 24/10/2018 đến nay, Sở Du lịch đã phối hợp với VNPT Hà Nội triển khai đầu số hỗ trợ tư vấn, giải đáp thông tin du lịch Hà Nội qua đầu số 1800.556.896 để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của khách du lịch nhằm thông tin liên quan đến hoạt động du lịch, giải đáp hướng dẫn các thủ tục hành chính trong lĩnh vực du lịch.
Qua đó, đã tiến hành hỗ trợ, cung cấp thông tin cho khoảng 18.700 lượt khách du lịch về: tuyến điểm du lịch, giải đáp thông tin khách sạn, bến xe bus, các vấn đề khác có liên quan đến lĩnh vực du lịch... Đã tiếp nhận 77 thông tin phản ánh, kiến nghị của khách du lịch, như: các thông tin khách nước ngoài phản ánh bị lái xe taxi tính tiền cao hơn nhiều lần so với quy định, thông tin phản ánh việc mua tour hoặc đặt phòng khách sạn có chất lượng không tương xứng với số tiền chi trả, không đáp ứng đúng chất lượng như quảng cáo ban đầu; hoặc khách du lịch kiến nghị được hỗ trợ khai báo công an khu vực khi bị mất đồ, trộm cắp tài sản, tìm lại đồ bị mất...
Sở Du lịch Hà Nội đã chỉ đạo Thanh tra Sở thông tin, phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời các kiến nghị, phản ánh của khách du lịch theo quy định của pháp luật. Qua đó đã góp phần phòng, chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội trong lĩnh vực du lịch.
Hà Nam: Theo thống kê từ đầu tháng 4 đến nay, Hà Nam đón khoảng 43.800 lượt khách (Trong đó: Khách quốc tế: 9.500 lượt, Khách nội địa: 34.300 lượt). Tổng doanh thu du lịch, dịch vụ ước đạt: 30 tỷ đồng.
Theo Sở VHTTDL Hà Nam: Thực hiện công tác tháng 5, Sở đã Ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án "Phát triển nguồn nhân lực du lịch tỉnh Hà Nam năm 2020" và Kế hoạch thực hiện Đề án "Phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Hà Nam giai đoạn 2020-2025". Phối hợp với Điện lực Hà Nam rà soát các cơ sở lưu trú du lịch được giảm giá điện do bị ảnh hưởng của dịch COVID - 19. Báo cáo kết quả thực hiện phát triển ngành nghề nông thôn và bảo tồn, phát triển làng nghề. Tổng hợp thông tin, số liệu phục vụ nhiệm vụ lập Quy hoạch hệ thống du lịch quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 gửi Tổng cục Du lịch. Hướng dẫn, triển khai thẩm định các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh theo quy định.
Trong tháng 5 đã ban hành quyết định công nhận 2 khách sạn đạt tiêu chuẩn 1 sao và 01 khách sạn đạt tiêu chuẩn 2 sao; thông báo kết quả kiểm tra điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ của cơ sở lưu trú du lịch cho 43 cơ sở.
Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch cũng được khởi động trở lại. Trung tâm Xúc tiến du lịch tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch thông qua các trang thông tin điện tử và ứng dụng du lịch thông minh và Tạp chí du lịch Việt Nam. Phối hợp với VOV Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện phóng sự ẩm thực Hà Nam tại Thành phố Phủ Lý và huyện Bình Lục. Ngoài ra, tiếp tục tiếp nhận bài dự thi Cuộc thi "Ảnh đẹp du lịch Hà Nam". Chuẩn bị các điều kiện khai trương Văn phòng thông tin và hỗ trợ khách du lịch tại tòa nhà Tân Thủy (đường Trần Văn Chuông, Phủ Lý)...