• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phát triển kinh tế Việt Nam không phải chỉ trông chờ vào FDI

Kinh tế 10/07/2018 13:05

(Tổ Quốc) - Trong 30 năm qua, thành công của chúng ta là chủ yếu, thất bại và tồn tại là thứ yếu, lần lượt là 80% và 20%.

Ông Phan Hữu Thắng – Nguyên Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư .    Ảnh Vi Phong

Năm 2017, Việt Nam đứng trước một nghịch lý, đó là trong khi thu hút được dòng vốn FDI cao kỷ lục và vượt qua các thành viên ASEAN khác. Tuy nhiên còn nhiều quan điểm cho rằng FDI chưa đáp ứng được kỳ vọng, vì vậy, Chính phủ đã “đặt hàng” Nhóm Ngân hàng Thế giới hỗ trợ xây dựng chiến lược và định hướng thu hút FDI thế hệ mới cho giai đoạn 2020 – 2030.

Điểm nhấn của “Chiến lược thu hút FDI thế hệ mới” là sự chuyển dịch trọng tâm từ thu hút nhà đầu tư phù hợp cho ‘sản phẩm’ của Việt Nam sang phát triển sản phầm phù hợp (tức là môi trường kinh doanh và điều kiện đầu tư phù hợp) cho loại hình đầu tư mà Việt Nam cần trong tương lai, nhờ đó có thể tăng tối đa hiệu quả, hiệu ứng lan tỏa và giá trị gia tăng của FDI.

Xung quanh vấn đề này, PV báo Tổ Quốc đã có cuộc trao đổi với ông Phan Hữu Thắng – Nguyên Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Đề cập đến cái được và chưa được sau 30 năm thực hiện chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, ông Phan Hữu Thắng cho rằng, qua 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, điều nổi bật trong chính sách của chúng ta là tập trung thu hút nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế trong nước, bên cạnh nguồn vốn đó là nền công nghệ cao, giải quyết công ăn việc làm, tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước và quan trọng nhất là chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế. Đây là định hướng xuyên suốt trong 30 năm qua, tùy từng giai đoạn cụ thể mà Chính phủ sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp. Đến bây giờ khi chúng ta bước sang giai đoạn mới, nên cần phải có những chính sách mới phù hợp cho những giai đoạn tiếp theo.

Theo ông Phan Hữu Thắng, tròn 3 thập kỷ thu hút FDI thì thập kỷ đầu tiên, ưu tiên của chúng ta khi đó là làm sao thu hút được nhiều lượng vốn đầu tư vào và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đó. Từ thập kỷ thứ hai (tức là 15 năm trở lại đây) chúng ta đã đặc biệt chú trọng vào công nghệ cao. Nhưng rõ ràng là rất nhiều chính sách, nhiều hành động cụ thể của Chính phủ cũng như toàn bộ máy, các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước, nhưng đáng tiếng rằng mục tiêu công nghệ cao của chúng ta vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Các doanh nghiệp của chúng ta (trong nước) chưa tham gia vào được chuỗi giá trị toàn cầu. Chúng ta chưa có công nghệ cao, chưa có chất lượng lao động…

Trong quá trình phát triển của Việt Nam chúng ta cần phải nhìn nhận đúng thực tiễn là chúng ta đang là một nước nghèo, một nước đang phát triển nên cần rất nhiều nguồn vốn, cùng một lúc chúng ta phải xử lý nhiều yêu cầu của nền kinh tế như vừa phải tạo công ăn việc làm, vừa phải có công nghệ cao, vừa phải đảm bảo an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, môi trường...

“Trong 30 năm qua, cái thành công của chúng ta là chủ yếu, cái thất bại, cái tồn tại là thứ yếu, lần lượt là 80% và 20%. 20% đó là cái tồn tại khách quan trong quá trình phát triển. Bởi rõ ràng lao động của chúng ta vẫn còn, chúng ta vẫn phải xuất khẩu lao động. Như chuyên gia của Ngân hàng thế giới cũng đã chỉ rõ, chúng ta sẽ ưu tiên cho FDI thế hệ thứ 2 nhưng vẫn phải duy trì và sử dụng, thu hút vốn FDI của thế hệ thứ nhất”, ông Thắng nhấn mạnh.

Về việc áp dụng chính sách thu hút FDI thế hệ mới trong thời gian tới, ông Phan Hữu Thắng cho rằng, chúng ta cần phải biết mình đang yếu ở khâu nào và đang có lợi thế ở điểm gì.

“Chúng ta cứ nói mãi về doanh nghiệp Việt Nam nhỏ và yếu, không góp vốn, không liên kết và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Vậy thì phải làm sao để các doanh nghiệp này tham gia vào được chuỗi giá trị toàn cầu. Hiện tại có tới 80% doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, vậy thì làm sao chúng ta học, tiếp thu được công nghệ cao của họ. Công nghệ mới trong thời kỳ cách mạng 4.0 là gì? Chúng ta muốn tiếp thu được công nghệ cao thì cần phải chuẩn bị tốt chất lượng của lao động, chất lượng lao động có được nâng lên mới có đủ trình độ và khả năng để tiếp cận công nghệ cao,” ông Thắng lý giải.

Nguyên Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài -  Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã chỉ ra điều cốt lõi của vấn đề “Phát triển kinh tế Việt Nam không phải chỉ trông chờ vào nguồn vốn đầu tư nước ngoài, mà hiện tại chúng ta đang có nguồn vốn nhà nước, vốn viện trợ phát triển chính thức ODA, nguồn kiều hối (gần xấp xỉ nguồn vốn đầu tư nước ngoài FDI), chưa kể các nguồn vốn viện trợ không hoàn lại…Theo đó, chiến lược thu hút vốn là phải liên kết được các nguồn vốn đó với nhau, phải thấy được tác dụng qua lại giữa các nguồn vốn….

Hiện nay Việt Nam đã có được những cái cơ bản để phát triển. Vì thế, điều quan trọng trong thời gian tới là làm sao phát huy được lợi thế, những cái đang có của mình đồng thời nâng cao chất lượng người lao động, từ đó sẽ học hỏi và tiếp thu công nghệ cao một cách thiết thực và hiệu quả nhất./.

Vi Phong (Thực hiện)

 

Vi Phong

NỔI BẬT TRANG CHỦ