(Tổ Quốc) - Trong những năm qua, thể thao quần chúng luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được ngành thể thao Hà Nội đặt lên hàng đầu. Dưới sự quan tâm sát sao của chính quyền các cấp, thể thao quần chúng Hà Nội luôn duy trì ổn định, phát triển, từ đó giúp cho Thủ đô luôn dẫn đầu trên cả nước về lĩnh vực này.
Nằm trong top đầu những quận, huyện nội thành sở hữu phong trào thể thao quần chúng phát triển mạnh trong những năm qua, các CLB TDTT trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã tăng cả về số lượng và chất lượng. Cụ thể, trong giai đoạn 2017 đến 2022, tỷ lệ người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên của quận tăng từ 35,5% lên 37,8%. Số hộ tập luyện Thể dục Thể thao tăng từ 32,4% lên 35,97%.
Các hoạt động đầu tư đồng bộ cho thiết chế văn hóa cơ sở cũng được cũng các quận, huyện tích cực đẩy mạnh. Trong khoảng 7 năm trở lại đây, quận Nam Từ Liêm đã đầu tư 63 dự án, trong đó, xây mới 7 Trung tâm Văn hóa phường, 30 Nhà văn hóa Tổ dân phố, 13 điểm vui chơi, cải tạo 12 Nhà văn hóa Tổ dân phố...
Với các quận, huyện ngoại thành, Mỹ Đức được xem là một ví dụ tiêu biểu khi sở hữu tỷ lệ người dân thường xuyên tập luyện các phong trào TDTT trên địa bàn lên tới 37,8%; số hộ tập luyện đạt tỷ lệ 29,5% và số CLB TDTT tăng lên 375. Còn tại huyện Ba Vì, hiện nay, 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện có sân vận động. Không những vậy, các trường học đều xây dựng nhà tập đa chức năng… Số người rèn luyện thể thao thường xuyên chiếm hơn 30% dân số.
Đây cũng là tiền đề tạo nên thành công của những sự kiện tầm cơ như Đại hội Thể dục, thể thao Thủ đô lần thứ X năm 2022, Giải chạy Báo Hànộimới mở rộng - Vì hòa bình, Giải Bơi chải thuyền rồng Hà Nội mở rộng...
Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, 100% xã, phường, thị trấn và các đơn vị, ngành, đoàn thể, cơ quan, xí nghiệp, trường học, lực lượng vũ trang từ cơ sở đến thành phố trên địa bàn Thủ đô đã hoàn thành tổ chức Đại hội Thể dục, thể thao cấp cơ sở. Lượng người tham gia Đại hội Thể dục, thể thao cấp cơ sở đạt con số ấn tượng với hơn 800.000 người.
Theo đánh giá của Phó Trưởng phòng Quản lý thể thao (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Giang Diệu Thúy, thông qua việc phát triển các phong trào TDTT, tổ chức các đại hội thể thao, nhiều VĐV trẻ, có tiềm năng đã được phát hiện, trở thành sự bổ sung chất lượng cho các đội tuyển của Hà Nội.
Tiếp tục nâng cao, đẩy mạnh phong trào TDTT
Sự phát triển mạnh mẽ của các giải thể thao quần chúng đã tạo điều kiện, nguồn nhân lực tốt cho ngành thể thao Thủ đô hướng tới các mục tiêu lớn hơn. Tại Đại hội Thể dục thể thao Thủ đô lần thứ X đã diễn ra thành công rực rỡ với sự tham gia của hơn 7.000 VĐV, tranh tài ở 25 môn thi đấu. Trong đó, có 12 môn dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng vào dịp hè; 12 môn dành cho thanh niên, giải thể thao dành cho công nhân, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang, người cao tuổi và Giải chạy Báo Hànộimới.
Có thể thấy, sự quan tâm, đầu tư của các cấp chính quyền cho công tác phát triển TDTT phong trào đã đem lại hiệu quả tích cực khi hình thành thói quen luyện tập trong nhân dân, tạo nền tảng cho thể thao thành tích cao bứt phá. Dù vậy, để nâng tầm các giải thể thao quần chúng, yếu tố tiên quyết là quan tâm đầu tư cả về cơ sở vật chất lẫn công tác tổ chức.
Theo ông Đinh Văn Luyến, Trưởng phòng Quản lý Thể thao (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội), một trong những giải pháp tích cực để nâng tầm các giải đấu một cách bài bản, chuyên nghiệp là xã hội hóa các giải đấu.
Sự phối hợp tổ chức giữa cơ quan quản lý và đơn vị đăng cai sẽ tạo ra sân chơi chuyên nghiệp, an toàn, lành mạnh, hấp dẫn, thu hút được sự quan của những người yêu thể thao.
"Dưới góc độ quản lý, để có điều kiện tổ chức thêm các môn thể thao, tạo ra những sân chơi hữu ích, nâng cao chất lượng các giải TDTT phong trào, Sở VHTT đã đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm đầu tư các cơ sở thi đấu, tìm kiếm nguồn xã hội hóa. Từ đó, chúng ta sẽ có cơ sở phát hiện các tài năng để bổ sung cho các đội tuyển của Hà Nội, tham gia cống hiến cho thể thao thành tích cao của Thủ đô cũng như cả nước" - ông Đinh Văn Luyến cho biết.