• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phát triển sản phẩm du lịch gắn với nhà rường Huế: Cần có sự chung tay từ nhiều phía

Du lịch 05/11/2021 15:25

(Tổ Quốc) - Với những giá trị đặc trưng về văn hóa, kiến trúc, lịch sử… nhiều ngôi nhà rường truyền thống Huế đã được quan tâm bảo tồn và đưa vào phục vụ du lịch. Tuy nhiên, việc khai thác các sản phẩm du lịch và dịch vụ từ nhà rường Huế hiện nay vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, còn nhiều vấn đề bất cập.

Có lợi thế riêng nhưng chưa phát huy hết

Trong những năm gần đây, mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng kết hợp với tham quan, trải nghiệm tại các nhà rường Huế đã được triển khai phát triển khá mạnh. Khách du lịch ngày càng mong muốn tìm hiểu nhiều hơn về cuộc sống, văn hóa của người dân Huế, nhất là ở các địa phương còn lưu giữ các giá trị của những ngôi nhà rường truyền thống.

TS Trần Hữu Thùy Giang, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tại Thừa Thiên Huế, khu vực đưa nhà rường vào phục vụ khách du lịch sớm nhất là ở khu Phú Mộng (phường Kim Long, TP Huế) từ đầu những năm 2000, rồi đến làng cổ Phước Tích (huyện Phong Điền) từ năm 2008, gần đây là những nhà rường ở các phường Thủy Biều, Vỹ Dạ…. TP Huế hiện cũng có 9 nhà rường tham gia vào Đề án tổ chức kinh doanh dịch vụ du lịch với nhiều sản phẩm đặc thù phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm.

Phát triển sản phẩm du lịch gắn với nhà rường Huế: Cần có sự chung tay từ nhiều phía - Ảnh 1.

Bảng giới thiệu về một căn nhà rường Huế tại làng cổ Phước Tích (huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế).

Tham quan nhà rường truyền thống kết hợp với các điểm di tích kiến trúc, văn hóa, lịch sử truyền thống là một trong những lợi thế riêng có của Huế để hình thành nên các tour, tuyến du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và loại hình homestay. Tuy nhiên, theo nhận định của TS Trần Hữu Thùy Giang, việc khai thác phát triển sản phẩm du lịch tại các nhà rường hiện nay vẫn còn nhiều bất cập.

Những bất cập có thể nêu ra như: Một số chủ nhà rường hoặc người đang quản lý, bảo vệ không muốn bị làm phiền, không hợp tác cùng các đơn vị lữ hành trong việc khai thác các dịch vụ tại nhà rường để phục vụ du khách. Hoặc nếu có hợp tác, phối hợp thì việc triển khai vẫn chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ, chưa được quy hoạch, sắp xếp cụ thể, bài bản, chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị, việc sắp đặt, thiết kế để tạo ra dịch vụ, sản phẩm chưa được hấp dẫn, tiện nghi. Người dân còn lúng túng vì thiếu vốn, trong khi đó doanh nghiệp du lịch, lữ hành chưa mạnh dạn đầu tư. Nhân sự một số địa phương, các gia đình làm dịch vụ còn thiếu, chưa được tập huấn, đào tạo, thiếu sự đa dạng các dịch vụ,.. dẫn đến sự nhàm chán.

Phát triển sản phẩm du lịch gắn với nhà rường Huế: Cần có sự chung tay từ nhiều phía - Ảnh 2.

Kiến trúc bên trong một ngôi nhà rường Huế.

Hay như công tác quảng bá cho sản phẩm du lịch này cũng chưa được chú trọng. Chủ nhân của nhà rường hầu như giao phó việc quảng bá cho các đơn vị lữ hành. Trong khi đó, cơ quan quản lý nhà nước cũng chưa có chính sách và chiến lược cụ thể để quảng bá sản phẩm này.

"Hơn ai hết chủ nhân các nhà rường cũng cần là những hướng dẫn viên sống động để giới thiệu đến du khách những nét giá trị lịch sử đặc sắc trong ngôi nhà của mình. Thế nhưng, nhiều du khách phản ánh họ chưa thấy được hồn cốt, tình tiết trong các câu chuyện kể liên quan đến những ngôi nhà rường vì đa phần hướng dẫn viên của các đơn vị lữ hành đảm nhiệm khâu này, nhiều nơi chỉ đơn thuần chụp ảnh, check-in...", TS Trần Hữu Thùy Giang cho hay.

Nhiều giải pháp cần có sự chung tay

Trước những bất cập kể trên, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã đưa ra một số giải pháp để có thể phát triển sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn giá trị nhà rường Huế trong thời gian tới.

Cụ thể, để dịch vụ tham quan, trải nghiệm sản phẩm du lịch tại các nhà rường truyền thống thực sự là dịch vụ thu hút khách du lịch cần phải có sự quan tâm, chú trọng đến công tác định hướng, quy hoạch và bảo tồn khôi phục nhà rường. Tạo điều kiện thuận lợi, huy động các nguồn lực hỗ trợ cơ chế chính sách phát triển du lịch gắn với bảo tồn các giá trị nhà rường truyền thống Huế.

Cùng với đó, cần liên kết, hợp tác, phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về du lịch với các doanh nghiệp du lịch xây dựng các tour du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với tham quan, trải nghiệm tại các nhà rường truyền thống Huế. Hợp tác quảng bá, mở rộng thị trường.

Phát triển sản phẩm du lịch gắn với nhà rường Huế: Cần có sự chung tay từ nhiều phía - Ảnh 3.

Du khách tham quan một ngôi nhà rường truyền thống Huế.

Ngoài ra, cần tập huấn, đào tạo, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ quản lý, phục vụ đối với các chủ nhà rường để người dân tham gia có hiệu quả vào các hoạt động du lịch một cách chuyên nghiệp. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp, người dân phát triển thêm các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng của từng vùng để vừa có thể quảng bá văn hóa dân tộc, vừa đa dạng sản phẩm dịch vụ tại điểm đến.

Theo TS Trần Hữu Thùy Giang, để giải quyết những khó khăn, thách thức trước mắt đối với hoạt động khai thác các sản phẩm du lịch gắn với tham quan, trải nghiệm các nhà rường truyền thống Huế cần có sự chung tay phối hợp từ nhiều phía. Đó là từ cơ quan quản lý và đơn vị chuyên môn, các công ty lữ hành và của cả cộng đồng địa phương nhằm đưa các điểm tham quan du lịch nhà rường vào các tuyến du lịch cụ thể, thúc đẩy loại hình dịch vụ du lịch này ngày càng phát triển, bài bản, chuyên nghiệp.

"Hoạt động dịch vụ này khi đã triển khai phát triển tốt sẽ góp phần cho du lịch Thừa Thiên Huế được phát triển bền vững theo các tiêu chí: Giá trị di sản được bảo tồn, cảnh quan môi trường và lịch sử được gìn giữ và tôn trọng, con người thân thiện và các hoạt động dịch vụ đậm giá trị văn hóa truyền thống", TS Trần Hữu Thùy Giang nhận định.

Lê Chung

NỔI BẬT TRANG CHỦ