(Tổ Quốc) - Xã hội hóa thể thao được xác định là giải pháp, hướng đi rất quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn về cơ sở vật chất, chế độ cho VĐV… cùng các vấn đề của ngành Thể thao. Bởi muốn phát triển thể thao, nhất là thành tích cao thì không chỉ trông chờ vào ngân sách Nhà nước.
Thúc đẩy kinh tế thể thao
Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ mục tiêu trong 2 giai đoạn bao gồm, mục tiêu tới năm 2030, hoạt động kinh tế thể thao có bước phát triển mạnh mẽ, trong đó giai đoạn 2025 - 2030 tăng trưởng mạnh về số lượng, quy mô các cơ sở sản xuất, kinh doanh thể dục, thể thao và phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ thể dục, thể thao.
Mục tiêu tới năm 2045, thị trường thể thao phát triển, kinh tế thể thao đạt mức tăng trưởng hằng năm cao, từng bước đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế đất nước.
Để đạt được 2 mục tiêu trên, Chiến lược cũng nêu rõ giải pháp khi tạo hàng lang pháp lý phù hợp giúp ngành Thể thao rà soát sửa đội Luật TDTT theo hướng phân định rõ tính chất của các hoạt động TDTT, bổ sung quy định cụ thể về cơ chế chính sách đầu tư phát triển, khuyến khích, thu hút, ưu đãi về cơ sở vật chất – kỹ thuật, hệ thống thiết chế TDTT, nhân lực, nhân tài trong hoạt động thể thao.
Đồng thời hoàn thiện các quy định về thúc đẩy kinh tế thể thao gắn với quyền sở hữu chuyển nhượng, khai thác bản quyền, tài trợ, đặt cược thể thao, cơ chế xã hội hóa và huy động nguồn lực trong lĩnh vực TDTT.
Theo Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt, từ góc độ quản lý, chủ trương XHH nhằm huy động các nguồn lực đầu tư phát triển lĩnh vực TDTT thời gian qua đã tạo ra hành lang pháp lý cũng như điều kiện thuận lợi cho hoạt động TDTT, các doanh nghiệp TDTT phát triển. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật về chủ trương, chính sách XHH được ban hành kịp thời đã tháo gỡ được những vấn đề phát sinh cần được quản lý, hướng dẫn để các môn thể thao phát triển theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế thể thao và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tổ chức các dịch vụ TDTT.
Cùng với đó là sự phát triển của kinh tế xã hội, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao, sự quan tâm của người dân với thể thao ngày càng lớn. Đây cũng là ngành nghề có thể kinh doanh, tạo dựng thương hiệu. Bởi vậy, việc đầu tư vào công tác tổ chức hoạt động, sự kiện TDTT luôn thu hút rất nhiều doanh nghiệp tham gia...
Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam có 40.000 giải thể thao từ chuyên nghiệp đến nghiệp dư, ở mọi cấp độ. Đây là con số rất ấn tượng, cho thấy niềm đam mê thể thao tại Việt Nam và tiềm năng rất lớn cho các hoạt động có doanh thu liên quan đến những giải thể thao. Đồng thời, đây cũng là yếu tố chứng minh cho thấy vai trò quan trọng của các địa phương trong việc trở thành đơn vị đăng cai các giải đấu.
Khai thác tiềm năng lợi thế của các địa phương
Trong những năm qua, nhiều địa phương trên cả nước đã tận dụng lợi thế địa lý để phát triển kinh tế thể thao. Đơn cử thành phố Đà Nẵng, với lợi thế là đô thị biển và đầu mối giao thông rất quan trọng, sở hữu các di tích lịch sử, văn hóa, các lễ hội, làng nghề truyền thống… chính quyền địa phương đã đưa ra nhiều chính sách giúp khai thác, phát huy triệt để tiềm năng thông qua thể thao.
Trung bình hàng năm, thành phố Đà Nẵng đăng cai tổ chức từ 15-20 hoạt động thể thao cấp quốc gia. Bên cạnh đó, một số sự kiện quốc tế lớn được thành phố Đà Nẵng tổ chức thành công như Cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới Clipper Race 2015-2016; Đại hội Thể thao Bãi biển Châu Á lần thứ 5 năm 2016 và những sự kiện thường niên, gần như trở thành "thương hiệu" khi nhắc đến thành phố như Giải Golf chuyên nghiệp Châu Á - BRG Open Championship Danang, Cuộc thi Marathon quốc tế Đà Nẵng, Cuộc thi IRONMAN 70.3 Việt Nam; Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13 năm 2024, thu hút đông đảo người dân, du khách, vận động viên chuyên nghiệp trong nước và quốc tế tham gia, với số lượng tăng dần qua từng năm tổ chức….
"Với việc đăng cai tổ chức tốt các sự kiện thể thao trong nước và quốc tế, đã phát huy tốt công năng, nâng cao hiệu quả sử dụng các thiết chế thể thao, phát triển kinh tế trên địa bàn thành phố, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân, thúc đẩy thương mại dịch vụ, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người thành phố Đà Nẵng đến các địa phương trong cả nước, và bạn bè, du khách quốc tế" – ông Nguyễn Trọng Thao, Phó giám đốc Sở VHTT Đà Nẵng cho biết.
Theo ông Nguyễn Nam Nhân, Phó Giám đốc Sở VHTT TP. HCM, với xu hướng phát triển ngành kinh tế thể thao, Việt Nam có cơ hội thu hút đầu tư và mở rộng các dịch vụ như thể thao giải trí, du lịch thể thao, sản xuất thiết bị thể thao.
Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ tạo đà giúp ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, các công nghệ mới và trí tuệ nhân tạo có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn, từ đó có thể giúp nâng cao chất lượng huấn luyện, quản lý và quảng bá thể thao, tối ưu hóa hiệu quả của các hoạt động trong lĩnh vực thể dục thể thao.
"Nếu xét tương quan tác động của việc triển khai đề án phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đến yếu tố kinh tế - xã hội tại TP.HCM có thể thấy, Chiến lược cơ hội phát triển ngành kinh tế thể thao, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các dịch vụ thể thao, thiết bị, sự kiện thể thao và thể thao giải trí. Điều này không chỉ tăng trưởng nguồn lực mà còn đóng góp vào GDP của quốc gia. Đề án đề cập đến việc huy động các nguồn lực xã hội, khuyến khích hợp tác công - tư, đây là yếu tố quan trọng để thu hút vốn đầu tư từ tư nhân, tạo nguồn lực bổ sung cho phát triển thể thao trong bối cảnh ngân sách công hạn chế" – ông Nguyễn Nam Nhân nhận định.
Cùng với TP. HCM, Hà Nội cũng là một trong những địa phương đi đầu khi đã đề xuất những kế hoạch góp phần tạo thuận lợi cho công tác xã hội hóa.
Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cho biết, tại Điều 41 trong Luật Thủ đô 2024 về Quản lý, sử dụng tài sản công và khai thác công trình hạ tầng, trong đó có công trình, hạng mục hạ tầng văn hóa, thể thao nêu rõ, cơ quan, tổ chức đang được giao quản lý, sử dụng công trình, hạng mục công trình là tài sản công trên địa bàn Thành phố được ký hợp đồng nhượng quyền khai thác, quản lý với nhà đầu tư, doanh nghiệp để khai thác công trình, hạng mục công trình trong một thời gian nhất định.
"Sau khi Luật Thủ đô 2024 được Quốc hội thông qua, trong đó đã có những quy định tháo gỡ những vướng mắc về quản lý tải sản công và có quy định cụ thể ở điều 21 về việc phát triển văn hóa, thể thao, du lịch.
Trong đó có quy định cụ thể về đầu tư nguồn lực phát triển thể thao thành tích cao, xây dựng công trình thể thao hiện đại đạt tiêu chuẩn khu vực và thế giới; đào tạo, bồi dưỡng VĐV, huấn luyện viên đạt trình độ quốc gia, quốc tế; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia phát triển thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp…đã tạo cơ sở pháp lý cho thể thao Thủ đô phát triển.
Để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, ngoài kế hoạch dài hơi, hàng năm Thành phố đều xây dựng kế hoạch cụ thể, trong đó mỗi năm tổ chức hơn 1.000 sự kiện thể thao uy tín góp phần quảng bá tích cực hình ảnh của Thủ đô." – ông Đỗ Đình Hồng cho biết./.