• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Phát triển văn hóa không đơn thuần là chúng ta đã dành bao nhiêu tiền cho lĩnh vực văn hóa"

Thời sự 29/03/2021 11:49

(Tổ Quốc) - Phát biểu tại phiên thảo luận về các báo cáo của Chủ tịch nước, Chính phủ sáng nay (29/3), ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị Chính phủ nhiệm kỳ mới xem xét, có giải pháp tổng thể, đồng bộ và quyết liệt hơn nữa để phát triển văn hóa một cách toàn diện.

Bồi đắp văn hóa cần được chú trọng mọi lúc mọi nơi

Theo ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương), nhiệm kỳ qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành hực hiện hiệu quả đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trên tất cả các lĩnh vực.

"Phát triển văn hóa không đơn thuần là chúng ta đã dành bao nhiêu tiền cho lĩnh vực văn hóa" - Ảnh 1.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương). Ảnh: Quốc hội

Nhìn lại thành công cũng như tồn tại hạn chế của Chính phủ, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ trăn trở về vấn đề phát triển văn hóa như thế nào để văn hóa thực sự trở thành động lực, nguồn lực, để trở thành bệ phóng đưa đất nước phát triển toàn diện.

ĐB này cho rằng, sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong 5 năm qua đã được thể hiện rõ trong báo cáo của Chính phủ. Tuy nhiên, dường như nền tảng của văn hóa chưa theo kịp sự phát triển kinh tế.

"Chúng ta đã dành nhiều nguồn lực để phát triển văn hóa từ cơ chế chính sách, đến các chương trình mục tiêu nhưng vấn đề phát triển văn hóa không chỉ đơn thuần là chúng ta đã dành bao nhiêu tiền cho lĩnh vực văn hóa" - ĐB Nguyễn Thị Việt Nga nêu quan điểm.

Sự thực cho thấy, xã hội ngày càng có nhiều biểu hiện của đạo đức, văn hóa xuống cấp. Việc xuống cấp đạo đức, văn hóa này diễn ra ở mọi lĩnh vực, ngay cả trong những lĩnh vực tưởng như văn hóa nhất.

"Quốc hội đã thực hiện giám sát tối cao về vấn đề xâm hại trẻ em, những con số đưa ra khiến chúng ta không khỏi giật mình. Nhưng ngay trong, sau thời gian thực hiện giám sát tối cao thì những sự việc đau lòng vẫn diễn ra, gây phẫn nộ cho nhân dân" -  ĐB đoàn Hải Dương nói.

Cũng theo ĐB này, thời gian qua đã nhiều vụ án, đại án được đưa ra xét xử mà người vi phạm lại giữ các chức vụ cao, phạm tội không phải thiếu hiểu biết pháp luật mà ngược lại rất am hiểu về luật pháp nhưng bị mối lợi vật chất làm mờ mắt để cố tình chà đạp lên pháp luật, thu lợi bất chính cho cá nhân.

Dư luận xã hội đồng tình với việc xử lý nghiêm minh các trường hợp tham ô, tham nhũng nhưng cũng đau xót với việc niềm tin bị các quan chức biến chất làm xói mòn, lung lay. Hậu quả của xói mòn niềm tin này còn lớn hơn nhiều so với thiệt hại về kinh tế.

Theo Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa XIV tỉnh Hải Dương, báo cáo của Chính phủ nêu rõ tồn tại, hạn chế trong đó nguyên nhân chính là yếu tố con người. Chúng ta có hệ thống pháp luật đồng bộ, toàn diện, có chế tài nghiêm minh. Tuy nhiên, nếu thiếu đi ý thức chấp hành pháp luật, thiếu đi nền tảng vững chắc về văn hóa vững chắc thì vi phạm vẫn diễn ra nhiều.

ĐB này chia sẻ, trong một thời gian dài, dường như việc đào tạo trong các trường đại học khối ngành học khoa học xã hội và nhân văn ít được coi trọng. Các ngành này tuyển sinh khá chật vật so với khối kinh tế.

Chúng ta đã có nhiều nỗ lực bảo tồn, giữ gìn và phát triển văn hóa nhưng dường như vẫn thiếu giải pháp trọng tâm, nền tảng. Chính vì vậy, mở đầu nhiệm kỳ mới, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị Chính phủ xem xét, có giải pháp tổng thể, đồng bộ và quyết liệt hơn nữa để phát triển văn hóa  một cách toàn diện.

Khi đối mặt với đại dịch covid-19, trong lúc nguy nan nhất thì cứu cánh cho con người chính là văn hóa. Sự tương thân tương tái, sự sẻ chia, nghĩa đồng bào đã tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn, huy động được nguồn lực tài chính vật chất quan trọng giúp chúng ta vượt qua tình huống khó khăn nhất.

"Chúng ta đã có truyền thống văn hóa tốt đẹp ngàn đời của dân tộc được giữ gìn, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chính vì vậy, việc bồi đắp, phát huy văn hóa cần được chú trọng mọi lúc mọi nơi, không có điểm dừng" - ĐB Nguyễn Thị Việt Nga nêu quan điểm.  

Vẫn còn tình trạng "trên bảo dưới không nghe"

ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa (Đoàn Đồng Tháp) ghi nhận sự thẳng thắn của Chính phủ khi chỉ ra 5 tồn tại, hạn chế. Đồng thời bày tỏ sự ấn tượng về một Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt và phục vụ nhân dân. Ấn tượng về một Chính phủ có nhiều quyết tâm lớn, trong đó có quyết tâm xây dựng một Chính phủ không tham nhũng, Chính phủ nói đi đôi với làm; Chính phủ gần dân, sát dân, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc phát sinh liên quan đến đời sống của nhân dân.

"Phát triển văn hóa không đơn thuần là chúng ta đã dành bao nhiêu tiền cho lĩnh vực văn hóa" - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Quốc hội

ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh, với những quyết định sáng suốt như "không đánh đổi môi trường lấy sự phát triển kinh tế" trước băn khoăn của người dân về môi trường; kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên khi nhân dân Tây Nguyên băn khoăn về những cánh rừng bị tàn phá; đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19, với khẩu hiệu "chống dịch như chống giặc", quyết tâm thực hiện "mục tiêu kép", Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

"Đó là sức mạnh của niềm tin, sức mạnh của cả dân tộc, khẳng định sự đúng đắn trong điều hành của Chính phủ" - ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa nêu qua điểm.

Cũng theo ĐB này, việc xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động đã làm chuyển động bộ máy, tuy nhiên, chuyển biến còn chậm và chưa vững chắc, chưa đồng bộ, chưa khắc phục triệt để những bất cập. Đây đó vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, trên bảo dưới không nghe, "trên nóng dưới lạnh" và vẫn còn cơ chế "xin-cho", còn tham nhũng quyền lực, tham nhũng chính sách.

"Cỗ máy đang vận hành chỉ cần một chi tiết nhỏ thiếu đồng bộ hay một quy trình lỗi nhịp thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới hiệu suất hoạt động của bộ máy", vị ĐB đoàn Đồng Tháp thẳng thắn nêu ý kiến.

Cũng theo đại biểu Mai Hoa, dù Chính phủ đề cao dân chủ nhưng sự tham gia của người dân chưa cao, thậm chí còn mang tính hình thức, nhiều việc dân không được biết, không được tham gia giám sát, kiểm tra.

Từ đó, ĐB này kiến nghị tập trung xây dựng Chính phủ kiến tạo với thước đo là hoàn thiện thể chế, ban hành văn bản pháp luật đồng bộ; tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt Chính phủ cần quan tâm nhiều tới công khai minh bạch các chính sách, phải xây dựng chính sách có tính khả thi.

Theo đó, Chính phủ nhiệm kỳ mớI cần xây dựng bộ máy công tâm, khách quan, có trách nhiệm giải trình cao, không bị chi phối bởi lợi ích nhóm. Xây dựng Chính phủ mở và nền hành chính Nhà nước mở; ưu tiên đối thoại, phản biện và tư vấn chính sách; cọi trọng ý kiến của người dân./.

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ