(Tổ Quốc) - 20h30 tối nay, thứ Hai ngày 13/3, kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng bộ phim tài liệu "Bác Hồ với Điện ảnh". Phim do Bộ VHTTDL đặt hàng, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương sản xuất nhân Kỷ niệm 70 năm Điện ảnh Cách mạng Việt Nam.
- 04.03.2023 Thứ trưởng Tạ Quang Đông: TP.HCM cần có chính sách đặc thù phát triển lĩnh vực Điện ảnh
- 03.03.2023 Thưởng thức miễn phí 5 bộ phim đặc sắc của điện ảnh Ba Lan tại Việt Nam
- 08.02.2023 Nhiều hoạt động thúc đẩy phát triển điện ảnh tại Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ I
- 23.01.2023 Điện ảnh Việt 2023: Mong chờ những đột phá
Đây là bộ phim có ý nghĩa nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Ngành Điện ảnh cách mạng Việt Nam, ngày Bác Hồ ký sắc lệnh số 147/SL thành lập Doanh nghiệp quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam (15.3.1953 - 15.3.2023). Phim "Bác Hồ với điện ảnh" của đạo diễn NSƯT Trịnh Quang Tùng thực hiện từ kịch bản "Chủ tịch Hồ Chí Minh với Điện ảnh cách mạng Việt Nam" của đạo diễn, nhà biên kịch, NSƯT Nguyễn Sĩ Chung.
Suốt 70 năm qua, từ khi ra đời đến nay, Điện ảnh Cách mạng Việt Nam đã sản xuất nhiều bộ phim thời sự, tài liệu, phim truyện về chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, đây là tâm huyết, tình cảm của các thế hệ nghệ sỹ và cũng là trách nhiệm của ngành Điện ảnh trong công tác tuyên truyền những tác phẩm nghệ thuật về chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh tới khán giả trong và ngoài nước. Những giá trị đó vẫn còn mãi và sẽ là niềm cảm hứng bất tận cho các nghệ sỹ sau này.
Đạo diễn, nhà biên kịch NSƯT Nguyễn Sĩ Chung trước đây đã từng làm 2 bộ phim “Một nét danh nhân” và “Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thái Lan” nên có nhiều kinh nghiệm làm phim về Bác. Tuy nhiên, với bản tính cẩn trọng và kỹ lưỡng, ông đã dành nhiều thời gian thu thập tư liệu để viết kịch bản “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Điện ảnh cách mạng Việt Nam”. Ông đã xem những phim truyện, phim tài liệu và phim thời sự về Bác, cùng những bài báo viết về Người và đã hoàn tất kịch bản tại trại sáng tác kịch bản ở Nha Trang.
Đạo diễn Nguyễn Sĩ Chung muốn khắc họa niềm đam mê và sự sáng tạo của các nhà làm phim khi thể hiện hình tượng Hồ Chí Minh trên màn bạc dựa trên cơ sở hiện thực và cơ sở sáng tạo. Vì mong ước của nhân dân cả nước đều muốn biết về cuộc đời của Bác.
Đạo diễn Nguyễn Sĩ Chung cho biết: "Bác Hồ am hiểu tường tận công việc của ngành nghệ thuật trẻ tuổi này. Và bao giờ cũng với một thái độ rộng rãi, yêu thương. Bác khích lệ, động viên. Ai đã được nghe Bác nhận xét về tác phẩm của mình hay tác phẩm của người khác, đều thấy phải làm gì hơn nữa cho nhân dân, cho quần chúng".
"Điều Bác quan tâm nhất là nghệ thuật nói gì? Nói cho ai? Và nói như thế nào cho quần chúng hiểu, quần chúng thích. “Xem một lần rồi còn muốn xem nữa”. Nghệ thuật thuộc về quần chúng. Điện ảnh là một nghệ thuật mang tính quần chúng nhất. Một trong những lý do Bác quan tâm đặc biệt đến điện ảnh là vì lẽ đó”- tác giả kịch bản phim Bác Hồ với điện ảnh cho biết.
Kịch bản của đạo diễn Nguyễn Sĩ Chung là sự đan xen giữa phim truyện và phim tài liệu. Phim tài liệu “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh” thể hiện thời gian Bác sống với gia đình ở Huế, học ở trường Quốc học Huế, tham gia biểu tình cùng nhân dân Huế đòi giảm sưu cao, thuế nặng và đấu tranh trực diện với quan khâm sứ Pháp, rồi vào Sài Gòn sống gần gũi với người lao động, tìm hiểu đời sống của giới bình dân và tri thức Sài Gòn, rồi tìm đến tàu Lalustrơvinhơ... và bắt đầu cuộc hành trình tìm đường cứu nước với tên gọi Nguyễn Văn Ba...
Phim dựng đan xen với những đoạn trong phim truyện “Hẹn gặp lại Sài Gòn” với nhân vật Nguyễn Tất Thành do NSND Tiến Hợi thể hiện. Hay trong nhiều bộ phim tài liệu “Một nét danh nhân”, “Bác Hồ ở Trung Quốc” đã thể hiện thời kỳ Bác sống, hoạt động, đào tạo cán bộ ở Trung Quốc. Những sự kiện đó đã được các nhà làm phim truyện cụ thể hóa bằng tình huống, nhân vật trong phim truyện “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”..
Rồi giai đoạn Bác hoạt động ở Thái Lan được thể hiện trong phim tài liệu “Một nét danh nhân” và phim truyện “Thầu Chín ở Xiêm”... Trong phim “Một nét danh nhân” có một đoạn ghi hình và lời nói của ông Tỉnh trưởng Nakhonphanom: “Điều đáng nhớ nhất là Cụ Hồ rất ham học hỏi, sống chan hòa, thân thiện với mọi người, thấu hiểu xã hội Thái Lan và răn dạy Việt kiều sống và làm việc cho phù hợp với truyền thống phong tục Thái Lan, tuân thủ chính sách và pháp luật Thái Lan, sống tốt với nhân dân Thái Lan và chăm chỉ làm ăn chân chính. Tôi rất trân trọng và kính phục những lời dạy của Cụ Hồ. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một tấm gương sáng, một điển hình tiêu biểu của nhân dân Việt Nam, mà cũng là tấm gương lãnh đạo của nhân dân thế giới”.
Một tác phẩm về thời khắc cam go của đất nước khi những quyết định của Bác ảnh hưởng đến vận mệnh của cả dân tộc là bộ phim truyện “Hà Nội mùa đông 1946” của đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh, vai Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa do nghệ sĩ Tiến Hợi thể hiện...
Trong kịch bản phim có trích phỏng vấn các đạo diễn, nghệ sĩ, diễn viên làm phim về Bác, đóng phim về Bác, trong đó có các đạo diễn gạo cội như Long Vân, Phạm Kỳ Nam, An Sơn, Xuân Phượng, Bùi Đình Hạc, Đặng Nhật Minh... Câu chuyện tình bạn của Bác với luật sư Francis Henry Loseby và đạo diễn phim tài liệu quốc tế Joris Ivens.... cũng được đưa vào kịch bản.
Đạo diễn Nguyễn Sĩ Chung chia sẻ: “Những tác phẩm điện ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự là tài sản tư tưởng tinh thần không chỉ với Việt Nam mà của cả cộng đồng quốc tế. Từ cuộc đời của Bác, mỗi đất nước, mỗi dân tộc, mỗi con người đều như thấy được sự khích lệ, để xây dựng tình hữu nghị và sự hòa hợp giữa các quốc gia, các dân tộc trong một thế giới hòa bình, hạnh phúc cho tất cả mọi người”.
Đạo diễn, NSƯT Trịnh Quang Tùng chia sẻ về bộ phim: "Trong quá trình tìm và khai thác tư liệu làm phim vừa thuận lợi nhưng cũng có khó khăn, đó là đa phần những hình ảnh tư liệu về Bác Hồ đều có trong các cuốn phim nhựa 35mm lưu giữ trong kho của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương để phục vụ sản xuất. Bên cạnh hàng chục tác phẩm phim tài liệu thì hàng nghìn mét phim về Bác là những tài sản hình ảnh vô giá mà chúng ta đã có được trong suốt hơn 70 năm qua".
Đạo diễn Trịnh Quang Tùng cũng cho biết, rất nhiều khó khăn khi làm phim. Nhiều nhà Điện ảnh từ khu 8, Đồi Cọ đã mất, nếu còn thì cũng già yếu, điều này cũng phần nào hạn chế sự sinh động cho phim.
“Tuy là vậy nhưng với trách nhiệm của mình, một người sinh ra trong hòa bình, thế hệ rất xa của các bậc tiền nhân, tôi sẽ cố gắng đưa đến cho khán giả một bộ phim với mong muốn tri ân và tôn vinh những công lao to lớn của các thế hệ làm Điện ảnh Việt Nam” - đạo diễn Trịnh Quang Tùng chia sẻ.
Đạo diễn Trịnh Quang Tùng cũng khiêm tốn bày tỏ về tác phẩm của mình. Theo anh, một bộ phim khó có thể nói hết được tất cả, với 70 năm ngành Điện ảnh cách mạng Việt Nam, một quãng thời gian dài với sứ mệnh lịch sử to lớn. "Tôi chỉ dám khai thác khía cạnh Bác Hồ với Điện ảnh. Một lần nữa hình ảnh Bác Hồ được hiện hữu trong những thước phim tài liệu đầy chân thực, hấp dẫn trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ta. Qua đó, húng ta thấy được tình cảm, sự quan tâm của Bác giành cho ngành Điện ảnh cách mạng Việt Nam để từ đó những nghệ sĩ không quản khó khăn, gian khổ đồng hành cùng lịch sử dân tộc"- đạo diễn nói.
Cũng theo đạo diễn Trịnh Quang Tùng, hình tượng về cuộc đời Bác được các nhà điện ảnh phim truyện tái hiện sinh động, hấp dẫn trên nhiều bộ phim điện ảnh đã để lại nhiều ấn tượng và cảm xúc khi mỗi bộ phim là một quãng thời gian về cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh. "Cá nhân tôi hạnh phúc khi được gặp các đạo diễn, biên kịch, quay phim, diễn viên bởi họ đã cống hiến hết mình để có những tác phẩm gửi lại cho lịch sử, cho nhân dân, chỉ tiếc là họ đã nhiều tuổi, sức khỏe cũng không được tốt vì thế, nhiều điều tôi chưa làm được trong bộ phim...”- đạo diễn Trịnh Quang Tùng cho hay./.