(Tổ Quốc) -Nhưng cũng đã 20 năm, kể từ khi bộ phim truyền hình Việt về đề tài thiếu nhi nổi tiếng cuối cùng được sản xuất: Đội đặc nhiệm nhà C21. Vì sao hiện nay, đề tài trẻ em vắng bóng trong các bộ phim truyền hình?
Phim truyền hình Việt đã từng có những bộ phim thiếu nhi hấp dẫn như: Đất Phương Nam, Những nẻo đường phù sa, Kính vạn hoa... Nhưng cũng đã 20 năm, kể từ khi bộ phim truyền hình Việt về đề tài thiếu nhi nổi tiếng cuối cùng được sản xuất: Đội đặc nhiệm nhà C21. Vì sao hiện nay, đề tài trẻ em vắng bóng trong các bộ phim truyền hình?
Thiếu điều kiện sản xuất
Trước hết phải khẳng định, nhu cầu thưởng thức phim truyền hình Việt về đề tài thiếu nhi là vô cùng lớn. Không chỉ thiếu nhi mà đối tượng khán giả của thể loại phim này còn là các bậc phụ huynh. Ngoài giá trị giải trí, định hướng các em nhỏ thì xem phim thiếu nhi để hiểu tâm tư, tình cảm của các con là giá trị nhân văn mà thể loại phim này mang lại.
Bởi vậy, trước đây, những bộ phim như Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên, Sabrina- Cô phù thủy nhỏ, Bí mật đại dương xanh... luôn hấp dẫn cả gia đình. Phim truyền hình Việt cũng có những bộ phim đề tài thiếu nhi thu hút cả gia đình như: Đất Phương Nam, Những nẻo đường phù sa, Đội đặc nhiệm nhà C21...
Đất Phương Nam- bộ phim truyền hình hấp dẫn không chỉ thiếu nhi mà nhiều đối tượng khán giả. |
Tuy nhiên, hiện nay đề tài thiếu nhi đang vắng bóng trên phim truyền hình.
Thừa nhận việc thiếu vắng phim truyền hình dành cho thiếu nhi, ông Đỗ Thanh Hải- Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình, Đài truyền hình Việt Nam (VFC) cho rằng, chúng ta đang thiếu nhiều điều kiện để làm phim.
Theo ông Hải, đầu tiên là đội ngũ diễn viên. Với lịch làm phim phải từ 4-5 tháng, rất khó đển các em thiếu nhi có thể tham gia được do vướng thời gian đi học. “Nếu như ở các nước như Úc, Mỹ, Nhật... các nhà làm phim có những dự án phim thiếu nhi thì họ phải ký hợp đồng với gia đình và các trẻ em phải dừng việc học, đi theo việc đóng phim. Các nước có chính sách riêng về đào tạo, dạy dỗ, và được chấp nhận dù không theo lịch học của trường. Nhưng xã hội chúng ta thì việc này rất khó, đấy là điều mà các phụ huynh còn băn khoăn dù cũng muốn cho các con đóng phim nhưng phải cân nhắc. Giữa việc cho con nghỉ học đóng phim hay chỉ coi đóng phim là hoạt động vui chơi thỏa mãn một chút đam mê nghệ thuật thôi thì hầu như ở nước ta, các phụ huynh chọn giải pháp thứ hai”- Ông Đỗ Thanh Hải cho biết.
Ngoài việc khan hiếm những diễn viên nhí cho các bộ phim truyền hình thì những kịch bản phim hấp dẫn ở đề tài này cũng không có. “Kịch bản, diễn viên... các yếu tố này đều liên quan đến nhau. Nếu có được điều kiện sản xuất (diễn viên) thì mới viết kịch bản hoặc có kịch bản thì mới tìm diễn viên”- ông Đỗ Thanh Hải cho hay.
Tuy nhiên, khi đề cập đến phim ngắn tập, diễn viên không phải tốn nhiều thời gian để làm phim thì ông Hải cho rằng, VFC không sản xuất vì hiệu quả không như mong muốn trong khi phải đầu tư rất lớn. “Phim ngắn tập rất phù hợp với đề tài thiếu nhi nhưng chúng tôi chỉ làm vào dịp Tết và cũng chỉ lấy thiếu nhi là một phần câu chuyện”- Đạo diễn Đỗ Thanh Hải chia sẻ.
“Không phim truyền hình đã có gameshow”
Khẳng định sẽ còn lâu VFC mới có những bộ phim truyền hình cho thiếu nhi. Tuy nhiên, ông Hải cho biết, tới đây, VFC có dự án phim sitcom về gia đình, trong đó có ba nhân vật là tuổi mới lớn, ba nhân vật xuyên suốt theo bộ phim.
Sau Đội đặc nhiệm nhà C21, truyền hình Việt thiếu những bộ phim thiếu nhi hấp dẫn. |
Ông Hải cho biết, làm phim về lứa tuổi mới lớn cũng khó khăn không kém lứa tuổi thiếu nhi. “Chúng tôi phải gặp phụ huynh, nói về điều kiện làm phim, trao đổi và thông qua gia đình, được chấp nhận mới làm. Dù các bạn 16, 17 tuổi nhưng chưa ý thức sự chuyên nghiệp trong đóng phim mà vẫn chỉ là sở thích nhất thời. Nên khi áp lực quá hay thậm chí chỉ nắng nóng quá lại đòi nghỉ. Vì các em coi đấy là cuộc chơi, nhưng làm phim không phải cuộc chơi mà là hoạt động chuyên nghiệp. Nên chúng tôi làm rất kỹ về vấn đề này với gia đình và các bạn trẻ”- Đạo diễn Đỗ Thanh Hải cho biết.
Rõ ràng, việc thiếu hụt đề tài thiếu nhi trên phim truyền hình là sự thiếu hụt của cả một hệ thống các điều kiện sản xuất phim. Trong đó có việc đào tạo nguồn diễn viên trẻ.
Hiện nay, đào tạo diễn viên mới chỉ có các lớp dành cho sinh viên trường Đại học Sân khấu Điện ảnh hoặc hệ Cao đẳng. Nghĩa là với lứa tuổi 18 trở lên. Như vậy, rõ ràng không có lực lượng diễn viên thiếu nhi được đào tạo chuyên nghiệp. Các em nhỏ, nếu yêu thích sân khấu, điện ảnh thì chỉ tham gia sinh hoạt ở các câu lạc bộ.
Các em thiếu nhi thì chỉ là sinh hoạt vui vẻ ở các CLB ngoại khóa, chưa chuyên nghiệp nên để đóng phim rất “không an toàn”. Chúng tôi đã gặp những trường hợp khi đang làm phim thì gia đình kêu là cháu nó phải tập trung vào học, thế là dừng. Không thể phạt hợp đồng vì điều kiện làm phim chưa giàu có gì để đưa nhau ra tòa. Lại phải làm việc với gia đình là thôi cố quay thêm một số tập nữa để thay đổi kịch bản”- ông Hải chia sẻ về những sự cố khi làm phim truyền hình cho thiếu nhi.
Với vai trò của một trung tâm sản xuất phim truyền hình thuộc Đài truyền hình quốc gia, ông Hải cho rằng, đề tài thiếu nhi luôn là đề tài mà các nhà làm phim truyền hình quan tâm. “Chúng tôi sẽ cố gắng bớt khoảng trống đó bằng cách xây dựng những câu chuyện gia đình, trong đó, đối tượng trẻ em được đề cập nhiều hơn, nhưng không phải là xuyên suốt để đạt yêu cầu trong sản xuất. Bù lại chúng ta nở rộ gameshow hoặc những chương trình khác dành cho thiếu nhi”- ông Hải chia sẻ.