• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phó Chủ tịch Quốc hội: Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao văn hóa

Thời sự 18/03/2024 21:48

(Tổ Quốc) - Chiều 18/3, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với hai lĩnh vực tài chính, ngoại giao.

Phó Chủ tịch Quốc hội: Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao văn hóa - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu bế mạc phiên chất vấn

Đến năm 2025 hoàn thành việc sửa đổi Nghị định số 06 năm 2017 của Chính phủ

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, các nhóm vấn đề thuộc 2 lĩnh vực được lựa chọn chất vấn tại phiên họp này đều là lĩnh vực rất quan trọng, thu hút sự quan tâm, chú ý rộng rãi của cử tri, nhân dân cả nước.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn với tinh thần trách nhiệm cao, hiểu biết, nắm chắc thực trạng ngành, lĩnh vực phụ trách đã trả lời rõ ràng, rành mạch, thẳng vào các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn và đã làm rõ thực trạng cũng như đề xuất nhiều giải pháp đối với các vấn đề chất vấn.

"Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội đánh giá cao phần trả lời chất vấn, tán thành và ghi nhận các giải pháp, các cam kết của các bộ trưởng tại phiên chất vấn này" - Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Đối với lĩnh vực Tài chính, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Tài chính vẫn còn những hạn chế. Nổi lên là thị trường bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ đã phát sinh một số vấn đề chưa lành mạnh về chất lượng hoạt động tư vấn, về dịch vụ chăm sóc và giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng. Thủ tục giải quyết bảo hiểm còn gặp nhiều khó khăn, rườm rà, kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng và bất cập.

Vẫn còn tình trạng nhân viên tổ chức tín dụng ép buộc người vay mua bảo hiểm hoặc tư vấn không đúng về sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư. Còn xảy ra hiện tượng nhiều khách hàng mua bảo hiểm qua ngân hàng đã hủy hợp đồng ngay sau khi ký, chấp nhận mất số phí bảo hiểm đã đóng.

Bên cạnh đó là tình trạng các công ty làm dịch vụ liên quan đến tài chính vi phạm các quy định của pháp luật dẫn đến bị xử lý, đình chỉ hành nghề, đình chỉ kinh doanh và thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Một số sai phạm của cá nhân phải xử lý hình sự. Quy định về điều kiện kinh doanh giữa các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán và đại lý thuế trong việc kinh doanh dịch vụ kế toán còn chưa phù hợp.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xổ số, đặt cược casino và trò chơi điện tử có thưởng hoạt động không hiệu quả. Sản phẩm xổ số thủ công vẫn chiếm tỷ trọng lớn và phát triển không đồng đều giữa các khu vực. Chi phí dành cho hoạt động phát hành còn cao. Một số địa điểm kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài bị lợi dụng để đánh bạc, phải xử lý hình sự.

Ủy Ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, các bộ trưởng có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp đề ra.

Trong đó, về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, cần tìm giải pháp phát triển toàn diện thị trường bảo hiểm, đáp ứng nhu cầu đa dạng của các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế. Đa dạng và chuyên nghiệp hóa kênh phân phối bảo hiểm nhằm tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân, đặc biệt là đối tượng thu nhập thấp được tham gia bảo hiểm. Công khai, minh bạch thông tin về sản phẩm và doanh nghiệp bảo hiểm.

Thực hiện nghiêm quy định về Luật Kinh doanh bảo hiểm, đặc biệt là việc không được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức, nhất là việc bán bảo hiểm kèm theo những sản phẩm của ngân hàng. Tiếp tục tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Về hoạt động kinh doanh xổ số, trò chơi có thưởng, hoàn thiện khung pháp lý đối với lĩnh vực xổ số, đặt cược casino và trò chơi có thưởng. Đến năm 2025 hoàn thành việc sửa đổi Nghị định số 06 năm 2017 của Chính phủ, từng bước tái cơ cấu thị trường theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý kinh doanh xổ số; sử dụng nguồn thu từ xổ số và trò chơi có thưởng để đầu tư phát triển y tế, giáo dục, an sinh xã hội và các chương trình, dự án...

Tận dụng tốt các nền tảng số để quảng bá hiệu quả hơn, sáng tạo hơn hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam

Đối với về lĩnh vực ngoại giao, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, ngành ngoại giao đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, thương mại của Việt Nam trong những năm qua, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu gặp nhiều khó khăn, một số chuỗi cung ứng chưa phục hồi sau đại dịch Covid - 19.

Phó Chủ tịch Quốc hội: Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao văn hóa - Ảnh 2.

Quang cảnh phiên họp

Trong đó, công tác ngoại giao văn hóa, xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam có nhiều đổi mới. Mỗi đại sứ, trưởng cơ quan đại diện và cán bộ ngoại giao Việt Nam là một đại sứ du lịch, đại sứ văn hóa của nước ta ở nước ngoài, từng bước quảng bá, tăng cường hiểu biết về đất nước, con người, văn hóa, du lịch Việt Nam, thu hút khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam.

Hàng năm, các cơ quan đại diện tích cực phối hợp tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, tham gia các hội chợ du lịch quốc tế tại các thị trường khách du lịch trọng điểm, đẩy mạnh hỗ trợ các địa phương trong xây dựng hồ sơ vận động UNESCO công nhận các di sản thiên nhiên và văn hóa, số lượng di sản được công nhận đã nâng lên 62.

Nhấn mạnh một số tồn tại vướng mắc của ngành Ngoại giao, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị thời gian tới cần tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm. Đối với việc thực hiện các thỏa thuận cam kết song phương, đa phương, hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp, tiếp tục đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế, phục vụ phát triển theo tinh thần Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030.

Về ngoại giao văn hóa, phát triển du lịch và chính sách miễn thị thực, tiếp tục nâng cao hiệu quả đổi mới về nội dung, hình thức, phương thức của công tác ngoại giao văn hóa, thông tin, tuyên truyền về đối ngoại.

Tích cực, chủ động hợp tác song phương và đa phương về du lịch, gắn kết chặt chẽ ngoại giao văn hóa với ngoại giao kinh tế; góp phần thúc đẩy xuất khẩu, thu hút đầu tư du lịch, hợp tác khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi để đất nước phát triển nhanh, bền vững.

Tiếp tục phát huy lợi thế của các cơ quan đại diện và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong xúc tiến quảng bá du lịch. Đẩy mạnh dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài và dạy tiếng Việt cho người nước ngoài ở Việt Nam.

Thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO về bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa đã được công nhận. Tận dụng tốt các nền tảng số để quảng bá hiệu quả hơn, sáng tạo hơn hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam. Tăng cường phối hợp xây dựng kế hoạch, chương trình xúc tiến du lịch kết hợp với các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư.

Chủ động đề xuất, mở rộng danh sách miễn thị thực đơn phương, thúc đẩy đàm phán, ký kết điều ước quốc tế về miễn thị thực cho người mang hộ chiếu phổ thông đối một số nước trên cơ sở có đi có lại.

Về công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân, cần nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về bảo hộ công dân và người Việt Nam ở nước ngoài. Triển khai toàn diện, hiệu quả công tác bảo hộ công dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài./.

Thế Công - Xuân Trường

NỔI BẬT TRANG CHỦ