• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phó Thủ tướng: Gia Lai cần lựa chọn xây dựng một số sản phẩm du lịch độc đáo, riêng có, hấp dẫn

Thời sự 17/01/2024 18:15

(Tổ Quốc) - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, ưu thế cảnh quan, khí hậu, bản sắc văn hoá đa dạng, ẩm thực phong phú…, là điều kiện thuận lợi để Gia Lai lựa chọn xây dựng một số sản phẩm du lịch độc đáo, riêng có, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế, trở thành động lực mới cho ngành du lịch.

Ngày 17/1, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thắng cảnh thiên nhiên được mệnh danh là tuyệt tác giữa đại ngàn

Gia Lai nằm ở cửa ngõ phía bắc vùng Tây Nguyên, có vị trí chiến lược rất quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; là một trong những trung tâm kết nối giao thông của các tỉnh Tây Nguyên với các tỉnh duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và với các nước Campuchia và Lào.

Địa hình đa dạng, khí hậu ôn hoà và thắng cảnh thiên nhiên được mệnh danh là tuyệt tác giữa đại ngàn đã mang đến cho Gia Lai những lợi thế riêng có để phát triển nhanh, bền vững dựa vào hệ sinh thái với trụ cột là: Kinh tế nông, lâm nghiệp, dịch vụ du lịch hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên và vùng động lực trong tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.

Gia Lai còn là miền đất của sử thi, của truyền thống anh hùng cách mạng; trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, nhiều tên đất, tên người Gia Lai đã đi vào lịch sử.

Phó Thủ tướng: Gia Lai cần lựa chọn xây dựng một số sản phẩm du lịch độc đáo, riêng có, hấp dẫn  - Ảnh 1.

Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong những năm qua vượt qua rất nhiều khó khăn, với tinh thần đoàn kết, đổi mới sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Gia Lai đã không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn để phát triển.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm giai đoạn 2021-2023 ước đạt 9,1%; GRDP bình quân đầu người đạt 71,42 triệu đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt hơn 152.000 tỷ đồng (tăng bình quân 17,24%/năm).

Cơ sở hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển khá đồng bộ tạo điều kiện kết nối khu vực và cả nước. Lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt được nhiều tiến bộ đáng kể, các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc được bảo tồn và phát huy; y tế, giáo dục và đào tạo đều có những bước tiến vững chắc, đã thực sự làm thay đổi chất lượng cuộc sống của người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng.

Để tạo các động lực mới cho Gia Lai phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới, quy hoạch tỉnh Gia Lai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cụ thể hóa một bước chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, Gia Lai hướng tới hình mẫu về phát triển kinh tế xanh, bền vững, giàu bản sắc văn hóa với 3 hành lang kinh tế; 4 tiểu vùng sinh thái; đặc biệt là 3 trụ cột phát triển là: Nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao; dịch vụ và du lịch sinh thái; công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường.

Gia Lai phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt 9,57%/năm; trong đó giai đoạn 2021-2025 đạt bình quân 9,20%/năm và giai đoạn 2026-2030 đạt bình quân 9,92%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt 133 triệu đồng, tương đương 5.500 USD.

Tận dụng ưu thế cảnh quan, khí hậu, bản sắc văn hoá đa dạng, ẩm thực phong phú

Trao đổi một số vấn đề cần lưu ý trong quá trình triển khai Quy hoạch tỉnh Gia Lai, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết đây là lần đầu tiên cả nước có một hệ thống các quy hoạch, trong đó có quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch vùng kinh tế - xã hội, trong đó có Tây Nguyên xác định mục tiêu, tư duy chiến lược phát triển, nhấn mạnh quan điểm Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng là vùng đất hết sức giàu tiềm năng tự nhiên, hệ sinh thái, nguồn sinh thuỷ của nhiều con sông lớn, hội tụ đa dạng các giá trị văn hoá của đồng bào dân tộc, nhưng cũng rất dễ bị tổn thương.

"Tây Nguyên cũng như Gia Lai phải giải bài toán về mối quan hệ đất, nước, rừng trong phát triển", Phó Thủ tướng chia sẻ và cho rằng Quy hoạch tỉnh Gia Lai mới định hướng không gian phát triển, xác lập tầm nhìn, tư duy phân bổ nguồn lực. Vì vậy, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai cần phối hợp với các địa phương trong vùng để rà soát, bảo đảm hài hoà, kết nối với quy hoạch vùng Tây Nguyên, cũng như giữa Tây Nguyên với các vùng kinh tế - xã hội khác.

Phó Thủ tướng: Gia Lai cần lựa chọn xây dựng một số sản phẩm du lịch độc đáo, riêng có, hấp dẫn  - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị.

Gia Lai cần nghiên cứu kỹ Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, khi lập quy hoạch chi tiết, xác định cụ thể không gian đô thị, vùng động lực, nông thôn, hạ tầng giao thông, thiết chế văn hoá, giáo dục, y tế, phân khu chức năng về nông nghiệp, công nghiệp công nghệ cao, du lịch,…

Quy hoạch đô thị của Gia Lai phải hướng tới mục tiêu xanh, thông minh, "trong đô thị có rừng, trong rừng có đô thị", "làm đẹp thêm cho đại ngàn Tây Nguyên", tránh tình trạng đô thị chưa phát triển nhưng hạ tầng đã lạc hậu, ô nhiễm môi trường, sức ép dân số, giao thông tắc nghẽn…

"Gia Lai cần quan tâm, huy động nguồn lực nhà nước, thu hút các đơn vị tư vấn, nhà đầu tư có tên tuổi để hiện thực hoá các ý tưởng quy hoạch", Phó Thủ tướng nói và lưu ý tỉnh cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để tích hợp vào các quy hoạch quốc gia chuyên ngành.

Với tiềm năng thuỷ điện, năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), Phó Thủ tướng gợi mở hướng phát triển thuỷ điện tích năng để bảo đảm được nguồn năng lượng xanh ổn định, trở thành lợi thế của Gia Lai thu hút đầu tư.

Để phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai, tỉnh cần chuẩn bị kỹ quy hoạch các khu công nghiệp công nghệ cao; nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh, nông nghiệp dược liệu gắn với công nghiệp chế biến sâu, gia tăng giá trị; phát triển kinh tế lâm nghiệp với du lịch sinh thái, dịch vụ môi trường rừng, thị trường tín chỉ carbon…

Bên cạnh đó, ưu thế cảnh quan, khí hậu, bản sắc văn hoá đa dạng, ẩm thực phong phú…, là điều kiện thuận lợi để Gia Lai lựa chọn xây dựng một số sản phẩm du lịch độc đáo, riêng có, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế, trở thành động lực mới cho ngành du lịch.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh đẩy mạnh chuyển đổi số, "đi sau nhưng về trước" trong cải cách thủ tục hành chính.

Phó Thủ tướng tin tưởng, với thành tựu và nền tảng được tạo lập cùng truyền thống anh hùng, tinh thần đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền và khát vọng vươn lên của nhân dân, Gia Lai sớm trở thành trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên và vùng động lực trong tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia; giữ gìn được những giá trị quý giá của đại ngàn Tây Nguyên cho con cháu mai sau.

Đăng Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ