(Tổ Quốc) - Sáng nay (5/12), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo “Phát triển và đổi mới hoạt động thư viện trong thời kỳ mới”.
- 29.11.2018 Tiếp tục thực hiện Chương trình phối hợp tăng cường tổ chức hoạt động phục vụ sách báo tại các điểm Bưu điện – Văn hóa xã
- 08.11.2018 Sẽ tổ chức tọa đàm và mời các chuyên gia đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Thư viện
- 22.10.2018 Các chuyên gia đánh giá sự cần thiết xây dựng Luật Thư viện
- 18.09.2018 Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện làm việc với Ban Soạn thảo Luật Thư viện
Dự Hội thảo có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cùng rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài ngành.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy và Vụ trưởng Vụ Thư viện Vũ Dương Thúy Ngà chủ trì Hội thảo.
Đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong tình hình mới
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết, thư viện là thiết chế văn hóa đã xuất hiện từ rất lâu đời, gắn với lịch sử của nhân loại. Mạng lưới thư viện Việt Nam đã được thiết lập, phát triển với các loại hình như: Thư viện công cộng; Thư viện đa ngành, chuyên ngành; Thư viện cơ quan nhà nước, Thư viện tư nhân.
"Không chỉ là nơi giữ gìn di sản thư tịch của dân tộc, thu thập, tổ chức khai thác, cung cấp thông tin, thư viện đã và đang từng bước trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, không gian học tập sáng tạo của cộng đồng, một thiết chế văn hóa – khoa học – giáo dục ngoài nhà trường không thể thiếu, góp phần nâng cao dân trí, đảm bảo việc tiếp cận thông tin của người dân, phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu và giải trí của mọi tầng lớp nhân dân" – Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy phát biểu tại Hội thảo
Việc củng cố và phát triển hệ thống thư viện là một nhiệm vụ quan trọng được khẳng định trong văn kiện của Đảng và các chính sách của Nhà nước. Trong công tác quản lý nhà nước, Dự án Luật Thư viện đang được triển khai xây dựng và hoàn thiện với mong muốn tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển sự nghiệp thư viện.
Tuy nhiên, công tác thư viện vẫn còn những khó khăn, hạn chế như: Mặc dù là hoạt động công ích nhà nước nhưng một số bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm, đầu tư đúng mức; nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đảm bảo; chế độ đãi ngộ cho đội ngũ cán bộ còn nhiều bất cập; sự thay đổi thói quen của người dùng thư viện...
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã tập trung thảo luận, làm rõ vai trò của thư viện trong cuộc sống hiện đại, mô hình thư viện trong tương lại, phương thức quản lý, vận hành để đổi mới hoạt động đáp ứng được sứ mệnh đối với sự phát triển văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế xã hội.
Lấy công nghệ làm chìa khóa để biến thách thức thành thời cơ
Hoan nghênh Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có ý tưởng tổ chức Hội nghị này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, dù thời xưa hay thời nay thì giá trị của một con người, cộng đồng, địa phương, quốc gia, dân tộc đều có nhiều thước đo khác nhau nhưng thứ còn lại cuối cùng vẫn là văn hóa.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội thảo
"Đảng đã xác định kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt còn văn hóa là nền tảng tinh thần. Đất nước có phát triển nhanh, bền vững hay không chắc chắn phải dựa vào yếu tố con người. Và con người phải hội tụ đủ các yếu tố giáo dục, khoa học, văn hóa." – Phó Thủ tướng chia sẻ.
Phó Thủ tướng cho rằng công nghệ phát triển là thách thức lớn với nhiều ngành, trong đó có thư viện nhưng cũng mang lại thời cơ và đòi hỏi toàn ngành phải chủ động đối mặt với thách thức, từ đó biến thành thời cơ phát triển hiệu quả.
"Phải lấy công nghệ làm chìa khóa để biến thách thức thành thời cơ." – Phó Thủ tướng khẳng định.
Với sự tiến bộ nhanh của khoa học công nghệ như hiện nay, thư viện không còn là nơi giữ sách, cán bộ thư viện không thể chỉ là người giữ sách mà còn phải là người hướng dẫn, chuyên gia tra cứu hiệu quả cho người đọc.
Toàn cảnh Hội thảo
Việc số hóa thư viện trên toàn quốc sẽ góp phần thu hút hàng trăm triệu lượt bạn đọc, thậm chí nhiều hơn nữa. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu toàn ngành thư viện phải thay đổi mạnh mẽ, các cán bộ thư viện phải thay đổi, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải thay đổi cách quản lý, quản trị ngành thư viện.
"Nếu thực hiện thành công việc số hóa thư viện trên toàn quốc thì đây sẽ là thời cơ lớn để tất cả hệ thống thư viện Việt Nam trở thành thư viện công cộng cho tất cả mọi người dân tiếp cận ở mọi nơi, mọi lúc." - Phó Thủ tướng khẳng định.