• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phó Thủ tướng: Ngành Văn hoá cần tiếp tục phát huy tinh thần chịu khó, tỉ mỉ và kiên trì, vốn là đặc tính của ngành

Thời sự 22/12/2022 16:06

(Tổ Quốc) - Sáng nay (22/12), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác VHTTDL năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến 65 điểm cầu khắp cả nước.

Phó Thủ tướng: Ngành Văn hóa cần tiếp tục phát huy tinh thần chịu khó, tỉ mỉ và kiên trì, vốn là đặc tính của ngành - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu khai mạc Hội nghị

Cụ thể hóa chủ đề "Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ" của ngành VHTTDL bằng nhiều hành động thiết thực

Theo ông Trần Thanh Vương, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở VHTT TP.HCM cho biết, Ngành Văn hóa và Thể thao Thành phố đã không ngừng nỗ lực, quyết tâm phấn đấu trong tất cả các lĩnh vực của ngành, thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2022 "Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ".

Qua đó, góp phần xây dựng môi trường văn hóa trở thành nền tảng cho phát triển văn hóa từ chính hạt nhân của văn hóa là cơ sở, cộng đồng, bảo đảm mọi thành viên của cộng đồng được phát triển các năng lực sáng tạo, phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố bồi đắp giá trị chân - thiện - mỹ.

Phó Thủ tướng: Ngành Văn hóa cần tiếp tục phát huy tinh thần chịu khó, tỉ mỉ và kiên trì, vốn là đặc tính của ngành - Ảnh 2.

Các đại biểu địa phương phát biểu tham luận

Trình bày tham luận với chủ đề "Bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch", ông Nguyễn Hồng Hải - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang cho biết, với chủ trương "Lấy văn hóa để phát triển du lịch, lấy du lịch để bảo tồn phát triển văn hóa", xem di sản văn hóa là tài nguyên du lịch có giá trị đặc biệt để khai thác tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, từng bước phát huy giá trị và góp phần tích cực trong việc thu hút khách du lịch.

Năm 2022, ngay khi Chính phủ cho chủ trương mở cửa du lịch, Hà Giang đã tổ chức thành công các giải pháp thích ứng linh hoạt trong hoạt động du lịch và tổ chức đón 2,268 triệu lượt khách đạt 147% kế hoạch năm; doanh thu du lịch đạt 4.536 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế như: Tiềm ẩn nguy cơ không gian văn hóa truyền thống bị phá vỡ. Nhiều di sản văn hóa có giá trị có thể đưa vào khai thác phục vụ du lịch chưa được đầu tư bảo tồn một cách bài bản, khoa học và quy mô. Nguyên nhân là do nhận thức của cộng đồng về di sản văn hóa còn hạn chế, xu hướng phát triển mạnh nên không tránh khỏi tiếp biến văn hóa, vật liệu truyền thống thiếu, sản phẩm truyền thống thiếu thị trường tiêu thụ; nguồn lực đầu tư của tỉnh còn hạn chế…

Tham luận tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ VHTTDL Lê Thị Phượng cho biết, năm chủ đề "Công tác tổ chức cán bộ" – 2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã được Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ và đặc biệt là đồng chí Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng chỉ đạo sát sao, quyết liệt. Công tác tổ chức cán bộ của Bộ, của Ngành được đổi mới, nguyên tắc tập trung dân chủ được thực hiện thống nhất; phân cấp trong công tác cán bộ được thực hiện triệt để; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị được đề cao; công khai, minh bạch được thể hiện rõ nét.

Phó Thủ tướng: Ngành Văn hóa cần tiếp tục phát huy tinh thần chịu khó, tỉ mỉ và kiên trì, vốn là đặc tính của ngành - Ảnh 3.

Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ VHTTDL Lê Thị Phượng tham luận tại Hội nghị

Đặc biệt, việc chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng trong việc xây dựng và ban hành các VBQPPL hướng dẫn về tổ chức cán bộ của Bộ đã đẩy mạnh một bước hoàn thiện thể chế, chính sách tổ chức cán bộ trong ngành văn hóa, thể thao và du lịch (hơn một năm Bộ ban hành 12 Thông tư, 06 Quy chế, Quy định về tổ chức cán bộ; 42 quy chế, quy định của các cơ quan, đơn vị được rà soát, xây dựng và ban hành).

Văn hóa là nguồn tài nguyên vô giá

Tại Hội nghị này, các đại diện Bộ, ngành cũng đã có bài phát biểu đánh giá cao những thành tựu của ngành VHTTDL trong năm vừa qua, đồng thời đưa ra các giải pháp nhằm tăng cường hợp tác giữa các ngành trong thời gian tiếp theo.

Phó Thủ tướng: Ngành Văn hóa cần tiếp tục phát huy tinh thần chịu khó, tỉ mỉ và kiên trì, vốn là đặc tính của ngành - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, sứ mệnh của ngành Văn hóa là vô cùng cao cả. Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT mong muốn tổ chức một diễn đàn giữa hai Bộ nhằm bàn sâu về chủ đề làm sao đề giữ gìn bản sắc văn hóa nông thôn.

Mục tiêu của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới phải tạo được bộ mặt mới của nông thôn nhưng vẫn giữ được hồn cốt, bản sắc của vùng nông thôn. Vì vậy, hợp tác giữa hai Bộ với những chương trình hành động cụ thể là rất cần thiết trong thời gian tới.

"Cần có một chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa nông thôn. Bây giờ văn hóa chỉ là 1 trong 19 tiêu chí nông thôn mới, tôi nghĩ rằng nếu xem nhẹ vấn đề này thì đến một ngày chúng ta sẽ phải thốt lên câu cảm thán: Giá như!" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan trăn trở.

Phó Thủ tướng: Ngành Văn hóa cần tiếp tục phát huy tinh thần chịu khó, tỉ mỉ và kiên trì, vốn là đặc tính của ngành - Ảnh 5.

Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng chúc mừng các thành tích nổi bật của ngành VHTTDL

Từ góc độ chuyển đổi số, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng chúc mừng những thành tích nổi bật của ngành VHTTDL, nhất là sự khởi động mạnh mẽ về lĩnh vực chuyển đổi số trong toàn ngành. Bộ trưởng cho rằng, những tri thức mới được phát hiện trong quá trình làm việc bởi những cán bộ giỏi nhất sẽ được lập trình, cập nhật vào nền tảng số để trở thành tri thức của tổ chức. Như vậy, nền tảng số liên tục được tiến hóa, cán bộ có thể rời bỏ tổ chức nhưng tri thức thì luôn tồn tại trong tổ chức đó dưới dạng số hóa.

Trước đây, khi có những quy định mới thì cần thời gian để quán triệt nhưng cũng có người nhớ, người quên, người hiểu, người không hiểu. Nhưng bây giờ, với hỗ trợ của nền tảng số thì trăm người đều hiểu giống nhau. Chính vì vậy, ngành VHTTDL cần nỗ lực để triển khai một nền tảng số thông minh để ứng dụng hiệu quả, thiết thực hơn vào triển khai công việc.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh lại chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất". Như vậy, văn hóa vừa là nền tảng, động lực, vừa là trụ cột cho sự phát triển bền vững. Vì vậy, phải chăm lo để văn hóa thấm đẫm trong mọi người dân, biến thành lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Cần phải biến những Nghị quyết, hướng dẫn thành những hành động thiết thực, phong trào sôi nổi, hành vi, lời nói, thói quen, nét đẹp trong cộng đồng dân cư.

Phó Thủ tướng: Ngành Văn hóa cần tiếp tục phát huy tinh thần chịu khó, tỉ mỉ và kiên trì, vốn là đặc tính của ngành - Ảnh 6.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Ngân sách nhà nước gần như chỉ đáp ứng cho văn hóa lịch sử, còn văn hóa tâm linh, văn hóa du lịch chắc chắn phải kêu gọi nguồn lực từ bên ngoài thì mới có thể phát huy hiệu quả.

Về nguồn lực, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ rất quan tâm đến văn hóa, từ 14.000 tỷ đồng trong năm 2018, đến năm 2022, ngân sách chi cho sự nghiệp văn hóa đã tăng lên 17.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, ngoài ngân sách, quan trọng nhất vẫn là thu hút nguồn lực từ bên ngoài. Ngân sách nhà nước gần như chỉ đáp ứng cho văn hóa lịch sử, còn văn hóa tâm linh, văn hóa du lịch chắc chắn phải kêu gọi nguồn lực từ bên ngoài thì mới có thể phát huy hiệu quả.

Bày tỏ sự ấn tượng với lĩnh vực Thể thao nước nhà trong năm qua, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, các hoạt động thể thao, văn hóa chính là nguồn tài nguyên vô giá, quý báu mà không gì có thể so sánh, qua đó giúp cho chúng ta có cảm hứng, hiệu quả lao động được nâng cao, động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Tài nguyên văn hóa càng phát triển thì tài sản càng sinh ra.

Cũng theo Bộ trưởng, hai Bộ hiện đang có sự giao thoa trong vấn đề quản lý di sản, danh lam thắng cảnh, công viên địa chất…thời gian tới, Bộ TNMT sẽ đồng hành với Bộ VHTTDL bằng những hành động cụ thể hơn nữa nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị mà thiên nhiên, lịch sử mang đến cho đất nước chúng ta.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh chúc mừng những kết quả của ngành VHTTDL đạt được trong năm qua, nhất là 10 sự kiện nổi bật vừa được công bố trong ngày hôm qua.

Phó Thủ tướng: Ngành Văn hóa cần tiếp tục phát huy tinh thần chịu khó, tỉ mỉ và kiên trì, vốn là đặc tính của ngành - Ảnh 7.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại Hội nghị

Ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết, thời gian qua, Ủy ban đã luôn đồng hành với Bộ VHTTDL nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Cụ thể là hai Hội thảo quan trọng do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trực tiếp chủ trì đó là "Phục hồi và phát triển du lịch" (năm 2021), mới đây nhất là Hội thảo "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa" (năm 2022).

"Rất vui mừng là ngành Văn hóa đang được sự quan tâm lớn của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Thậm chí ở các địa phương gần như ngành nào cũng có kế hoạch riêng cho văn hóa. Đây là cơ hội để ngành Văn hóa tiếp tục có những bước phát triển mới hơn trong thời gian tới" - ông Nguyễn Đắc Vinh kỳ vọng.

Làm văn hóa như phù sa bồi đắp dần dần

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam bày tỏ và gửi gắm nhiều kỳ vọng vào con đường phát triển phía trước của toàn ngành VHTTDL. Trong đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, toàn ngành nhất thiết phải chuẩn bị đủ các điều kiện để đầu tư những công trình văn hóa lớn, mang tầm vóc của một dân tộc có một nền văn hiến rực rỡ.

Trân trọng ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của toàn ngành, với những thành tích rất toàn diện thể hiện qua 10 sự kiện Văn hoá, Thể thao và Du lịch tiêu biểu trong năm 2022, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, những thành tích năm 2022 mà ngành VHTTDL đã đạt được lớn hơn rất nhiều so với những năm trước.

Phó Thủ tướng: Ngành Văn hóa cần tiếp tục phát huy tinh thần chịu khó, tỉ mỉ và kiên trì, vốn là đặc tính của ngành - Ảnh 8.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Phó Thủ tướng chia sẻ, năm thứ 10 dự Hội nghị Tổng kết ngành, lần đầu tiên ông thấy có nhiều Bộ trưởng các ngành dự Hội nghị tổng kết của Bộ VHTTDL. Điều đó cho thấy điều gì? "Năm vừa qua chúng ta đã triển khai nhiều hoạt động thực sự cụ thể, ở nhiều quy mô để triển khai kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc. Hội nghị là một sự kiện lớn được mong chờ sau mấy chục năm. Từ Hội nghị, nhận thức về văn hóa trong Đảng, trong xã hội thực sự đã bước sang một tầng nấc mới…", Phó Thủ tướng chỉ rõ.

Theo Phó Thủ tướng, chúng ta đã nói rất nhiều về phát triển bền vững. Người ta thường hay nói rằng, những nước đang phát triển đều mắc một căn bệnh chung, vì nghèo muốn vươn lên nên tập trung tăng trưởng kinh tế mà không để ý đến những vấn đề về môi trường, sau này thì mất cả chục năm mới khắc phục được sai lầm. Xa hơn, nếu không chú ý đến vấn đề văn hóa xã hội mà chỉ chú ý đến tăng trưởng kinh tế thì có khi phải mất hàng thế hệ.

Chúng ta cũng phải thẳng thắn quan tâm, nhìn nhận những vấn đề đã nói rất nhiều lần. Đảng, Nhà nước trong các văn kiện, Nghị quyết đều chú trọng đến phát triển văn hoá, lưu ý phát triển hài hòa giữa văn hoá, xã hội với kinh tế trong từng giai đoạn phát triển. Việt Nam rất tiên phong trong phát triển bền vững, vấn đề môi trường, văn hóa xã hội được quan tâm…

Tuy nhiên, trên thực tế, dù có chú ý hơn các nước có cùng hoàn cảnh và trình độ phát triển nhưng vấn đề triển khai thực hiện vẫn còn khoảng cách so với mong muốn trong Nghị quyết của Đảng. Phó Thủ tướng cho rằng, Văn hóa có những đặc trưng mà ở góc độ nào đó rất khó cho đội ngũ thực hiện. Đó là quan niệm ngành văn hóa vẫn thường được cho là không làm ra tiền, chỉ tiêu tiền.

"Thứ hai, làm văn hóa như phù sa bồi đắp dần dần, không phải vấn đề cấp bách, cái tốt nhiều năm mới thấy rõ, cái xấu cũng nhiều năm sau mới bộc lộ và khi bộc lộ thì phải mất nhiều năm nữa, thậm chí cả thế hệ mới khắc phục được. Khi điều hành, thường thì những vấn đề cấp bách hơn lại được ưu tiên hơn…"- Phó Thủ tướng nêu và cho rằng, hai cái khó này sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 đã chuyển biến rất rõ.

Tinh giản biên chế các đoàn nghệ thuật thì không thể đơn giản

Bước vào năm 2023, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, ngành Văn hóa cần tiếp tục phát huy tinh thần chịu khó, tỉ mỉ và kiên trì, vốn là đặc tính của ngành. Nhiều chi tiết không thể nhìn thấy bằng mắt, không thể làm chung chung mà phải rất tỉ mỉ, như phù sa bồi đắp hằng ngày, từ thế hệ nọ qua thế hệ kia.

Phó Thủ tướng: Ngành Văn hóa cần tiếp tục phát huy tinh thần chịu khó, tỉ mỉ và kiên trì, vốn là đặc tính của ngành - Ảnh 9.

Phó Thủ tướng: "Ngành Văn hóa cần tiếp tục phát huy tinh thần chịu khó, tỉ mỉ và kiên trì, vốn là đặc tính của ngành"

Thứ hai, cần đổi mới, mạnh mẽ và sáng tạo theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, đáp ứng yêu cầu của xu thế mới. Bên cạnh phát huy truyền thống, trong thời đại mà nhịp sống nhanh hơn, rất cần mạnh mẽ, sáng tạo hơn, vì có những việc mà không đổi mới cách làm thì không làm được. Đặc biệt trong chuyển đổi số, lâu nay toàn ngành đã triển khai nhưng cần phải thúc đẩy mạnh hơn.

Phó Thủ tướng ví dụ, trong lĩnh vực di sản văn hoá, nhiều hiện vật, bảo vật quốc gia như những ấn kiếm của các triều đại xưa luôn được nhân dân mong muốn có cơ hội chiêm ngưỡng, tuy nhiên chúng ta không có các bảo tàng đủ điều kiện an toàn, an ninh để trưng bày. Giải pháp là phải số hoá, đưa bảo vật lên không gian mạng. Vừa rồi đã có một số triển lãm, trưng bày theo phương thức này được thực hiện và thời gian tới cần triển khai mạnh mẽ hơn nữa.

Thứ ba, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, nhất thiết phải chuẩn bị đủ các điều kiện để đầu tư những công trình văn hóa lớn, mang tầm vóc của một dân tộc có một nền văn hiến rực rỡ. Đó là những Bảo tàng, thư viện, thiết chế văn hoá…, nhằm khắc phục tình trạng thiếu chỗ trưng bày các bảo vật quý hiếm, tình trạng hỏng hóc những bức tranh vô giá. Đó không chỉ là những công trình đáp ứng công năng sử dụng mà còn là những di sản về kiến trúc để lại cho thế hệ sau.

Thứ tư, phải đẩy mạnh hơn nữa là tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, đoàn thể…Lâu nay Bộ VHTTDL vẫn phối hợp với nhiều Bộ, ngành, thể hiện qua triển khai các phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, phong trào xây dựng Nông thôn mới, xây dựng xã hội học tập, bảo vệ an ninh Tổ quốc…, tuy nhiên thời gian tới cần đẩy mạnh hơn.

Lãnh đạo Chính phủ cũng chỉ rõ, tinh giản biên chế hành chính rất cần, nhưng tinh giản biên chế các đoàn nghệ thuật thì không thể đơn giản. Khi sáp nhập các đoàn nghệ thuật, sẽ có bao nhiêu đoàn nghệ thuật rồi đây sẽ bị mai một. Tuồng, chèo, cải lương, kịch nói… đều có đặc thù, không thể gộp thành một đoàn. "Nhất thời sẽ không thấy vấn đề gì, nhưng 10 năm sau chúng ta sẽ thấy rất rõ hậu quả. Vì thế, lĩnh vực này cần nhìn nhận kỹ lưỡng, thấu đáo, không nên một chiều" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong vấn đề xã hội hoá, theo Phó Thủ tướng, chưa có nhiều cơ chế thuận lợi thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có mong muốn đầu tư cho văn hóa nghệ thuật. Tới đây cần phải nghiên cứu và khắc phục.

Cuối cùng, theo Phó Thủ tướng, về phát triển du lịch, khi đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, cần chú trọng vấn đề khai thác tổng lực trong đó dựa vào điều kiện tự nhiên, văn hoá, con người như một nguồn lực cho sự phát triển. "Muốn du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn thì phải có giải pháp mạnh, chính sách thật tốt", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ./.

Thế Công - Ảnh: Nam Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ