(Tổ Quốc) - Ngày 1/12/2020, tại tỉnh Nghệ An, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức hội nghị “Giải pháp thúc đẩy sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025”. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tham dự và chỉ đạo hội nghị.
- 06.11.2020 Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu loạt giải pháp chống lũ lụt, sạt lở
- 27.10.2020 Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Bão số 9 mạnh và nguy hiểm nhất 20 năm trở lại đây tại miền Trung, tuyệt đối không được chủ quan
- 30.07.2020 Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Bộ Giao thông vận tải phải tập trung giải ngân hết vốn đầu tư công
- 22.07.2020 Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Cần huy động 7-10 tỷ USD mỗi năm để đảm bảo phát triển năng lượng bền vững
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, năm 2020, mặc dù chịu tác động lớn của đại dịch Covid-19, nhưng chúng ta đã thành công trong phòng chống, kiểm soát dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Kết quả này có sự đóng góp của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, thành phần kinh tế. Trong đó, có đóng góp rất quan trọng của ngành sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản.
Cụ thể, năm 2020, giá trị xuất khẩu lâm sản tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, ước đạt trên 12,6 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm 2019, tiếp tục đứng trong 10 nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực của đất nước. “Với kết quả này, Việt Nam tiếp tục đứng đầu khối ASEAN, thứ hai châu Á và thứ 5 thế giới về giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Cùng với đó, các sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ của Việt Nam tiếp tục có mặt và giữ vững uy tín tại thị trường của trên 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt là tại 5 thị trường lớn, thị trường truyền thống như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu và Trung Quốc. Đáng chú ý, công nghiệp chế biến gỗ phát triển đã tạo ra trên 500.000 việc làm trực tiếp tại các nhà máy, cơ sở sản xuất...
Phó Thủ tướng cho rằng, có được kết quả trên là do ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản đã chủ động, kịp thời ứng phó, có nhiều giải pháp hay, cách làm mới phù hợp với diễn biến của thị trường và các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Các doanh nghiệp chế biến lâm sản tập trung nguồn lực, tăng cường đầu tư mở rộng mặt bằng, quy mô, nâng công suất, đổi mới dây chuyền công nghệ sản xuất; tăng cường quản trị doanh nghiệp, để nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng thời có nguồn nguyên liệu gỗ ổn định, hợp pháp, đáp ứng gần 80% nhu cầu nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ, đầu vào quan trọng của chuỗi cung ứng.
“Việt Nam hiện đã có trên 300 nghìn ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế và sẽ tiếp tục được mở rộng trong thời gian tới” – Phó Thủ tướng nêu rõ.
Bên cạnh những kết quả quan trọng, Phó Thủ tướng cũng nêu rõ, lĩnh vực chế biến và xuất khẩu lâm sản vẫn đang gặp không ít khó khăn, thách thức như: Công tác quy hoạch và cơ chế, chính sách đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp vẫn còn một số bất cập, chưa thực sự tạo động lực và đột phá trong công tác phát triển trồng rừng, chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ có hiệu quả cao và bền vững.
Hạ tầng và công nghiệp phụ trợ phục vụ chế biến gỗ còn yếu; thiếu trung tâm thương mại quảng bá, giới thiệu sản phẩm ngành gỗ có tầm cơ khu vực và thế giới. Việc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm quốc gia, đầu tư thiết kế mẫu mã, sản phẩm chưa được chú trọng đúng mức; công nghiệp phụ trợ phục vụ cho ngành chế biến lâm sản chưa phát triển...
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, ngành sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản, đặc biệt là chế biến – xuất khẩu gỗ có rất nhiều tiềm năng lợi thế và cơ hội để phát triển trở thành ngành chủ lực trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây là lĩnh vực được Đảng và Nhà nước quan tâm, có nhiều chính sách và chỉ đạo sát sao để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp chế biến lâm sản phát triển, đáp ứng nhu cầu sản phẩm lâm sản của thị trường tiêu dùng trong nước và gia tăng xuất khẩu.
Phó Thủ tướng cho rằng, trước mắt và lâu dài của ngành chế biến gỗ, lâm sản xuất khẩu phát triển nhanh, bền vững bảo đảm các mục tiêu. Cụ thể, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2021 đạt 14 - 14,5 tỷ USD, đạt 18 - 20 tỷ USD vào năm 2025.
Bên cạnh đó, duy trì thị trường xuất khẩu lớn, thị trường truyền thống, tăng cường xuất khẩu vào thị trường châu Âu, mở rộng thị trường xuất khẩu tại các nước có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam và tìm kiếm thị trường mới; chủ động nguồn nguyên liệu gỗ và vật liệu phụ trợ trong nước, bảo đảm 100% gỗ, sản phẩm gỗ xuất khẩu có nguồn gốc hợp pháp; tăng dần tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm gỗ có giá trị gia tăng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm dần tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm thô, sản phẩm trung gian.
Phó Thủ tướng cũng nêu mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu có ít nhất 1 triệu ha rừng trồng gỗ lớn và được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, đáp ứng trên 80% nguyên liệu trong nước cung cấp cho ngành chế biến gỗ.
Tại Diễn đàn Quốc hội vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu sáng kiến và cũng là yêu cầu từ nay đến năm 2025 trồng 1 tỷ cây xanh. Đây là thông điệp rất quan trọng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, vừa đáp ứng yêu cầu cho phát triển kinh tế đồng thời bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì sớm cụ thể hóa thông điệp này của Thủ tướng thành các kế hoạch, chương trình hành động để triển khai thực hiện- Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ một số giải pháp để đạt mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc gỗ nhập khẩu; 100% doanh nghiệp chế biến cam kết nói không với gỗ bất hợp pháp.
Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam rà soát, nghiên cứu xây dựng chính sách tín dụng ưu đãi lãi suất để hỗ trợ các doanh nghiệp, chủ rừng liên kết trồng rừng sản xuất gỗ lớn, nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng có chu kỳ kinh doanh từ 10 năm tuổi trở lên tạo nguồn nguyên liệu có chất lượng cao và hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đổi mới công nghệ của ngành công nghiệp chế biến gỗ giai đoạn 2021 - 2030.
Các hiệp hội gỗ và lâm sản thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp với Nhà nước, có kế hoạch, động viên, khích lệ, hỗ trợ các doanh nghiệp trong xuất khẩu lâm sản.../.