• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu loạt giải pháp chống lũ lụt, sạt lở

Thời sự 06/11/2020 22:19

(Tổ Quốc) - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, việc xây dựng các công trình hồ, đập thủy lợi, thủy điện nếu không được kiểm soát chặt chẽ từ khâu quy hoạch, lập dự án, đánh giá tác động môi trường, cho đến khâu đầu tư xây dựng và quản lý vận hành, sẽ tác động rất lớn đến mưa lũ, sạt lở đất và đe dọa đến an toàn vùng hạ du.

Tình trạng phá rừng để lấy gỗ còn xảy ra ở nhiều nơi

Tại phiên chất vấn chiều 6/11, các ĐBQH đặt câu hỏi với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về nguyên nhân, giải pháp ứng phó với thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, những vấn đề liên quan để giảm thiểu thiệt hại về tính mạng, tài sản của người dân.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, trong năm vừa qua thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, rừng Việt Nam đã được phục hồi nhanh chóng. Năm 1945, độ che phủ rừng của Việt Nam khoảng 43%, đến 1995 giảm xuống chỉ còn 28% nhưng đến nay đã trên 41%, đứng thứ 50/193 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dù vậy, theo Phó Thủ tướng thì chất lượng rừng của nước ta còn thấp - như phát biểu của các ĐBQH là rất đúng.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu loạt giải pháp chống lũ lụt, sạt lở - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng - Ảnh: Quochoi.vn

Cũng theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, tình trạng phá rừng để trồng cây công nghiệp, để làm nương, làm rẫy, phát triển sản xuất vẫn chưa được ngăn chặn triệt để và hiệu quả. Vấn đề này Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, đặc biệt tình trạng phá rừng để lấy gỗ còn xảy ra ở nhiều nơi như báo chí đang đưa tin và có nhiều vụ phải đưa ra pháp luật.

Nguyên nhân nữa, là việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội như công trình giao thông, đường dây tải điện, hệ thống đường ống... đã làm thay đổi địa hình, tác động tới ổn định kết cấu địa chất và dễ gây sạt lở đất.

Ngoài ra, việc xây dựng các công trình nhà ở, các công trình bệnh viện, trường học, công sở, các điểm dân cư tự phát tại khu vực miền núi thiếu nghiên cứu yếu tố địa chất cũng là nhân tố tác động làm sạt lở đất đá trong mùa mưa lũ.

"Xây dựng hồ đập thủy điện tác động tiêu cực đến môi trường"

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, việc xây dựng các công trình hồ, đập thủy lợi, thủy điện nếu không được kiểm soát chặt chẽ từ khâu quy hoạch, lập dự án, đánh giá tác động môi trường, cho đến khâu đầu tư xây dựng và quản lý vận hành, sẽ tác động rất lớn đến mưa lũ, sạt lở đất và đe dọa đến an toàn vùng hạ du.

Nhiều năm qua các hồ, đập thủy lợi, thủy điện có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo an ninh nguồn nước nước, đáp ứng nguồn nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt của người dân; góp phần cắt lũ, đặc biệt là các hồ thủy điện lớn. Các hồ thủy lợi, thủy điện vừa và nhỏ cũng tham gia cắt lũ, trừ trường hợp lũ lớn phải xả lũ và thường xả tối đa bằng với lưu lượng lũ về hồ. Hồ, đập thủy điện còn có tác đụng điều tiết nước cho mùa cạn; tạo ra nguồn điện lớn, sạch, giá rẻ...

"Các công trình thủy lợi, thủy điện có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, thực hiện tiến bộ xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Dù vậy, ông thừa nhận, "xây dựng công trình hồ, đập thủy lợi, thủy điện cũng có tác động tiêu cực đến môi trường" do các công trình hồ thủy lợi, thủy điện đa số đều xây dựng ở khu vực trung du, miền núi nên sẽ ảnh hưởng đến diện tích rừng. Đồng thời, việc xây dựng các công trình còn tác động đến sự ổn định của kết cấu đất đá nên cũng có thể tác động đến sạt lở đất.

Đề cập đến các giải pháp, Phó Thủ tướng cho rằng, cần xây dựng các bản đồ cảnh báo khu vực có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; kiểm soát chặt chẽ việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với ứng phó biến đổi khí hậu và chống thiên tai; sửa chữa, nâng cấp đảm bảo an toàn các công trình hồ, đập đê điều, đầu tư chống sạt lở bờ sông, bờ biển; tiếp tục đầu tư chương trình nhà vượt lũ...

Thời gian tới, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội về nhu cầu chi ngân sách cho công tác phòng chống thiên tai./.

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ