(Tổ Quốc) - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định, nhiều tác phẩm có chất lượng tốt, phát hiện cách làm hay hiệu quả, cũng như phản ánh những bất cập trong công tác điều hành thực hiện chính sách giảm nghèo, đi sâu vào phân tích, lý giải nguyên nhân nghèo đói tại địa phương cơ sở và đề ra khuyến nghị, giải pháp để thúc đẩy công tác giảm nghèo bền vững trong giai đoạn tới...
Chiều 15/10, tại Bộ Thông tin và Truyền thông đã diễn ra Lễ trao giải Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, lần thứ ba năm 2019. Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 – 2020 do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức.
Tham dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi, lãnh đạo một số bộ, ngành và đông đảo các nhà báo, cơ quan báo chí.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia phát biểu tại Lễ trao giải Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, lần thứ ba năm 2019.
Theo Bộ LĐTB&XH, công tác giảm nghèo thời gian qua đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, giám sát chặt chẽ của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đã đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết; tỷ lệ giảm nghèo bình quân mỗi năm giảm khoảng 1,55%, tương ứng với trên 300 nghìn hộ nghèo thoát nghèo.
Đến cuối năm 2018, đã có 8/64 huyện nghèo và 14/30 huyện nghèo (hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a) thoát khỏi tình trạng khó khăn. Cả nước có 44/291 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn và đã có 121 xã, 1.286 thôn, bản đặc biệt khó khăn hoàn thành mục tiêu Chương trình 135.
Dự kiến đến cuối năm 2019, có khoảng 20 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn và khoảng 90 xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
Đến nay, cơ sở hạ tầng trên địa bàn các thôn, bản đặc biệt khó khăn, xã nghèo, huyện nghèo đã được cải thiện đáng kể, đời sống người nghèo được nâng lên, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, nhiều gương điển hình vươn lên thoát nghèo đã được ghi nhận...
Có được kết quả trên là nhờ sự đồng hành và vào cuộc của đông đảo các cơ quan báo chí, các nhà báo ở khắp mọi miền đất nước. Cuộc thi đã thu hút hàng trăm phóng viên, biên tập viên đến từ các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương tham gia. Tính đến hết ngày 31/8/2019, Ban Tổ chức Cuộc thi đã tiếp nhận được 325 tác phẩm dự thi với các thể loại: phóng sự, ghi chép, bút ký, bài phản ánh, phóng sự ảnh, chương trình phát thanh, chương trình truyền hình... từ nhiều cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho biết, chất lượng các tác phẩm gửi dự thi năm nay đã được nhiều cơ quan báo chí đã có sự đầu tư kỹ, khá đồng đều, nhiều tác phẩm dài kỳ về công cuộc giảm nghèo tại địa phương, nhiều tác phẩm truyền hình và phát thanh, báo in có chất lượng tốt, phát hiện cách làm hay hiệu quả. Nội dung các tác phẩm dự thi cũng phản ánh được những bất cập trong công tác điều hành thực hiện chính sách giảm nghèo, bên cạnh đó nhiều tác giả đã đi sâu phân tích, lý giải nguyên nhân nghèo đói tại địa phương, cơ sở, đề ra khuyến nghị, giải pháp để thúc đẩy công tác giảm nghèo bền vững trong giai đoạn tới…
Các tác phẩm cũng đã thẳng thắn nêu lên những khó khăn, thách thức trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bởi những yếu tố chủ quan (cần có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở; sự sáng tạo, vận dụng phù hợp với từng địa bàn); khắc phục, loại bỏ tâm lý trông chờ dự án, chương trình đầu tư của Nhà nước. Đồng thời phản ảnh những yếu tố khách quan, những thách thức trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững như: xuất phát điểm của các huyện, xã, thôn bản nghèo vùng sâu, vùng xa ở các tỉnh miền núi phía Bắc, khu vực Tây Nguyên, Tây Nam Bộ còn thấp, một số vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng, hậu quả của thiên tai lũ lụt…).
Kết quả chấm chung khảo đã lựa chọn được 41 cá nhân có các tác phẩm đạt giải (trong đó có 04 giải A; 08 giải B; 14 giải C; 15 giải khuyến khích) và 01 giải tập thể có nhiều tác phẩm dự thi và có nhiều tác phẩm đạt giải.
Trên cơ sở chấm thi vòng sơ khảo, Hội đồng Sơ khảo đã lựa chọn 71 tác phẩm vào chấm vòng Chung khảo. Kết quả chấm chung khảo đã lựa chọn được 41 cá nhân có các tác phẩm đạt giải (trong đó có 04 giải A; 08 giải B; 14 giải C; 15 giải khuyến khích) và 01 giải tập thể có nhiều tác phẩm dự thi và có nhiều tác phẩm đạt giải.
Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình Mục tiêu Quốc gia cho biết, tới thời điểm này, việc triển khai Chương trình trong giai đoạn 2016-2020 đã sắp kết thúc. Kết quả giảm nghèo đã đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra, bình quân mỗi năm giảm khoảng 1,55%, tương ứng với trên 300 nghìn hộ nghèo thoát nghèo. Nhiều gương điển hình vươn lên thoát nghèo đã được ghi nhận, phong trào viết đơn "xin ra khỏi hộ nghèo" đã lan tỏa rộng khắp trên cả nước.
"Có được điều đó phải kể đến sự đóng góp rất lớn của các nhà báo, phóng viên đã bám sát thực tiễn công tác giảm nghèo, kịp thời phát hiện những gương điển hình cũng như các cá nhân, tập thể, doanh nghiệp, cộng đồng chung tay với người nghèo trong suốt thời gian vừa qua
Qua báo cáo đánh giá tổng kết, có thể thấy Cuộc thi càng ngày càng thu hút được nhiều nhà báo, phóng viên, nhiều cây bút không chuyên đến từ các cơ quan truyền thông trung ương và địa phương tham dự với số lượng và chất lượng được đầu tư công phu và kỹ lưỡng hơn, phản ánh sát thực tế công cuộc giảm nghèo tại các địa phương. Nhiều tác phẩm đầu tư dài kỳ mang hơi hướng phóng sự, nhiều tác phẩm truyền hình và phát thanh, báo in có chất lượng tốt, phát hiện cách làm hay hiệu quả, cũng như phản ánh những bất cập trong công tác điều hành thực hiện chính sách giảm nghèo, bên cạnh đó nhiều tác đi sâu vào phân tích, lý giải nguyên nhân nghèo đói tại địa phương cơ sở, đề ra khuyến nghị, giải pháp để thúc đẩy công tác giảm nghèo bền vững trong giai đoạn tới…", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng...nhắn tin "Cả nước chung tay vì người nghèo".
Mặc dù công tác giảm nghèo đã có nhiều kết quả tích cực nhưng Phó Thủ tướng cho biết vẫn còn nhiều hộ nghèo còn gặp nhiều khó khăn trên cả nước. Cứ 100 hộ thoát nghèo thì lại có 18 hộ tái nghèo vì nhiều lý do khác nhau. Do đó, Đảng, Nhà nước mong muốn huy động tổng lực các nguồn lực của nhà nước, xã hội, doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân hảo tâm trong và ngoài nước để dành cho công tác giảm nghèo.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ LĐTB&XH, Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các cơ quan báo chí trung ương và địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về công tác giảm nghèo cũng như về Cuộc thi, đồng thời động viên các phóng viên, biên tập viên tích cực tham gia Cuộc thi.
Nhân dịp Lễ trao giải Cuộc thi lần thứ 3 năm 2019, Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG giai đoạn 2016-2020 phát động đợt nhắn tin "Cả nước chung tay vì người nghèo" qua Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia 1400 do Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp tổ chức với cú pháp: VNNn gửi 1408 (trong đó n là số lần ủng hộ 20.000 đồng, n từ 1 đến 100, mỗi tin nhắn trị giá 20.000 đồng nhân n lần) để hưởng ứng "Ngày Quốc tế chống đói nghèo" và cũng là "Ngày Vì người nghèo ở Việt Nam" 17/10.