(Tổ Quốc) - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung nhận định, sau thời kỳ suy giảm trầm trọng về khách du lịch trong giai đoạn dịch thì sẽ có một giai đoạn trì trệ và một giai đoạn cầm chừng. Sau đó là tới giai đoạn bùng nổ khách du lịch quay trở lại Việt Nam.
- 20.02.2020 Doanh nghiệp du lịch ở Đà Nẵng “hiến kế” giải pháp giúp du lịch vượt qua khó khăn, thu hút du khách
- 20.02.2020 Chuyên gia kiến nghị "khẩn" với Thủ tướng: Miễn thị thực, giảm thuế GTGT cho du lịch
- 20.02.2020 Biến thách thức thành cơ hội, du lịch Huế "ghi điểm" giữa khó khăn
- 19.02.2020 Quảng Nam cam kết là điểm đến an toàn trong đại dịch Covid-19
- 19.02.2020 Ông Lê Trí Thanh gửi thư khẳng định hiện tại Quảng Nam vẫn là điểm đến an toàn
Xây dựng các tiêu chí về du lịch Việt Nam an toàn; miễn giảm thuế, miễn Visa...
- Du lịch đã và đang đứng trước thách thức lớn vì Covid-19. Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, theo ông, ngành du lịch hành động như thế nào?
+ Ngành du lịch là ngành dịch vụ tổng hợp, phục vụ con người và là ngành đầu tiên chịu tác động mạnh nhất hậu quả của dịch Covid-19.
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch chúng tôi đã tập trung vào một số biện pháp sau đây: Trước hết là quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng phổ biến kịp thời, nhanh và quyết liệt tới các địa phương về tình hình dịch và các biện pháp chống dịch đối với ngành du lịch Việt Nam. Từ những chủ trương này, liên tục trong Tết Nguyên đán, chúng tôi đã có các công văn hướng dẫn cho các địa phương, các doanh nghiệp du lịch về việc phòng chống dịch và bảo vệ khách du lịch, bảo vệ nhân viên, người lao động trong ngành du lịch trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch, bảo vệ năng lực của ngành du lịch.
Thứ 2, chúng tôi đẩy mạnh công tác truyền thông, Tổng cục chỉ đạo cho các trang web cập nhật nội dung hàng ngày những thông tin tình hình dịch. Chúng tôi đã xây dựng trang web về du lịch, chuyên đề cũng như App điện thoại cung cấp cho khách về hoạt động của ngành du lịch cũng như tình hình dịch. Đồng thời chỉ đạo cho hệ thống thông tin của Tổng cục tăng cường thông tin về dịch và cách chống dịch của bộ y tế, từ đó góp phần bảo vệ ngành du lịch, khách du lịch.
Thứ 3, chúng tôi đã kịp thời ban hành một kế hoạch hành động ứng phó với tình hình dịch trong ngành du lịch mà trước hết là thành lập tổ công tác phòng chống dịch do Tổng cục trưởng làm tổ trưởng, thành lập 4 đoàn công tác do lãnh đạo cục là trưởng đoàn đi các địa phương để chỉ đạo hoạt động các doanh nghiệp cũng như các lĩnh vực trong ngành du lịch trong phòng chống dịch. Tổng cục cũng đã có thư ngỏ bằng 6 thứ tiếng gửi đến cho các bạn hàng, các quốc gia, các đối tác của ngành du lịch Việt Nam để vừa thông báo kịp thời tình hình dịch một cách trung thực và chính xác của chúng ta cũng như việc phòng chống dịch và đảm bảo an toàn cho khách du lịch của du lịch Việt Nam.
Đồng thời, Tổng cục tiến hành họp với các doanh nghiệp, các địa phương, các nhà đầu tư lớn về du lịch cũng như các hãng hàng không, để cùng nhau bàn biện pháp hỗ trợ DN vượt qua những giai đoạn khó khăn này.
Tổng cục Du lịch cũng đã kí kết với Vietnam Airlines, Bamboo Airway, VietJetAir trong việc hỗ trợ cho khách du lịch trong việc giảm thiểu thiệt hại của khách du lịch trong quá trình thay đổi hoặc hủy chuyến bay đối với du khách.
Đặc biệt, Tổng cục tiếp tục công tác quảng bá xúc tiến, giới thiệu Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện. Ngay trước mắt, chúng tôi tiến hành xây dựng các tiêu chí về du lịch Việt Nam an toàn và thông qua hệ thống truyền thông, chúng tôi đưa thông điệp du lịch Việt Nam an toàn ra với thế giới, trong đó đặc biệt quan tâm tới việc an toàn của khách du lịch, an toàn của hướng dẫn viên du lịch, các doanh nghiệp lữ hành, của các điểm đến, các cơ sở dịch vụ lưu trú... góp phần làm phục hồi ngành du lịch của nước ta.
- Hiện Tổng cục Du lịch đã có những đề xuất, kiến nghị gì với Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp, thưa ông?
+ Trên cơ sở đề xuất kiến nghị của DN, căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của ngành, chúng tôi đã tập trung kiến nghị với Chính phủ và Thủ tướng 2 nhóm vấn đề sau đây: Thứ nhất, về mặt chính sách, chúng tôi đề nghị Thủ tướng miễn, giảm thuế VAT với các DN du lịch và chậm trả thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2020. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo ngành Ngân hàng cho phép chậm trả lãi suất vay ngân hàng, từ đó giúp cho các DN du lịch đủ năng lực và đảm bảo đủ điều kiện cầm cự trong giai đoạn này và từ đó phục hồi lại khi hết dịch.
Thứ hai, với chính sách Visa, chúng tôi đề nghị Thủ tướng cho miễn Visa với một số quốc gia đơn phương, một số quốc gia mà chúng ta đang khuyến khích như là Úc, New Zealand, Canada, một số nước Bắc Âu, chính sách miễn lệ phí Visa cho các đoàn khách đi theo đoàn do các công ty lữ hành quốc tế đưa khách quốc tế vào Việt Nam cũng như thực hiện visa điện tử giúp thuận lợi khi khách quốc tế tới Việt Nam.
Chúng tôi hy vọng với những đề xuất như thế tạo điều kiện thuận lợi và cởi mở hơn với khách quốc tế khi đến với Việt Nam.
Đón giai đoạn bùng nổ: DN cần tái cơ cấu lại thị trường khách
- Ông dự đoán như thế nào về tương lai của du lịch trong năm 2020 và năm tiếp theo thời hậu Covid-19?
+ Trong tình hình hiện nay, Tổng cục xây dựng 3 kịch bản dự báo diễn biến của dịch. Trước hết, kết thúc Quý 1 thì dịch sẽ chấm dứt và các hoạt động du lịch phục hồi trở lại. Thứ hai là, kết thúc Quý 2 vào mùa hè và kịch bản thứ ba là dịch kết thúc vào Quý 3 năm nay. Căn cứ vào từng kịch bản chúng tôi đều có đánh giá và đưa ra những phương án khác nhau để đảm bảo hoạt động của ngành du lịch được ổn định.
Theo chúng tôi, chắc chắn sau thời kỳ suy giảm trầm trọng về khách du lịch trong giai đoạn dịch thì sẽ có một giai đoạn trì trệ và một giai đoạn cầm chừng nhưng giai đoạn này qua rất là nhanh thôi sau đó là tới giai đoạn bùng nổ khách du lịch quay trở lại Việt Nam.
Du lịch Việt Nam đã xây dựng những điểm đến hấp dẫn, thân thiện và có sức hấp dẫn cao với khách du lịch quốc tế.
Từ những kịch bản như vậy, với các DN du lịch chúng tôi đề ra một số giải pháp như: DN du lịch phải coi đây không chỉ là giai đoạn nguy cơ, khó khăn của mình mà phải coi đây là điều kiện thuận lợi để mình xem xét đánh giá lại chiến lược phát triển, năng lực của DN từ đó có bước phát triển tiếp theo một cách bền vững. DN cần tái cơ cấu lại thị trường khách, đa dạng hóa thị trường khách, nhất là doanh nghiệp tập trung cho thị trường khách Trung Quốc, không phụ thuộc vào một thị trường khi có xảy ra biến cố như là dịch bệnh hay các hoạt động khác.
Thứ 2, cần nâng cấp chỉnh trang, cải thiện nâng cao chất lượng của các sản phẩm du lịch để từ đó phù hợp với thị hiếu của những thị trường mà chúng ta đang hướng tới, đáp ứng nhu cầu của khách.
Thứ 3, tăng cường công tác liên kết của các ngành trong lĩnh vực du lịch từ đó chia sẻ những khó khăn, có hỗ trợ về giá, có khuyến mại, tăng kích cầu của khách khi đi du lịch Việt Nam.
Thứ 4, tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá, giới thiệu điểm đến, sản phẩm du lịch đến với các thị trường khách mà chúng ta hướng đến để thay thế cho thị trường khách Trung Quốc hiện nay đang bị khủng hoảng nghiêm trọng.
Thứ 5, đây là một dịp để chúng ta tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại đội ngũ lao động, nguồn nhân lực để nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, để nâng cao chất lượng dịch vụ đón đầu cho giai đoạn bùng nổ trở lại.
- Mặc dù đang phải chịu ảnh hưởng từ Covid, tuy nhiên du lịch vẫn được xem là ngành kinh tế của tương lai khi đóng góp lớn cho kinh tế đất nước trong những năm trở lại đây. Nhiều chuyên gia cho rằng, du lịch vẫn được kỳ vọng là ngành tạo nên sức bật và vị thế cho Việt Nam vươn cao trong tương lai. Quan điểm của ông về điều này như thế nào?
+ Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn luôn xác định phát triển du lịch trở thành nền kinh tế mũi nhọn, là định hướng phát triển quan trọng của đất nước, chính vì vậy trong những năm vừa qua, đặc biệt là những năm gần đây việc chỉ đạo, triển khai các chiến lược du lịch đạt được nhiều kết quả to lớn.
Năm 2018, 2019, du lịch Việt Nam có những bước tăng tốc rất nhanh đặc biệt là năm 2019 vừa qua. Việt Nam đã đón 18 triệu lượt khách quốc tế đạt tốc độ tăng trưởng 16,2% so với 2018, tổng thu về du lịch đạt 720 ngàn tỷ đồng tương đương với 33 tỷ đô la Mỹ, và tỷ trọng đóng góp của du lịch Việt Nam là 9,2% vào GDP của đất nước. Cùng với kết quả đạt được như vậy, du lịch Việt Nam 2019 đã đạt được nhiều giải thưởng quốc tế đứng thứ 6 trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng khách du lịch cao nhất thế giới. Chúng ta có nhiều giải thưởng thế giới được các tổ chức quốc tế vinh danh như là Điểm đến di sản tốt nhất thế giới, Điểm đến golf tốt nhất thế giới...
Đây là một trong những minh họa rất rõ cho chiến lược phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Đảng và Nhà nước ta.
Ngày 22/1/2020 vừa qua, Thủ tướng đã ký quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến 2030 trong đó đặt ra mục tiêu hết sức cao là phấn đấu đến năm 2025 du lịch Việt Nam đứng trong Top 3 nước đứng đầu Đông Nam Á về du lịch và tổng thu về du lịch đạt 77-80 tỷ đô la Mỹ và đến 2030, du lịch Việt Nam đứng trong top 30 các quốc gia hàng đầu về du lịch và tổng thu từ du lịch đạt 130 tỷ đô la Mỹ. Đây là những mục tiêu lớn, thể hiện quyết tâm cao để xây dựng ngành du lịch Việt Nam thành một ngành kinh tế mũi nhọn để đóng góp ngày càng nhiều cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
- Xin cảm ơn ông đã dành thời gian trao đổi!