(Tổ Quốc) - Trong bức thư gửi Thủ tướng lần thứ hai từ khi có dịch Covid-19, các thành viên của Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) đã đề xuất "khẩn" một loạt giải pháp cho ngành du lịch hiện nay.
- 19.02.2020 Ứng phó với Covid-19: Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện yêu cầu xây dựng các tiêu chí du lịch an toàn
- 19.02.2020 Virus Covid-19 tác động mạnh đến du lịch Việt Nam
- 17.02.2020 Thủ tướng: Khách du lịch có thể đến Việt Nam không chỉ để an toàn, để khỏe mạnh hơn mà còn có trải nghiệm thú vị
- 16.02.2020 Du lịch Hà Nội nỗ lực vượt khó trước dịch bệnh do Covid-19: Khi niềm tin trở lại
Thay đổi chiến lược sang đa dạng hóa sản phẩm/dịch vụ
Ngày 19/2, Công ty CP Vinpearl (thuộc Tập đoàn Vingroup) cho hay, đơn vị này đã công bố chiến lược đa dạng hóa sản phẩm/dịch vụ và phát triển các điểm đến hàng đầu thế giới, nhằm góp phần khẳng định đẳng cấp cho du lịch Việt Nam.
Trong đó, Vinpearl xác định Vui chơi giải trí là mũi nhọn phát triển nhanh và mạnh, thông qua sản phẩm đẳng cấp cao của thương hiệu mới VinWonders; đồng thời, mời các thương hiệu quản lý khách sạn danh tiếng trên thế giới tham gia quản lý một số khách sạn trong chuỗi nhằm đa dạng hóa lựa chọn cho du khách trong nước và quốc tế.
Lĩnh vực Vui chơi giải trí sẽ được định vị lại, nâng cấp toàn diện các công viên vui chơi giải trí Vinpearl Land hiện nay và đầu tư mạnh mẽ để phát triển các khu vui chơi giải trí mới trên toàn quốc. Thương hiệu Vinpearl Land được đổi tên thành VinWonders với quy mô và tầm vóc vượt trội, sánh vai với các quần thể giải trí lớn tại Hongkong, Singapore, Nhật Bản…
Để thực hiện mục tiêu trên, các VinWonders sẽ được xây dựng theo mô hình chuỗi Công viên chủ đề (Theme Park), diện tích tối thiểu từ 50 ha trở lên/khu, tập trung tại các thành phố lớn và địa danh du lịch nổi tiếng như Hà Nội, TP. HCM, Nha Trang, Phú Quốc, Hạ Long...
Mỗi VinWonders sẽ được đầu tư mạnh mẽ để trở thành những "điểm đến mới" có tầm vóc quốc tế cho du lịch Việt Nam.
Ở mảng khách sạn – nghỉ dưỡng, Vinpearl sẽ mời các Công ty quản lý khách sạn danh tiếng trên thế giới tham gia quản lý một số khách sạn trong chuỗi. Sự kết hợp của những biểu tượng trong ngành khách sạn quốc tế với hệ sinh thái "all in one" độc đáo của Vinpearl sẽ mở ra lựa chọn và trải nghiệm đa dạng cho du khách trong và ngoài nước. Cụ thể, du khách có thể tùy chọn giữa phong cách bản địa với thương hiệu Vinpearl; hoặc trải nghiệm tiêu chuẩn dịch vụ toàn cầu của các thương hiệu khách sạn quốc tế.
Vinpearl và Vinpearl Land hiện là thương hiệu khách sạn và vui chơi giải trí 5 sao đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được phát triển và quản lý 100% từ nguồn lực trong nước. Sau 16 năm phát triển, đến nay, Vinpearl đã có 45 cơ sở tại 17 tỉnh thành, bao gồm 35 khách sạn với công suất hơn 17.200 phòng khách sạn và biệt thự; 5 khu vui chơi giải trí, 2 công viên bảo tồn và chăm sóc động vật hoang dã, 4 sân golf...
Theo hãng này, việc hợp tác kinh doanh một phần hệ thống với các đối tác quốc tế sẽ nhanh chóng đưa Vinpearl gia nhập mạng lưới khách sạn danh tiếng trên thế giới, góp phần nâng tầm đẳng cấp cho du lịch Việt.
Cơ hội để tái cơ cấu
Hồi dịch SARS bùng nổ năm 2003, có tới 400.000 khách du lịch nước ngoài hủy tour đến Việt Nam. Tuy nhiên, ngành du lịch hồi đó có quy mô nhỏ hơn nhiều và tỷ lệ đóng góp trực tiếp vào GDP Việt Nam ít hơn nhiều (dưới 4%). Ngày nay, du lịch đã đóng góp tới 9,2% GDP Việt Nam và đóng góp gián tiếp, lan tỏa vào GDP Việt Nam có thể lên đến 18%.
Do đó, Covid-19 có tác động nặng hơn nhiều đối với ngành du lịch Việt Nam trong năm nay.
Trong bức thư gửi Thủ tướng lần thứ hai, các thành viên của Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) đã đề xuất một loạt giải pháp cho ngành du lịch hiện nay.
Ông Trần Trọng Kiên, thành viên Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), Chủ tịch TAB khẳng định, nhân cơ hội này cơ cấu lại ngành kinh tế mũi nhọn để trở nên mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Theo đó, TAB đã kiến nghị khẩn cấp về việc miễn thị thực và kéo dài thời hạn lên 30 ngày, cho phép trở lại bất kỳ lúc nào đối với các thị trường ổn định nhất là vương quốc Anh, châu Âu, Úc, New Zealand và Canada. Chính sách miễn thị thực này bước đầu có thể cho giai đoạn đầu 12 tháng.
Thêm vào đó, TAB cho rằng, cần có cơ quan cung cấp thông tin cho những người dự định đến Việt Nam về những quy định hiện hành liên quan đến kiểm tra sức khỏe tại cửa khẩu, yêu cầu về kiểm dịch… Cần có một trang web thường xuyên cập nhật những thông tin trên ít nhất bằng tiếng Anh và tiếng Việt.
TAB kiến nghị biên soạn một tài liệu nêu những kinh nghiệm tốt để các khách sạn, hàng hàng không, sân bay, các ga tàu khỏa và bến xe áp dụng nhằm bảo vệ nhân viên, du khách và cộng đồng khi dịch bệnh bùng phát cao điểm.
TAB cũng đề xuất giảm thuế GTGT du lịch từ 10% xuống 5%; Cho phép nộp thuế chậm từ 6 lên 12 tháng không bị phạt. Việc nộp thuế chậm có thể áp dụng đối với các khoản thuế GTGT của Quý 4/2019 và thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân cho năm 2019; Giảm tiền sử dụng đất 50% cho các khách sạn, khu nghỉ dưỡng và công viên chủ đề cho năm tài chính 2020 và 2021...
Giải ngân cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch quốc gia để thực hiện kế hoạch hành động tiếp thị và quảng bá thông qua các nền tảng của Tổng cục Du lịch và Tổ công tác Marketing của TAB.
Hội đồng cũng cho rằng, cần đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư của Chính phủ phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ tăng trưởng trong tương lai. Chúng ta cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng sân bay Long Thành, nâng cấp các sân bay Tân Sơn Nhất, Phú Bài, Đồng Hới, xây dựng mới sân bay Chu Lai và thúc đẩy mở rộng sân bay Nội Bài. Chúng ta cũng cần sớm hoàn thành đường cao tốc TP HCM- Cần Thơ và một số đoạn của đường cao tốc Bắc – Nam.
Đặc biệt, với các địa phương, TAB kiến nghị, khuyến khích chính quyền các tỉnh có các điểm đến quan trọng nâng cao và duy trì ở mức cao các tiêu chuẩn vệ sinh và hành vi thân thiện giữa người dân địa phương và khách du lịch, tránh phân biệt đối xử dưới mọi hình thức với bất kỳ nhóm người nào. Nguyên tắc này cần duy trì ngay cả sau khi dịch bệnh ngăn chặn hoàn toàn./.