(Tổ Quốc) - Ngày 24/7, tại thành phố Huế, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức Hội thi tìm hiểu Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 với sự tham gia của các đội đến từ 8 tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Hội thi được tổ chức nhằm tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống bạo lực gia đình nói chung và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 nói riêng. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, của đội ngũ cán bộ, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác lãnh chỉ đạo phòng, chống bạo lực gia đình cũng như triển khai hiệu quả Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
Bên cạnh đó, thông qua hội thi nhằm huy động sức mạnh của các tầng lớp nhân dân tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình; chủ động ngăn chặn các hành vi bạo lực, hướng tới xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Hội thi cũng là cơ hội để các tỉnh tham gia được giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, đổi mới, sáng tạo trong công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật của các cấp Hội Phụ nữ, của đội ngũ cán bộ, hội viên, phụ nữ là các báo cáo viên, tuyên truyền viên trực tiếp làm công tác tuyên truyền, vận động tại cơ sở.
Hội thi có sự tham gia của các đội đến từ tám tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên, gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum và Đắk Lắk. Các đội đã thể hiện tài năng, kiến thức qua ba phần thi: chào hỏi; xử lý tình huống; và sân khấu hóa về chủ đề phòng, chống bạo lực gia đình.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết: Văn hóa gia đình là nền tảng quan trọng của văn hóa Việt Nam. Truyền thống gia đình Việt Nam luôn đề cao trách nhiệm, tình cảm yêu thương gắn bó giữa các thành viên. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, tình trạng bạo lực gia đình có những diễn biến phức tạp.
Kết quả điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em ở Việt Nam năm 2019 cho thấy: Trung bình mỗi ngày có 64 phụ nữ và 10 trẻ em là nạn nhân của bạo lực; cứ ba phụ nữ thì có gần một người (32%) bị chồng bạo lực thể xác/hoặc bạo lực tình dục; phụ nữ đã từng bị chồng hoặc người khác bạo lực có nguy cơ về vấn đề sức khỏe tâm thần cao hơn gấp 3 lần so với những phụ nữ chưa từng bị bạo lực.
Bạo lực gia đình cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề tâm lý của trẻ em, một nghiên cứu xã hội học chỉ ra rằng việc chứng kiến bạo lực gia đình chiếm 25% nguyên nhân dẫn tới sự bất thường về tâm lý của trẻ em. Nghiên cứu năm 2020 của UNICEF cũng cho thấy, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em có xu hướng gia tăng về tần suất và mức độ nghiêm trọng trong khủng hoảng.
Thời gian qua Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tập trung nguồn lực, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như nâng cao nhận thức, kỹ năng cho phụ nữ, giúp phụ nữ làm chủ cuộc sống; xây dựng các mô hình đảm bảo an toàn, nhà tạm lánh, địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; chủ động tham gia giải quyết các vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em, tích cực giám sát, phản biện xã hội, tham mưu đề xuất chính sách, pháp luật trong lĩnh vực gia đình nói chung và phòng chống bạo lực gia đình nói riêng.
Kết thúc hội thi, ban tổ chức đã trao 01 giải nhất, 02 giải nhì, 03 giải ba, 02 giải chuyên đề cho các đội thi tham gia. Bên cạnh hội thi trực tiếp, để nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho cán bộ, hội viên, phụ nữ; góp phần cùng toàn xã hội triển khai hiệu quả Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam còn tổ chức các cuộc thi trực tuyến tìm hiểu kiến thức về Luật. Sau 2 tuần, cuộc thi trực tuyến đã thu hút hơn 63.000 lượt người tham gia./.
Thương Nguyễn
* Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL thực hiện