• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phòng chống bệnh sởi và những điều cần biết

Sức khỏe 23/04/2014 09:46

(Toquoc) Ngày 22-4 sau hơn 4 tháng dịch sởi bùng phát, Bộ Y tế đã ra thông điệp phòng chống bệnh sởi, trong đó đưa ra các thông tin về phương thức lây truyền, dấu hiệu mắc bệnh, cách chăm sóc trẻ mắc bệnh…

(Toquoc) Ngày 22-4 sau hơn 4 tháng dịch sởi bùng phát, Bộ Y tế đã ra thông điệp phòng chống bệnh sởi, trong đó đưa ra các thông tin về phương thức lây truyền, dấu hiệu mắc bệnh, cách chăm sóc trẻ mắc bệnh… Theo đó, khi trẻ có các dấu hiệu của bệnh sởi nên đưa đến các sơ sở y tế ban đầu gần nhất để được khám, điều trị, hạn chế đưa lên tuyến trên để tránh nguy cơ nhiễm chéo trong BV.

Phương thức lây truyền của bệnh sởi?

-  Lây qua đường hô hấp do hít phải các dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bắn ra được khuếch tán trong không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân.

-  Điều kiện ẩm thấp là môi trường thuận lợi nhất cho bệnh sởi lây lan, đặc biệt đối với người chưa có miễn dịch với bệnh sởi.

Những dấu hiệu mắc bệnh sởi?

- Sốt  38-40 độ C và sốt liên tục.

- Ho (có thể ho khan, khàn tiếng hoặc có đờm), chảy mũi, viêm kết mạc (dử mắt, phù nhẹ mi), hắt hơi, tiêu chảy.

- Có những hạt nhỏ kích thước khoảng 1 mi-li-mét nổi lên trên niêm mạc má, dễ quan sát khi trẻ há miệng to; nốt có màu trắng hoặc hơi xám, ở vị trí ngang với răng hàm thứ nhất. Dấu hiệu này mất nhanh trong vòng 12 đến 18 giờ.

- Sau khi sốt 3 đến 4 ngày, trẻ bắt đầu phát ban. Đầu tiên ban mọc từ sau tai, lan dần hai bên má, cổ, ngực, tay, sau lưng, chân, đến toàn thân. Ban màu hồng nhạt, nhẵn, khi ấn vào thì biến mất, có xu hướng kết dính lại với nhau, phát ban xen giữa những khoảng da lành. Ban có thể rải rác hoặc dày, có thể ngứa ít.

- Trẻ ăn kém, mệt, mỏi. Thường thì 3 bốn 4 ngày sau khi ban mọc, ban sẽ bắt đầu bay thứ tự như khi mọc và để lại vết thâm trên da, có thể có bong vảy nhẹ, khoảng một tuần sau thì không còn dấu vết gì. Trẻ lại sức dần và hết sốt.

Khi trẻ có các dấu hiệu của bệnh sởi nên đưa đến các cơ sở y tế ban đầu gần nhất để được khám, điều trị và hướng dẫn chăm sóc kịp thời, hạn chế chuyển trẻ lên bệnh viện tuyến trên (nơi đang điều trị các ca sởi nặng) để tránh nguy cơ lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Cách chăm sóc trẻ mắc bệnh sởi như thế nào?

Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh sởi, việc điều trị chủ yếu để phòng bội nhiễm và điều trị các biến chứng nặng do sởi gây ra. Do đó, việc chăm sóc cho trẻ đóng vai trò rất quan trọng.

- Giai đoạn bệnh nhẹ chủ yếu là chữa triệu chứng như: uống thuốc hạ sốt, nhỏ mắt thường xuyên bằng nước muối sinh lý hoặc thuốc nhỏ mắt chloramphenicol 0,1% khoảng 3-4 lần/ngày.

- Ăn đầy đủ thực phẩm dễ tiêu, giàu dinh dưỡng, uống đủ nước để nâng cao thể trạng, tránh bị suy dinh dưỡng và biến chứng do sởi.

- Vệ sinh thân thể, mắt, răng, miệng cho trẻ và giữ thông thoáng nơi ở, tránh gió lùa.

- Người chăm sóc trẻ phải rửa tay thường xuyên rửa tay bằng thuốc sát khuẩn hoặc rửa tay với xà phòng, đeo khẩu trang 

- Cần cách ly trẻ tại nhà để tránh lây nhiễm cho trẻ khác và người nhà.

Chế độ dinh dưỡng trong thời kì nhiễm sởi

- Cho trẻ ăn đủ chế độ dinh dưỡng hằng ngày nhưng nên chọn những đồ mềm, dễ ăn như cháo, sữa…

Bên cạnh đó, hãy chú trọng cho trẻ ăn những thức ăn có tác dụng tăng miễn dịch, giúp cơ thể chống nhiễm trùng. Như nhóm thức ăn giàu vitamin A, C, D. Vitamin A có nhiều trong các chế phẩm từ sữa, thực phẩm màu đỏ (cà rốt, cà chua…) và rau màu xanh sậm. Vitamin C có nhiều trong rau - củ - quả tươi, trái cây họ cam - chanh và các loại trái có vị chua. Vitamin D có trong các chế phẩm từ sữa. Do khả năng ăn của bệnh nhi sởi kém hơn trẻ bình thường trong khi nhu cầu cơ thể lại cao nên có thể bổ sung thuốc cung cấp vitamin và khoáng chất cho trẻ (theo chỉ dẫn của bác sĩ).

Ngoài ra, khi trẻ mắc sởi, cơ thể bị tổn thương nên rất cần tái tạo mô. Do đó tuyệt đối không bắt trẻ ăn kiêng mà phải ăn đa dạng, ăn nhiều thịt, cá, các thực phẩm chứa chất đạm. Tuy nhiên, hệ miễn dịch của trẻ lúc này đang kém nên thức ăn phải nấu kỹ hơn bình thường. Thức ăn phải mềm vì trẻ mắc sởi dễ bị đau họng, rất khó nhai nuốt.

Trong lúc bị nhiễm siêu vi sởi, trẻ hay có các dấu hiệu đi kèm như tiêu chảy, sốt, ho, đau họng, sổ mũi, viêm kết mạc, rất dễ nôn ói. Vì vậy nên chia nhỏ bữa ăn, có thể cho trẻ ăn 2/3 suất rồi ngưng một lát mới cho ăn tiếp. Điều đang lưu ý nữa là nhớ cho trẻ uống thật nhiều nước để bù lượng nước đã mất, đàm nhớt sẽ được tống ra ngoài dễ dàng nếu cơ thể được bù nước đầy đủ.

Các dấu hiệu tăng nặng của bệnh sởi?

Bệnh sởi có thể gây các biến chứng nguy hiểm và có thể gây tử vong nên cần theo dõi sát để phát hiện các dấu hiệu tăng nặng của tr.

- Trẻ khó thở, co kéo nhiều lồng ngực, hoặc có cơn tím tái thở rít

- Trẻ sốt li bì hoặc sốt cao liên tục, uống thuốc hạ nhiệt paracetamol không hạ sốt, hoặc đã hết sốt và có sốt trở lại

- Trẻ co giật hoặc li bì

- Trẻ nôn trớ nhiều hoặc tiêu chảy nhiều lần trong ngày, khát nước nhiều

- Mắt nhiều dử mắt, kèm nhèm nhìn không rõ

- Lúc ban bay, trẻ đã hết sốt nhưng lại sốt lại

- Trẻ có dấu hiệu nghi viêm tai giữa (quấy lúc lắc đầu và đập hoặc dụi bên tai vào vai người mẹ).

Các biến chứng sau khi mắc sởi nếu không được theo dõi và điều trị kịp thời?

- Viêm phổi, viêm tai giữa, viêm thanh quản, viêm não tủy, cam tẩu mã, tiêu chảy kéo dài, suy dinh dưỡng (do quá kiêng khem), loét giác mạc do thiếu sinh tố (vitamin) A. Các biến chứng này rất nặng và dễ gây tử vong.

Đề phòng chống bệnh sởi hiệu quả, người dân phải làm gi?

-Tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh chủ động, hiệu quả nhất giúp cơ thể tạo ra miễn dịch, tăng sức đề kháng để chống lại một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

- Tiêm vắc xin sởi là biện pháp hiệu quả nhất phòng bệnh sởi. Trẻ cần được tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi. Mũi thứ nhất được tiêm cho trẻ từ 9 đến 11 tháng tuổi, mũi thứ hai được tiêm khi trẻ được 18 tháng tuổi. Khi trẻ được tiêm đủ 2 mũi vắc xin theo lịch tiêm chủng hoặc sau khi  mắc sởi, trẻ sẽ có miễn dịch bền vững.

- Khi trẻ mắc sởi hoặc nghi ngờ mắc sởi cần cách ly trẻ để tránh lây nhiễm cho trẻ khác.

Quy trình tiêm chủng an toàn

Để đảm bảo an toàn trong quá trình tiêm chủng các bậc phụ huynh cần lưu ý:

- Mang theo phiếu (hoặc sổ) tiêm chủng.

- Đối chiếu “quy định tiêm chủng” dán tại các điểm tiêm chủng với việc thực hành tiêm chủng của cán bộ Y tế.

- Trước khi tiêm: các bậc phụ huynh cần chủ động  thông báo cho cán bộ y tế biết tình trạng sức khỏe hiện tại của trẻ như: đang bị bệnh truyền nhiễm, sốt, ho, tiêu chảy, tiền sử sinh non, dị ứng, có phản ứng mạnh với những lần tiêm chủng trước đây. Đề nghị cán bộ y tế kiểm tra sức khỏe của trẻ.

- Trong thời gian trẻ được tiêm: Cần theo dõi thông tin liên quan đến vắc xin tiêm cho trẻ như: Kiểm tra vắc xin sử dụng cho trẻ có đúng theo chỉ định của Bác sỹ không, vắc xin được sử dụng phải còn nguyên nhãn, còn hạn sử dụng, được bảo quản lạnh trong phích vắc xin, theo dõi bơm kim tiêm được sử dụng phải còn nguyên trong bao, còn hạn sử dụng cho mỗi lần tiêm.

- Theo dõi kỹ sau khi tiêm: Vì sự an toàn của trẻ, các bậc phụ huynh cần chấp hành để theo dõi tại điểm tiêm 30 phút theo hướng dẫn của cán bộ y tế và tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm. Khi xuất hiện các dấu hiệu: Khóc thét dai dẳng trên 3 giờ, sốt cao, khó thở, bỏ bú, co giật, tím tái … cần báo ngay cho cơ sở tiêm chủng và lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để kịp thời cứu chữa.

Những phản sau tiêm chủng và cách xử trí:

Vắc xin cũng như thuốc đều là những chất lạ, khi tiêm vào cơ thể cũng có thể gây ra những phản ứng bất thường không mong muốn cho trẻ, nhưng phần lớn là phản ứng nhẹ, rất hiếm trường hợp phản ứng nặng và gây tử vong. Sau tiêm chủng, trẻ có thể có phản ứng tại chỗ như: Đau nơi tiêm, cảm giác đau đó có thể làm các trẻ nhỏ quấy khóc. Một số trẻ có thể  sưng tại chỗ tiêm, có khi đỏ, đau nhẹ, đa số tự khỏi sau 1 -2 ngày. Một số ít trường hợp tại chỗ tiêm có thể sưng, đau lâu hơn, nhất là với trẻ tiêm mũi BCG, DPT. Cũng có trẻ lại bị mẩn ngứa xung quanh nơi tiêm, có thể kéo dài từ 3 - 6 ngày. Đây là các phản ứng thông thường do vắc xin tác động vào cơ thể gây phản ứng miễn dịch. Có thể xử trí tại nhà bằng cách chườm lạnh tại chỗ tiêm để làm giảm đau cho trẻ.

Một số trẻ khác, sau khi tiêm vắc xin khoảng 1 giờ hoặc 1 ngày có thể bị sốt nhẹ, nhưng cũng đôi khi sốt cao trên 390 C, kèm theo tình trạng vật vã, quấy khóc, những trẻ lớn có thể kêu nhức đầu, với trường hợp này nên chườm mát bằng nước ấm và sử dụng thuốc hạ sốt.

Ở một số trẻ có tiền sử dị ứng thì có thể bị nổi mẩn ngứa, ban đỏ, mề đay… các biểu hiện dị ứng này thường tự khỏi sau một vài ngày, nhưng nếu trẻ thấy khó chịu nhiều thì đôi khi phải dùng một số thuốc chống dị ứng.

Các phản ứng trên thường nhẹ, sẽ tự khỏi trong vòng 1 ngày. Đôi khi trẻ có những phản ứng nặng như sốt cao không hạ kéo dài, co giật, tím tái, thở khó, co lõm ngực, quấy khóc nhiều, lừ dừ, bỏ bú… khi đó cần đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời. Những phản ứng nặng sau tiêm chủng như sốc phản vệ thường hiếm gặp. Phản ứng nặng sẽ được chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và xử trí kịp thời.

Những trường hợp chống chỉ định trong tiêm chủng:

Tiêm vắc xin là một phần quan trong nhất trong việc bảo vệ sức khỏe cho trẻ, những phản ứng tạm thời kể trên không gây nguy hại cho trẻ và cũng không làm giảm tác dụng phòng bệnh của việc tiêm chủng. Tuy nhiên, có một số trường hợp không nên tiêm chủng, đó là những trẻ đang ở trong tình trạng mà việc tiêm phòng có thể gây ra những phản ứng nguy hiểm. Những trường hợp này được coi là “chống chỉ định” của việc tiêm chủng gồm:

- Chống chỉ định tạm thời: Trẻ đang sốt, đang mắc bệnh nhiễm khuẩn cấp tính như viêm phổi, thương hàn, tiêu chảy, sởi… trẻ mới khỏi bệnh và đang trong thời kỳ hồi sức, đang bị bệnh ngoài da, có mủ hoặc bệnh chàm ngoài da (Eczema).

- Chống chỉ định lâu dài: Trẻ đang mắc bệnh mãn tính đang tiến triển như lao phổi, tràn dịch màng phổi, đặc biệt là đang mắc bệnh ở thận như viêm thận mạn tính…

Một số chống chỉ định đặc biệt: Đối với tiêm phòng lao nên tránh cho các trẻ sinh non còn quá yếu, quá thiếu cân, bị bệnh cấp tính, bị bệnh ngoài da lan rộng. Đối với tiêm phòng sởi nên tránh cho các trẻ đang bị bệnh bạch cầu (1 dạng ung thư máu), bị suy dinh dưỡng rất trầm trọng, đang phải chữa bệnh bằng các loại thuốc Corticoid. Đối với tiêm phòng thương hàn nên tránh cho các trẻ đang bị bệnh ở thận, tiểu đường hoặc đang trong tình trạng có hiện tượng dị ứng trầm trọng như đang trong thời kỳ có cơn hen phế quản, mẩn ngứa, nổi mề đay…

Chú ý: - Các loại vắc xin tiêm chủng sẽ phát huy hiệu quả cao nhất nếu trẻ được tiêm đủ liều và đúng theo lịch tiêm chủng.

- Phải chủ động tiêm chủng trước khi có dịch bệnh xảy ra, không nên thấy có dịch bệnh rồi mới đi tiêm chủng vì như vậy hiệu quả của việc tiêm chủng sẽ không cao, và rất dễ xảy ra tình trạng thiếu thuốc tiêm chủng.

Tuấn Minh (tổng hợp)

NỔI BẬT TRANG CHỦ