(Tổ Quốc) - Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được đánh giá là một trong những “điểm nhấn” nổi bật của nhiệm kỳ Đại hội Đảng khóa XII. Với hơn 100 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật trong nhiệm kỳ vừa qua, có thể khẳng định, những kết quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã góp phần củng cố và tăng cường hơn nữa niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương đã dành thời gian trao đổi với Báo Tổ Quốc về vấn đề này.
- Ông đánh giá như thế nào về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng trong thời gian qua?
+ Bác Hồ đã từng ví nạn tham nhũng như giặc nội xâm. Bác còn đưa ra cảnh báo, chúng ta có thể thắng giặc ngoại xâm nhưng chúng ta cũng có thể thất bại trước giặc nội xâm. Bởi giặc nội xâm này không có chiến tuyến, không có biên giới, nó cứ luẩn quẩn, ẩn khuất, ở trong chính nội bộ của chúng ta, chính trong mỗi con người.
Đảng ta cũng xác định tham nhũng là quốc nạn, là tệ nạn, là nguy cơ dẫn đến việc đánh mất vai trò lãnh đạo của Đảng. Cho nên, nhiều nhiệm kỳ qua Đảng đã đặt ra vấn đề này.
Nhưng có thể nói, trong nhiệm kỳ Đại hội XII, nói đúng hơn là từ sau Hội nghị Trung ương 5 khóa XI (năm 2012), sau khi kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng là một Ban trực thuộc Bộ Chính trị và trực tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban chỉ đạo, rõ ràng, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng đã được đẩy lên giai đoạn mới cao hơn, mạnh mẽ hơn, quyết liệt và hiệu quả hơn.
Đây là quyết định mang tính đột phá, thể hiện quyết tâm của Đảng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng.
- Theo ông, chúng ta rút ra được bài học gì qua công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng?
+ Nhiệm kỳ này công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng quyết liệt, hiệu quả và mạnh mẽ như vậy là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đặc biệt là người đứng đầu. Trước đây chúng ta đã từng nói nhiều lần về việc "không có vùng cấm", không có ngoại lệ, bất kỳ người đó là ai, làm gì... nhưng chúng ta thực hiện chưa được như mong muốn.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã "nói là làm", "nói đi đôi với làm", làm đến đâu chắc đến đó. Rõ ràng đây là sự quyết liệt rất cao của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy các cấp.
Cũng phải nói thêm, để công tác chống tham nhũng được thực hiện hiệu quả thì chúng ta phải hoàn thiện thể chế. Trong nhiệm kỳ qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành văn bản pháp luật, quy chế, quy định của Đảng nhằm chặt chẽ, kín kẽ về thể chế để không còn kẽ hở cho tham nhũng lợi dụng.
Ngoài ra, để đấu tranh hiệu quả thì không chỉ Đảng, Trung ương, các ngành, các cấp phải làm mà còn phải huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân trực tiếp tham gia vào công tác phòng chống tham nhũng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói, khi "lò đã nóng" thì bây giờ không còn việc của riêng ai nữa mà là nhiệm vụ chung của toàn Đảng, toàn dân và toàn xã hội. Tất cả đều hướng vào cùng một mục đích thì sẽ mang lại hiệu quả tích cực. Trong đó, vai trò của các cơ quan báo chí cũng đóng góp rất lớn.
Như vậy sẽ từng bước khắc phục được tình trạng "trên nóng, dưới lạnh". Trên "nóng" thì bây giờ dưới cũng đã "nóng" rồi.
- Theo ông, chúng ta cần làm gì để tiếp tục phát huy hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng?
+ Chính kết quả trong công tác phòng, chống tham nhũng của Đại hội XII là cơ sở, nền tảng để nhiệm kỳ Đại hội XIII tiếp tục đẩy mạnh lên. Đặc biệt là phải phát huy vai trò người đứng đầu trong công tác này.
Chúng ta đã có kinh nghiệm rồi, nền tảng rồi, đã tạo được phòng trào rộng rãi rồi thì tại nhiệm kỳ XIII, công tác phòng, chống tham nhũng nói riêng và xây dựng Đảng nói chung phải được phát huy, đẩy mạnh hơn nữa để Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo đưa đất nước vào giai đoạn phát triển mới.
- Xin cảm ơn ông!