(Tổ Quốc) - Cuộc thi ảnh "Câu chuyện rác nhựa" do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức, Tạp chí Nghề nghiệp & Cuộc sống thực hiện, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc quản lý rác thải sinh hoạt nói chung và rác thải nhựa nói riêng; kêu gọi hành động tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu rác thải nhựa dùng một lần.
Cuộc thi cũng giúp người dân và doanh nghiệp nhận thức rõ hơn những tác động tiêu cực của việc quản lý chất thải không đúng cách đối với sức khỏe con người và môi trường.
Sau hơn 3 tháng phát động, từ ngày 5/2 - 15/5/2021, Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được 8.434 tác phẩm dự thi được chụp từ gần 50 tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có các tỉnh ven biển như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bình Thuận, Bình Định, Cà Mau...
Cuộc thi thu hút nhiều người tham gia từ các nhiếp ảnh gia tới nhà báo, bác sĩ, nhà giáo, học sinh. Đặc biệt, cuộc thi nhận được gần 5.000 tác phẩm dự thi từ các sinh viên của hơn 40 trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên cả nước.
Ban giám khảo đã chọn ra 14 tác phẩm xuất sắc để trao giải.
Trong tác phẩm: "Vị giám đốc trẻ mê nhặt rác" ở Đà Nẵng: 10 năm dọn vệ sinh không công dưới đáy biển của tác giả Nguyễn Giang Nam- Phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc đã đạt Giải A.
Phát biểu tại sự kiện, ông Đào Xuân Lai, Trưởng ban Biến đổi khí hậu và Môi trường UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh: "Chúng ta cũng đã thấy những hình ảnh như một con cá voi hoa tiêu đực bị chết và dạt vào bãi biển ở Thái Lan vì đã nuốt 80 túi nilon; hình ảnh về những con rùa mắc trong 6 cái vòng nhựa, một con cá ngựa nhỏ xíu cuộn đuôi vào một cái tăm bông bằng nhựa. Các sản phẩm nhựa trôi dạt hàng ngày trên các bãi biển toàn thế giới – từ Việt Nam, Indonesia đến bờ biển châu Phi, và các con kênh trong các thành phố ngày càng tràn ngập chất thải nhựa. Rõ ràng chúng ta phải xem xét và suy nghĩ lại hành động của chúng ta, từ sản xuất,tiêu dùng và thải bỏ.”
Ông Jan Wilhelm Grythe, Phó Đại sứ Na Uy tại Việt Nam cho biết: “Mọi người đều có vai trò trong cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa. Na Uy tự hào về quan hệ đối tác của chúng tôi với UNDP, Tổng cục Biển và Hải đảo, cùng chính quyền 5 tỉnh/thành phố của Việt Nam trong việc thực hiện Dự án này. Tôi rất vui khi thấy kết quả của nó ngày càng được nhân rộng. Giờ là thời điểm tốt nhất để chúng ta thay đổi cách sống và nâng cao nhận thức của cộng đồng về những tác hại của nhựa. Hãy cùng nhau phấn đấu vì điều này. Mọi hành động đều có ý nghĩa”./.