• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phụ huynh lo lắng tìm lớp tiền tiểu học cho trẻ lên 5

Giáo dục 12/10/2020 20:04

(Tổ Quốc) - Trước nhiều ý kiến cho rằng chương trình lớp 1 mới quá nặng, một bộ phận phụ huynh có con ở tuổi lên 5 đã lo lắng tìm lớp tiền tiểu học để các con làm quen với chương trình mới.

"Con mình như thế có bình thường không?"

Hơn 1 tháng thực học chương trình lớp 1 mới đã phần nào cho thấy áp lực của môn Tiếng Việt quá lớn. Rất nhiều trẻ đã có biểu hiện quá tải, học trước quên sau.

Theo các chuyên gia giáo dục, phần lớn ý kiến về việc chương trình nặng đều tập trung ở môn Tiếng Việt. Học sinh chưa thuộc âm đã phải nhớ sang vần để ghép tiếng, ghép từ và đọc câu, nhiều học sinh còn nhầm giữa âm và vần cho nên không thể đọc được cả câu.

Bé Trần Nguyễn Minh Quân (học sinh lớp 1 tại Hà Nội) tuần thứ 2 đi học đã khóc lóc, đòi ở nhà. Chị Thu Vân, phụ huynh của bé cho biết, nguyên nhân con chị sợ đi học là do bé chưa quen với trường lớp mới, cô giáo mới, đã vậy lại phải học ngay những bài học khó...

Trường tiểu học nơi bé Trần Nguyễn Minh Quân theo học chọn SGK Tiếng Việt của bộ SGK Cùng học để phát triển năng lực. Cấu trúc bài học trong 4 tuần đầu buộc học sinh phải học luôn âm đơn, âm ghép, sang tuần 5 bắt đầu học vần. Tốc độ học nhanh như vậy đã khiến bé Quân gặp khó bởi trước khi vào lớp 1 bé chưa thuộc hết mặt chữ.

Không chỉ mình bé Quân vất vả mà phụ huynh của bé cũng vô cùng chật vật khi kèm con học. Hết 5 tuần học đầu tiên, giáo viên chủ nhiệm giao thêm nội dung ôn tập cuối tuần cho học sinh bằng cách hướng dẫn phụ huynh quay clip ghi lại cách các con ôn bài tại nhà rồi gửi cho cô giáo như một cách trả bài.

Cũng như các phụ huynh khác trong lớp, điều này khiến phụ huynh của bé Quân khá ức chế khi con đã phải học cả tuần rồi, bố mẹ cũng phải kèm con học theo rồi vậy mà cuối tuần vẫn không được nghỉ ngơi.

"Chương trình gồm 12 tiết tiếng Việt mỗi tuần thay vì 8 tiết như chương trình cũ là khá nặng, các con không thể nhớ được các âm, vần đã học, dấu câu, đánh vần không nổi... vậy thì mong gì các con sẽ đọc trọn vẹn được cả đoạn văn khi kết thúc học kỳ 1", chị Vân nói.

Những ngày này, trên báo chí và các trang mạng xã hội, nhiều phụ huynh đã bày tỏ lo lắng con mình không đáp ứng được yêu cầu cuối năm của chương trình mới.

Chị Thanh Hương (Hà Nội) cho biết, chị có con đang học lớp 1 và tối nào cũng phải "đánh vật" với con, vậy mà bé con chị đến giờ này vẫn chưa phân biệt được các chữ "ch-tr, nh-kh, g-gh, ng-ngh…". Chị lo lắng: "Không giống như ở mầm non, giờ đây các con phải ngồi cả ngày trên ghế nhà trường với 12 tiết Tiếng Việt mỗi tuần. Con tôi không thể nhớ hết kiến thức đã học sau 1 tuần trên lớp. Không biết con tôi như thế có bình thường không?".


Phụ huynh "tính" cho con đi học tiền tiểu học - Ảnh 1.

(ảnh minh họa)

Không chỉ giới phụ huynh, ngay cả một số giáo viên đang dạy chương trình lớp 1 mới tại các trường học tiểu học ở Hà Nội cũng cho rằng chương trình năm nay khá nặng và đặt ra yêu cầu quá cao đối với học sinh trong những tuần đầu năm học.

Chị PA (giáo viên tại một trường tiểu học tại Hà Nội) chia sẻ, đối với học sinh lớp 1 cần phải có thời gian làm quen với chương trình học mới khi chuyển từ mầm non sang tiểu học.

Là một giáo viên, bản thân chị cũng phải vận dụng mọi kỹ năng, kiến thức sư phạm cũng như kinh nghiệm giảng dạy để xây dựng bài giảng làm sao cho học sinh dễ tiếp thu bài mới. Dù vậy, trong lớp không phải học sinh nào cũng nhớ hết được nội dung bài học.

"Trẻ em cũng cần phải có thời gian thích nghi với môi trường mới. Với các em không thể áp đặt được", chị PA bày tỏ quan điểm.

Không những chương trình mới bị kêu nặng, nhiều bài học trong SGK mới bị phản ánh là thiếu tính giáo dục (ảnh chụp từ SGK Tiếng Việt lớp 1)

Có nên cho con đi học lớp tiền tiểu học?

Trước nhiều ý kiến cho rằng chương trình lớp 1 mới quá nặng, một bộ phận phụ huynh có con ở tuổi lên 5 đã lo lắng tìm lớp tiền tiểu học để các con làm quen với chương trình mới.

Chị Thùy Linh (Q. Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, con gái chị hiện đang học mẫu giáo lớn. Hiện tại bé đã thuộc hết bảng chữ cái, đếm được từ 1 đến 10 nhưng vẫn chưa biết ghép vần. Những ngày này, dư luận xôn xao về chương trình lớp 1 mới khiến chị Linh khá lo lắng và quyết định sau khi nghỉ tết âm lịch Tân Sửu 2021 xong sẽ tìm lớp cho con đi học trước khi vào lớp 1.

Trước những băn khoăn của rất nhiều đồng nghiệp, người thân về việc có nên cho con tham gia lớp tiền tiểu học hay không, chị Phương Anh (phóng viên một tờ báo tại Hà Nội) đã chia sẻ quá trình bước vào năm học mới của con chị năm tới.

Theo đó, bé nhà chị nếu không học trước lớp tiền tiểu học sẽ không thể bắt kịp được chương trình.

“Cho con đi học trước không chỉ chuẩn bị cho con những kiến thức nền cơ bản trước để con vào tiểu học khỏi bỡ ngỡ mà còn chuẩn bị tâm lý cho con trước khi con bước vào môi trường mới. Vì thế, tôi đang tìm lớp để cho con học trước chứ không chủ quan được", chị cho hay.

Nắm được tâm lí này của phụ huynh, trên các diễn đàn, mạng xã hộ đã xuất hiện những lời mời chào như "Đăng kí học thử lớp rèn tập trung, ghi nhớ, phát triển tư duy cho trẻ…", hoặc "Kiểm tra tư duy bé 5 tuổi chuẩn bị hành trang vào lớp 1"…

Những lời mời chào, giới thiệu này nhận được sự quan tâm của khá nhiều phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 năm sau, mỗi lời giới thiệu có hàng nghìn lượt like cũng như comment hỏi về chương trình, lớp học…

Ngoài ra, tại Hà Nội cũng đã xuất hiện một vài trung tâm có lớp dành cho các bé chuẩn bị vào lớp 1. Sau khóa học các bé được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình Giáo dục Mầm non, được cấp mã số vào lớp Một. Học phí cho khóa học là 1,6 triệu/tháng.

Mặc dù theo quy định, học sinh không được học trước khi vào lớp 1 nhưng với những gì đang diễn ra, những lo lắng của phụ huynh hoàn toàn có cơ sở.

Bất kể một bước đi mới nào cũng có thể chứa đựng vô vàn rủi ro. Liệu rằng nếu tiếp tục triển khai chương trình mới với sách giáo khoa mới mà không có sự chỉnh sửa, cải tiến, hậu quả sẽ lớn đến đâu?


P.Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ