(Tổ Quốc) - Phụ nữ có nên gác lại việc gia đình để phấn đấu cho công việc là một câu hỏi đầy trăn trở của không ít người.
Sau khi đăng bài Người phụ nữ 6 năm không nghỉ phép để sắm tiện nghi gia đình, đã có nhiều độc giả phản hồi với những ý kiến khác nhau.
Có độc giả đồng tình với hoàn cảnh kinh tế cũng như gia đình của chị Lương: nhà đang xây phải đi vay mượn, công việc của chồng không ổn định, có ông bà nội ngoại ở gần giúp đỡ. Hơn nữa, những phần thưởng mà công ty đưa ra cũng khá hấp dẫn. Trong hoàn cảnh nhiều công nhân phải đi thuê nhà, lương không đủ sống thì cuối mỗi năm được nhận tiền nghỉ phép, tiền thưởng chuyên cần và đồ gia dụng thì cũng là một phần thưởng để khích lệ. Thế nhưng để thực hiện được 6 năm không nghỉ phép không phải dễ dàng.
Bên cạnh đó cũng có độc giả không đồng tình khi cho rằng không nên vì những phần thưởng mà không chăm sóc bản thân, con cái ốm đau phó thác cho ông bà, phải căn ke thời gian cho công việc của họ hàng.
Ảnh minh họa. Chụp lại từ triển lãm Bình đẳng giới/thethaovahoa.vn |
Theo ý kiến chuyên gia Phương Hà (Viện Nhà nước và Pháp luật – Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội) thì trong câu chuyện này phần lớn mang tính cá nhân. Nghĩa là hoàn toàn do quyết tâm của chị Lương chứ không ai ép buộc. Ngay cả về phía công ty thì cũng không làm sai luật, công ty không sa thải ai nếu không thực hiện. Và những phần thưởng này là động viên, khuyến khích nhân viên. Nếu ai muốn có những phần thưởng thì buộc phải hi sinh những thứ khác. Cũng giống như ở cơ quan nhà nước, muốn đạt danh hiệu như chiến sĩ thi đua thì phải cống hiến, phải dành nhiều thời gian, tâm huyết cho công việc, thậm chí phải gác lại công việc gia đình.
Vị chuyên gia này cũng chia sẻ và nêu quan điểm ủng hộ phụ nữ cần phải phấn đấu vì họ có nhiều thiệt thòi, luôn phải chăm lo, chu toàn cho gia đình, con cái nên ít có thời gian để phấn đấu cho sự nghiệp. Giả dụ trong trường hợp này là chồng chị Lương rất thoải mái nên không có vấn đề gì. Nhưng vì chị ấy là phụ nữ, hay bất cứ một phụ nữ nào rơi vào hoàn cảnh này đều rất lăn tăn, khó khăn.
Ví dụ luật ở một số nước Bắc Âu, khi phụ nữ sinh con trong vòng 2 năm đầu thì mẹ được nghỉ một năm và bố cũng được nghỉ một năm nguyên lương để chăm con. Và thường mẹ nghỉ năm đầu, năm sau đến lượt bố nghỉ để chăm con để mẹ toàn tâm toàn ý đi làm, không bị dồn gánh nặng lên vai người phụ nữ. Tuy nhiên, cũng mới chỉ một số nước làm được như vậy. Còn ở nước ta chưa được vậy nên gánh nặng con cái phần lớn vẫn ở trên vai người phụ nữ. Vì vậy người phụ nữ phải tự cân đối. Nói chung, tùy điều kiện hoàn cảnh cá nhân, nếu gia đình có ông bà chăm lo giúp, con cái ít ốm đau thì làm được như chị Lương là rất bình thường – chuyên gia Hà chia sẻ.
Nhấn mạnh vai trò của người phụ nữ, nhất là việc phải cân đối trong hoàn cảnh của từng người, chuyên gia Hà cho rằng: Có thể chị Lương làm được nhưng những người khác không có sự hỗ trợ của gia đình, không có điều kiện và hoàn cảnh tương tự thì không thể làm được. Ngay cả có những gia đình có ông bà ở nhà nhưng ông bà lại già, ốm yếu, không giúp được thì cũng không thể thực hiện như nhân vật trong bài viết được. Quan trọng là trong gia đình chị Lương phải nhờ được ông bà, thậm chí yêu cầu chồng chia sẻ việc nhà, chăm sóc con cái.
Thế nhưng, vị chuyên gia này cũng không đồng tình ở điểm bản thân ốm mà cũng chẳng dám nghỉ để đi khám bệnh ngay là cũng hơi quá. Bởi nếu vịn vào lý do chăm sóc con, việc nhà… thì còn có thể đưa ra lý do không được chia sẻ… còn bản thân ốm đau là chuyện hoàn toàn cá nhân mà cũng chẳng dám nghỉ để đi khám bệnh. Nhưng rất may là trong trường hợp của chị Lương sau lần bị ngất đó không có bệnh trầm trọng nên chị mới không nghỉ.
Vì thế, hiện nay phụ nữ có nên gác lại việc gia đình để phấn đấu cho công việc hay không hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu, hoàn cảnh, điều kiện ở mỗi người phụ nữ.