(Cinet - DL) - Tháp Nhạn là một công trình tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc của người Chăm ở vùng đất Phú Yên xưa.
![]() |
Tháp Nhạn (nguồn internet) |
1. Di tích/Di sản: Tháp Nhạn
2. Thời gian: Tháp Nhạn - là một di tích kiến trúc thuộc nền văn hóa Chăm Pa xây dựng vào cuối thế kỷ thứ XI - đầu thế kỷ XII.
3. Năm công nhận: Ngày 16/11/1988 Bộ Văn Hóa-Thông tin ra Quyết định số 1288/QĐ-VH công nhận Tháp Nhạn là di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia.
4. Địa hình/Vị trí: Tháp Nhạn nằm trên núi Nhạn bên bờ bắc sông Đà Rằng, gần quốc lộ 1A, thuộc thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
Phú Yên có diện tích tự nhiên 5.045 km2, nằm ở vùng duyên hải Nam Trung Bô. Phía bắc giáp tỉnh Bình Định, phía nam giáp tỉnh Khánh Hoà, phía tây giáp Gia Lai và Đắk Lắk, phía đông giáp biển. Phú Yên đa dạng về địa hình: núi, đồi, cao nguyên, đồng bằng và biển khơi.
Địa hình Phú Yên thấp từ tây sang đông. Phía tây là sườn đông của dãy Trường Sơn Nam. Ở khu vực này, địa hình bị chia cắt mạnh, độ dốc lớn. Phía đông là đồi núi xen kẽ đồng bằng, thỉnh thoảng là các dãy núi đá chạy sát ra biển, chia cắt đồng bằng ven biển thành những đồng bằng nhỏ.
5. Thổ nhưỡng: Phú Yên có 504.531ha diện tích đất tự nhiên trong đó:
- Diện tích đất nông nghiệp là 124.815 ha (chiếm 24,73%)
- Diện tích đất lâm nghiệp có rừng là 165.916ha (chiếm 32,88%)
- Diện tích đất chuyên dùng là 17.363ha (chiếm 3,44%)
- Diện tích đất ở là 4.203ha (chiếm 0,83%)
- Diện tích đất chưa sử dụng và sông suối núi đá là 192.234ha (chiếm 38,10%).
Thổ nhưỡng của Phú Yên chia làm 4 nhóm:
- Nhóm 1: Đất có độ phì nhiêu cao, tập trung ở vùng đồng bằng thấp, gồm có: đất phù sa, đất đen trên sản phẩm bồi tụ: bazan.Tiềm năng phát triển nông nghiệp lớn.
- Nhóm 2: Đất có độ phì nhiêu trung bình bao gồm: đất dốc tụ, đất nâu vàng, đất nâu đỏ trên đá, đất nâu thấm trên bọt đá và đá bazan, đất mặn phèn ít và trung bình.
- Nhóm 3: Đất có độ phì nhiêu thấp và trung bình gồm: đất cát và cồn cát ven biển, đất mặn nhiều, phèn nhiều, đất xám, đất vàng đỏ trên đá mácma axít.
- Nhóm 4: Đất có độ phì nhiêu thấp, tầng mỏng, độ dốc lớn gồm: đất mùn vàng đỏ, đất phát triển trên đá mácma axít tầng mỏng. Chủ yếu dùng trong hoạt động sản xuất nông nghiệp
6. Khí hậu: Phú Yên thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, chịu ảnh hưởng của khí hậu đại dương. Khí hậu có 2 mùa rõ rệt: mùa khô (tháng 1-8), nhiệt độ trung bình 26,5°C. Mùa mưa (tháng 9-12), lượng mưa trung bình khoảng 1600-1700mm.
7. Dân cư: Dân số trung bình năm 2010 của tỉnh là 868.514 người, với mật độ dân số là 172 người/km2.
Phú Yên có 20 dân tộc sinh sống, trong đó:
- Dân tộc Kinh chiếm 95% dân số của tỉnh.
- Dân tộc Êđê (2%)
- Dân tộc Chăm (2,06%)
- Dân tộc Ba Na (0,3%)
- Dân tộc Tày (0,2%)
- Dân tộc Nùng (0,1%); và dân tộc khác chiếm 0,4%.
8. Tóm tắt nội dung: Tháp Nhạn là một công trình tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc của người Chăm ở vùng đất Phú Yên xưa.
Tháp được xây dựng trên một khu đất tương đối bằng phẳng gần đỉnh núi Nhạn, hướng chính của Tháp là hướng Đông. Tháp cao gần 25m có hình tứ giác với 4 tầng thu nhỏ dần khi lên cao, mỗi cạnh chân tháp dài 11m,tháp gồm ba phần: Đế tháp, thân tháp và mái tháp. Đế tháp vững chãi được gắn ốp đá sa thạch. Thân tháp đồ sộ được trang trí các trụ ốp tường với những đường rãnh ăn sâu vào thân tháp, mái tháp thu nhỏ dần với ba tầng. Nóc của tháp gồm nhiều lớp xếp, phần chóp được cấu tạo bằng phiến đá nguyên tảng có hình búp sen, đó là biểu tượng Linga của người Chăm.
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Tháp Nhạn (nguồn internet) |
Trên đỉnh tháp, bốn mặt đều có bốn cửa sổ giả, tách biệt giữa phần trên và tầng dưới. Cửa chính ở hướng đông, phần trên cửa hình vòm, xây cuốn theo kiểu giật cấp, trụ và xà ngang của cửa là khối đá vôi mềm .Vòm cửa giữa hình cung nhọn có hình đầu quái vật trên đỉnh.
Lòng Tháp Nhạn có diện tích khoảng 25m2, tường xây thẳng đứng cao từ phần đế tháp cho đến hết phần thân, tạo thành hình chóp nón. Trên mặt tường tháp không có hoa văn trang trí, chỉ có một vài họa tiết hoa văn hình rồng được chạm khắc cách điệu bằng đá hoa cương đặt bên ngoài góc tháp. Trong lòng tháp không có bộ thờ và các tượng thờ, có một am nhỏ phía trước để thờ bà Thượng Đỉnh Chúa Thiết A Na Diễn Ngọc Phi được xây dựng từ thời Hậu Lê, Trong thời kháng chiến, am này bị bom đạn tàn phá. Hiện nay người dân đã dựng lại một ngôi miếu trên nền cái am cũ nhưng lớn hơn với 4 chữ “Thượng Đỉnh Linh Miếu”.
Phía sau tháp có một phiến đá lớn cao 1,3m, mỗi cạnh rộng 0,9m, dưới chân có chạm hình cánh sen. Chân Tháp được gắn ốp đá sa thạch. Dưới chân núi Nhạn về phía tây nam, ven bờ sông có một tảng đá khá bằng phẳng trên khắc 3 chữ cổ (dạng chữ Phạn), tảng đá cao 5m, rộng 5m. Chữ khắc ở khoảng 1/3 tảng đá. Đây là thư tịch duy nhất ở khu vực tháp còn lưu lại
Trải qua biến động và thời gian, tháp bị hư hại, phần lớn không còn đủ các thành phần như lúc khởi dựng. Tuy nhiên, những hoa văn trên thành tháp vẫn còn sắc nét. Tháp Nhạn được xem là một thắng cảnh tiêu biểu của tỉnh Phú Yên.
Lê Huyền (tổng hợp)
Nguồn tài liệu tham khảo:
www.thuvienhaiphu.com.vn
https://vi.wikipedia.org/wiki/Phú_Yên
phuyentourism.gov.vn/.../
www.dulichphuyen.com