(Tổ Quốc) - UBND tỉnh Quảng Trị vừa có Quyết định số 2823/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia "Các địa điểm liên quan đến Dinh chúa Nguyễn (1558-1626)".
Theo đó, nội dung của Quyết định nêu rõ phạm vi lập quy hoạch bao gồm 10 di tích, địa điểm di tích và 4 công trình đề nghị xếp hạng bổ sung thuộc địa giới các xã Triệu Ái, Triệu Giang và thị trấn Ái Tử (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) với quy mô 33.35 ha.
Mục tiêu dài hạn của quy hoạch nhằm bảo tồn, tôn tạo, phục hồi các yếu tố mang thuộc tính lịch sử gốc của di tích lịch sử quốc gia "Các địa điểm liên quan đến Dinh chúa Nguyễn". Đồng thời, tạo ra một không gian lưu niệm lịch sử nhằm tôn vinh, tưởng niệm về thời kỳ lịch sử các Chúa Nguyễn cũng như tạo ra một khu du lịch mang tính chất lịch sử, văn hóa để kết nối với những di tích lịch sử văn hóa hiện có ở vùng phụ cận. Làm đa dạng, phong phú hơn sản phẩm du lịch Quảng Trị, không chỉ phục vụ cho việc giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, nghiên cứu khoa học mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống dân sinh của huyện Triệu Phong nói riêng và tỉnh Quảng Trị nói chung.
Nội dung của quy hoạch này bao gồm điều chỉnh khu vực bảo vệ của các di tích: Bãi trận; Miếu Trảo Trảo phu nhân; Đền thờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ; Lăng mộ người Việt cổ; Giếng Phủ - Phủ Thờ.
Bên cạnh đó, kiến nghị tiến hành khai quật khảo cổ, xây dựng đền thờ Nguyễn Hoàng và các công trình mang tính tưởng niệm, phát huy giá trị văn hóa và giá trị di tích của địa điểm Dinh Ái Tử (1558 - 1570); Dựng bia giới thiệu di tích, kết hợp với không gian tái hiện Chợ Hôm xưa để trưng bày, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP, ẩm thực địa phương đi đôi với các sản phẩm hàng lưu niệm... Tôn tạo hệ thống cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật tại Địa điểm Chợ Hôm.
Cắm mốc bảo vệ, xây dựng biển giới thiệu di tích. Tôn tạo cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật và đề xuất khai quật khảo cổ đối với địa điểm Dinh Trà Bát; Tiếp tục tiến hành nghiên cứu, khảo cổ, cắm mốc bảo vệ, xây dựng biển giới thiệu di tích. Bảo tồn nguyên trạng khu vực 1. Lựa chọn một vài vị trí tổ chức trưng bày di chỉ khảo cổ khu vực 2. Xây dựng các công trình mang tính tưởng niệm Đền thờ Quan Lớn Triệu Tường. Phát huy giá trị di tích, giá trị văn hóa tín ngưỡng khu vực tại địa điểm Dinh Cát.
Đối với địa điểm Miếu Trảo Trảo phu nhân, sẽ có phương hướng phục hồi theo hình ảnh tư liệu, hướng nhìn ra sông Thạch Hãn. Tôn tạo cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật. Kiến nghị mở rộng di tích và xây mới bãi đỗ xe phục vụ khách đến thăm viếng.
Đối với 2 địa điểm Giếng Phủ - Phủ Thờ, sẽ cắm mốc bảo vệ, tôn tạo di tích Giếng Phủ (sân giếng, thành giếng…). Tôn tạo di tích Phủ Thờ. Xây dựng biển giới thiệu, tôn tạo cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật và kiến nghị xây dựng mới bãi đổ xe, Phủ thờ 7 vị Tiên Chúa.
Tại Đền thờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ, sẽ tôn tạo lại theo kiến trúc - mỹ thuật thời Lê Trung Hưng và thời kỳ Chúa Nguyễn ở Đàng Trong với các công trình như: cổng, nhà phụ trợ, đền thờ, bố trí bãi đỗ xe, nhà quản lý, tôn tạo cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật…
Ngoài ra, sẽ cắm mốc bảo vệ di tích, xây dựng biển giới thiệu, tôn tạo cảnh quan hạ tầng kỹ thuật,… đối với các địa điểm như: Ghềnh Phủ, Mô Súng, Cồn Tập, Tàu Tượng, Bãi Trận, Lăng mộ người Việt cổ.
Quyết định này cũng nên rõ các định hướng quy hoạch bảo tồn gắn với phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia "Các địa điểm liên quan đến Dinh chúa Nguyễn" với các nội dung như phân vùng chức năng; tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan; các giải pháp phát triển du lịch…/.