(Tổ Quốc) - Do chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch, với yêu cầu phải truy xuất nguồn gốc từ phía Trung Quốc nên mực xà không xuất bán được.
- 11.06.2019 Các công ty của Trung Quốc cạnh tranh khốc liệt tại Việt Nam để sản xuất hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ
- 10.06.2019 Trung Quốc gia tăng "xuất khẩu chui" sang Mỹ thông qua Việt Nam, Đài Loan và Mexico
- 31.05.2019 13 doanh nghiệp xuất khẩu quặng sắt qua cửa khẩu Lào Cai "cầu cứu" Thủ tướng vì một quy định mới của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan
- 17.02.2019 Năm 2019, xuất khẩu gạo sang thị trường lớn Trung Quốc sẽ gặp rất nhiều thách thức
Chiều 27/6, ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam) cho biết UBND huyện vừa có báo cáo gửi UBND tỉnh Quảng Nam về tình hình các chủ tàu khai thác mực xà không tiêu thụ được sản phẩm.
Theo đó, hiện huyện Núi Thành có 61 chiếc tàu khai thác mực xà (trong đó có 28 chiếc thuộc dự án 67), hoạt động ở vùng biển khơi, giải quyết việc làm cho gần 2.000 lao động.
Bình quân mỗi tàu câu mực đánh bắt được khoảng 20 – 30 tấn mực khô/chuyến biển. Theo ông Thịnh, việc tiêu thụ sản phẩm mực khô của ngư dân chủ yếu thông qua việc thu mua của các tiểu thương và các tư thương xuất khẩu chính sang thị trường Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch là chính.
"Do chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch, với yêu cầu phải truy xuất nguồn gốc từ phía Trung Quốc nên mực xà không xuất bán được", ông Thịnh cho biết.
930 tấn mực khô của ngư dân Quảng Nam chưa tiêu thụ được vì Trung Quốc thay đổi phương thức nhập khẩu.
Thống kê cho thấy, sản lượng mực khô hiện nay tồn kho trên các tàu khoảng 800 tấn và kho của 03 tư thương thu mua mực khô xuất bán sang Trung Quốc tồn kho khoảng 130 tấn. Tổng sản lượng mực khô trên địa bàn huyện Núi Thành hiện nay chưa tiêu thụ được khoảng 930 tấn.
"Trước đây, giá mực khô dao động trong khoảng 120.000 đồng đến 160.000 đồng/kg, nay các chủ tàu phải hạ giá thấp hơn nhưng vẫn không có thương lái nào mua", ông Thịnh cho hay.
Ông Thịnh cho biết, do không tiêu thụ được mực khô nên ngư dân không đủ nguồn kinh phí để chi phí đi biển lại, nhiều tàu khai thác mực xà phải nằm bờ.
"Nếu tình trạng này tiếp diễn thì chắc đội tàu khai thác mực xà không thể ra khơi đánh bắt được, đời sống hàng ngàn hộ gia đình ngư dân sẽ gặp khó khăn", ông Thịnh chia sẻ.
Sản lượng mực khô hiện nay tồn kho trên các tàu khoảng 800 tấn.
Trước tình hình trên, UBND huyện Núi Thành đề xuất một số giải pháp như: UBND tỉnh Quảng Nam, các bộ, ngành Trung ương có hướng dẫn cụ thể về đánh giá, công nhận chất lượng và có giải pháp can thiệp để sản phẩm mực khô được xuất khẩu ổn định.
Chính phủ có chính sách hỗ trợ cụ thể cho ngư dân trong giai đoạn thay đổi cơ chế, tiêu chí đánh giá chất lượng sản phẩm mực khô xuất khẩu, hiện nay ngư dân không theo kịp yêu cầu.
"Đơn giản hóa thủ tục để ngư dân dễ tiếp cận chính sách ưu đãi của Nhà nước theo Nghị định 67/NĐ-CP trong việc được hưởng kinh phí bảo dưỡng tàu định kỳ, thủ tục hiện nay quá khó khăn, các chủ dự án 67 không thực hiện được", báo cáo của UBND huyện Núi Thành nêu.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Nam, cho biết hiện tỉnh Quảng Nam đang làm văn bản gửi Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương và kêu gọi doanh nghiệp hai nước gặp nhau để sớm ký kết việc xuất khẩu mực theo cơ chế mới.