(Tổ Quốc) -Khi quà biếu nhuốm màu của “bôi trơn”, của “hoa hồng”, của lợi ích nhóm thì quà biếu đã trở nên biến tướng và lệch lạc.
- 07.09.2017 Xử lý 12 dự án “đắp chiếu”: Đại biểu Quốc hội đặt niềm tin vào những giải pháp, sự chỉ đạo quyết liệt và dứt điểm của Chính phủ
- 30.08.2017 Mỗi người dân không nghe, không xem, không vào hùa với thông tin xấu độc trên internet
- 28.08.2017 Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Đại sứ Cuba: Đập tan tin đồn xuyên tạc, bịa đặt
- 30.08.2017 Đường lên đỉnh Olympia hay đường chinh phục sang… Australia?
- 03.09.2017 Dấn thân vào thảm họa âm nhạc để nổi tiếng, sự rẻ rúng đáng sợ
Quà tặng, quà biếu vốn là việc làm tốt đẹp thể hiện thành ý của người tặng quà đối với những người mình biết ơn và có tình cảm thân thiết, quý trọng. Tuy nhiên, điều đáng lên án, phê phán và đang bị toàn xã hội chống lại đó chính là tình trạng lợi dụng quà biếu để đạt một mục đích nào đó có lợi cho bản thân.
Mới đây, thông tin một ngân hàng hằng năm chuẩn bị quà biếu thông lệ từ 5 triệu đến 200 triệu đồng với tổng mức chi lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng cho đối tác và cấp trên đang gây xôn xao dư luận. Câu chuyện về quà biếu hay hối lộ lại được râm ran bàn tán.
Việc cho-tặng sẽ không có vấn đề gì nếu như nguồn tiền đó trong sạch và mục đích của việc biếu quà là trong sáng. Tuy nhiên, khó ai có thể tin được một món quà trị giá vài trăm triệu, vài tỷ đồng, một ngôi nhà, hay biệt thự lại là một món quà “vô tư”, “trong sáng” và không có mục đích. Điều gì khiến người ta tặng quà giá trị cao như vậy? Phải chăng đó là quyền lợi phía sau? Phải chăng đó là “điều kiện ngầm”? Phải chăng đó là nhóm lợi ích?... Những câu hỏi đó sẽ có kết quả cuối cùng khi các cơ quan chức năng tuyên bố công khai trước nhân dân. Những biểu hiện đó cũng đã được chỉ rõ trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ với 27 biểu hiện cụ thể.
Việc tặng quà sai mục đích đáng báo động ngay khi Trung ương đã ra Chỉ thị, quy định về việc biếu quà Tết nhằm ngăn chặn các hình thức biến tướng, lợi dụng quà tặng để biếu xén, hối lộ, chạy chức, chạy quyền…
Việc thực hiện được khẳng định là rất nghiêm túc ở tất cả các cấp, các ngành, thế nhưng, những giỏ quà Tết trị giá hàng chục triệu đồng, những gốc đào, cây thế cả trăm triệu, rượu ngoại đắt tiền, các loại đặc sản quý hiếm dùng để biếu tặng vẫn ngày càng bán chạy mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Trong những ngày vui của các ngành, cơ quan, đơn vị, dù nhiều nơi đăng thông tin rộng rãi (Không nhận hoa, quà biếu) nhưng lượng hoa và quà vẫn tràn ngập từ cổng vào phòng. Trong số đó, cũng sẽ không loại trừ những cá nhân, tập thể tặng hoa, biếu quà với mục đích khác ngoài việc chúc mừng. Dân gian từng có câu “tốt lễ, dễ nói”, từ những món quà đắt giá, nhiều người tính đến chuyện “chạy” chức, “chạy” dự án. Và cứ thế, những người có ý định “chạy chọt”, hối lộ coi việc biếu quà là một khoản đầu tư, họ sử dụng tiền cá nhân, tiền doanh nghiệp để mua hoặc tặng quà hối lộ. Khi đã đạt được mục đích, người ta lại tìm cách để thu hồi “vốn” bằng nhiều cách khác nhau và kéo theo nhiều sai lầm, sai phạm khác.
Vấn đề khó khăn ở chỗ, việc hỏi thăm và tặng quà cho nhau là để biểu lộ mối ân tình. Quà nhiều khi là có đi có lại, người ta tặng mình quà này, mình tặng người ta món khác. Biếu quà nhau là điều bình thường, cho nên không thể cấm được trong xã hội. Vấn đề ở chỗ, cần xác định ranh giới giữa quà biếu và hối lộ để có thể đưa ra những khung hình phạt đúng mức. Phải quy định đến bao nhiêu thì xem là quà, bao nhiêu là hối lộ. Cấm biếu quà hay là cấm biếu quà để chạy chọt, mua bán quyền chức. Với cách biếu quà lên đến hàng trăm triệu đồng, hàng tỷ đồng như hiện nay thì cái vòng “biếu quà - hối lộ - tham nhũng” sẽ không biết đến bao giờ mới dừng lại được.
Nếu không quy định rõ bao nhiêu là hối lộ thì các cơ quan phòng, chống tham nhũng cũng khó xử lý người hối lộ lẫn người nhận hối lộ. Bởi lẽ, rất khó phân biệt rạch ròi giữa quà và hối lộ. Chỉ có người trong cuộc, tức là người tặng quà và người nhận quà mới có thể biết được gói quà đó có giá trị như thế nào và có hàm ý gì. Trong khi đó, quà tặng và việc tặng quà ngày càng tinh vi khiến việc giám sát càng trở nên khó phát hiện hơn.
Nói về việc tặng quà, các cụ ta xưa cũng đã có câu “của cho không bằng cách cho”. Có khi chỉ là đồng quà, tấm bánh chân chất cũng đã thể hiện được tấm chân tình với người mình quan tâm và biết ơn. Trên phương diện tình cảm, chưa chắc những món quà đắt giá xa xỉ đã có thể “mua” được tình cảm của nhau. Tuy nhiên, khi quà biếu nhuốm màu của “bôi trơn”, của “hoa hồng”, của lợi ích nhóm thì quà biếu đã trở nên biến tướng và lệch lạc.
Thiết nghĩ, quà biếu biến tướng chỉ thuyên giảm khi vấn nạn tham nhũng, nạn chạy chức, chạy quyền, chạy dự án bị đẩy lùi. Chừng nào còn cơ chế xin - cho, còn ban được chức tước, bổng lộc, còn tâm lý chuộng chức quyền trong xã hội, chừng đó khó mà dẹp được tặng quà biến tướng - mà bản chất của nó chính là hối lộ. Đây cũng là lý do vì sao năm nào cũng có chỉ thị, chỉ đạo nghiêm cấm việc tặng quà không đúng quy định nhưng xem chừng không thuyên giảm thậm chí nó còn trở thành cái lệ. Nguyên nhân do đâu rất cần được các cơ quan chức năng tìm câu trả lời để có cơ chế kiểm soát tốt hơn trong thời gian tới.
Song Nguyễn