• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Quan điểm "không có vùng cấm", "không có ngoại lệ" trong xử lý cán bộ sai phạm vừa qua được thể hiện rất rõ

Thời sự 01/02/2024 20:38

(Tổ Quốc) - Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên cho biết, quan điểm "không có vùng cấm", "không có ngoại lệ" trong xử lý cán bộ sai phạm vừa qua được thể hiện rất rõ. Quá trình xử lý không chịu sự chi phối của bất kỳ cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào.

Quan điểm "không có vùng cấm", "không có ngoại lệ" trong xử lý cán bộ sai phạm vừa qua được thể hiện rất rõ - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi họp báo.

Chiều 1/2, Ban Nội chính Trung ương đã tổ chức thông báo kết quả phiên họp thứ 25 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo).

Tại buổi họp báo, đề cập công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, tiêu cực thời gian qua, ông Nguyễn Văn Yên - Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết, quan điểm của Tổng Bí thư nói riêng và của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực nói chung là xử lý nghiêm minh, nhân văn, nhân đạo, đúng người, đúng tội. 

Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh, nghiêm minh không có nghĩa là quá nặng mà đảm bảo đúng bản chất của vi phạm; nghiêm minh là công khai, minh bạch, không có vùng cấm, không có án bỏ túi. 

"Tất cả các khâu từ phát hiện, điều tra, xử lý vi phạm, truy tố, xét xử, thi hành án đều thực hiện theo đúng quy định của pháp luật để các đối tượng vi phạm thấy được sai phạm và lỗi lầm của mình" - ông Nguyễn Văn Yên cho hay.

Cũng theo Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, tất cả các vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn khi đưa ra xét xử, khi nói lời sau cùng, các bị cáo, kể cả bị cáo từng có chức vụ cao, đều bày tỏ sự ăn năn, hối cải, nhận thức được vị phạm của mình và xin chịu tội. 

Đặc biệt, nhiều người gửi lời xin lỗi tới Đảng, Nhà nước và nhân dân, xin lỗi cả những bị can khác vì mình mà phải chịu tội. Từ đó cho thấy, chủ trương xử lý của chúng ta là đúng người, đúng tội.

Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết thêm, quan điểm "không có vùng cấm", "không có ngoại lệ" trong xử lý cán bộ sai phạm vừa qua được thể hiện rất rõ. Quá trình xử lý không chịu sự chi phối của bất kỳ cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào. 

Đáng chú ý, thời gian qua, vai trò của Kiểm toán nhà nước thể hiện rõ rệt, phát hiện rất nhiều vụ việc nghiêm trọng. Công tác phối hợp trong phát hiện rất nhuần nhuyễn, chặt chẽ, nhịp nhàng, từ kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử…như một "cỗ máy hoàn hảo", hoạt động ăn khớp, rất nhanh chóng, kịp thời.

Ông Nguyễn Văn Yên cũng đặc biệt nhấn mạnh đến chủ trương phân hóa sai phạm trong vụ Việt Á. Những người vì nhiệm vụ chung, vì chống dịch, cứu người, thực hiện chỉ đạo của cấp trên, không vụ lợi,... đã được xem xét miễn trách nhiệm hình sự. Đó là chính là tính nhân văn của Đảng. Hay như vụ án liên quan đăng kiểm, dù là vụ án tham nhũng vặt nhưng rất nhức nhối, gần 1000 con người liên quan. 

Tuy nhiên, Ban chỉ đạo đã đưa ra chủ trương nghiên cứu để hình thành tiêu chí phân loại. Hàng loạt vụ án khác, kể cả Vạn Thịnh Phát, FLC…cũng sẽ thực hiện chủ trương phân hóa sai phạm. Riêng các đối tượng liên quan vụ Vạn Thịnh Phát là hơn 1000 người. 

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho hay, những người chỉ thực thi nhiệm vụ theo chỉ đạo mà gây thất thoát thì trách nhiệm bồi hoàn thuộc về người chủ mưu, người cầm đầu và không xem xét những người lệ thuộc, giữ vai trò thứ yếu.

Cũng tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi: Chúng ta hoàn thiện thể chế, ban hành rất nhiều quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước như vậy, vì sao số cán bộ bị xử lý ngày càng tăng lên. Phải chăng cán bộ không biết sợ? - ông Đặng Văn Dũng - Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương khẳng định: "Cán bộ đã biết sợ". 

"Sở dĩ số lượng cán bộ bị xử lý tăng lên là do sai phạm diễn ra từ lâu và khi chúng ta làm kiên quyết, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương thì số lượng cán bộ sai phạm bị phát hiện và xử lý tăng lên. 2/3 số bị xử lý là từ các nhiệm kỳ trước" -  ông Đặng Văn Dũng cho hay.

Được biết, trong năm 2024, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực sẽ tập trung vào 7 nhiệm vụ, trong đó có việc ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả Quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới; Tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội và phòng chống tham nhũng, tiêu cực; Sơ kết 5 năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng năm 2018 và sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 27 CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực./.

Bảo Trân

NỔI BẬT TRANG CHỦ