(Tổ Quốc) - Ninh Bình khai giảng khóa đào tạo giảng viên nguồn về hướng dẫn viên di sản; Triển khai thực hiện quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 trong lĩnh vực du lịch tại Hải Phòng; 400 gian hàng tham gia Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2020 là những thông tin du lịch nổi bật tại một số tỉnh Đồng bằng sông Hồng.
Hà Nội: Sáng 9/7, Hiệp hội Du lịch Việt Nam thông tin về việc tổ chức Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2020 (Hội chợ VITM Hà Nội 2020).
Với chủ đề "Du lịch Việt Nam hướng tới tương lai", Hội chợ VITM Hà Nội 2020 dự kiến diễn ra từ ngày 12 đến 15/8 tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt – Xô.
Hội chợ VITM Hà Nội 2020 được tổ chức nhằm khắc phục hậu quả do đại dịch Covid-19, đồng thời tạo cơ hội cho các địa phương, tổ chức và doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm và phát triển quan hệ kinh doanh, thúc đẩy phát triển các loại hình du lịch.
Dự kiến, khoảng 400 gian hàng tham gia hội chợ. Đến ngày 9/7, Hội chợ đã có sự tham gia của các doanh nghiệp, cơ quan quản lý, xúc tiến du lịch từ 54 tỉnh, thành trong cả nước và từ 10 quốc gia, vùng lãnh thổ. Hiện tại, hơn 500 doanh nghiệp đã đăng ký.
Tại hội chợ, các đơn vị sẽ tham gia một số hoạt động nổi bật, gồm: Trao đổi, hỗ trợ thông tin (B2B); giới thiệu điểm đến, giới thiệu các sản phẩm du lịch và dịch vụ của các quốc gia, vùng lãnh thổ, doanh nghiệp du lịch; tổ chức các hội nghị liên kết xây dựng sản phẩm du lịch giữa các địa phương, doanh nghiệp trong và ngoài nước...
Bên cạnh đó, hội chợ còn có các hoạt động bên lề quan trọng, như: Diễn đàn quốc gia "Du lịch Việt Nam thay đổi để phát triển"; Diễn đàn Xúc tiến du lịch ACMEC đến các thị trường Đông Bắc Á; Lễ vinh danh các doanh nghiệp và cá nhân tiêu biểu của Hiệp hội Du lịch Việt Nam năm 2019 (VITA Awards); tổ chức giải VITM Marathon (online); Liên hoan Tiểu phẩm sinh viên du lịch lần thứ II; trình diễn nghệ thuật truyền thống quốc tế và Việt Nam - sản phẩm du lịch văn hóa.
Hải Phòng: Sở Du lịch vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 trong lĩnh vực du lịch tại Hải Phòng nhằm triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Trong kế hoạch tập trung một số nội dung như tuyên truyền, nâng cao nhận thức về quản lý rác thải nhựa đại dương đến cán bộ, công chức cơ quan, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn thành phố. Đồng thời tăng cường sự tham gia của cộng đồng dân cư và du khách trong việc thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý rác thải từ sản phẩm nhựa. Ngăn ngừa việc xả rác thải nhựa từ các hoạt động dịch vụ du lịch để bảo vệ môi trường sinh thái bền vững, an toàn và thân thiện.
Theo kế hoạch, phấn đấu đến năm 2025, 80% các khu, điểm du lịch và cơ sở kinh doanh lưu trú, dịch vụ du lịch ven biển trên địa bàn thành phố không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon. Đến năm 2030, các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon sẽ không được sử dụng tại 100% các khu, điểm du lịch, dịch vụ trên.
Để thực hiện mục tiêu trên, Sở Du lịch đưa ra nhiều biện pháp để triển khai thực hiện, đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Cụ thể, trong giai đoạn 2021 - 2022, Sở thực hiện thí điểm mô hình quản lý, giảm thiểu, tiến tới không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy tại khu du lịch Cát Bà và Đồ Sơn. Lắp đặt các tấm pano có nội dung tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa tại các khu, điểm du lịch và các cơ sở lưu trú phục vụ du khách.
Bên cạnh đó, khuyến khích các hình thức sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường tại các khu, điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn tại Hải Phòng. Đồng thời, lồng ghép việc thanh tra, kiểm tra các hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch, khu du lịch với việc chấp hành cam kết giảm thiểu sử dụng và phòng chống rác thải nhựa tại cơ sở.
Ninh Bình: Sở Du lịch Ninh Bình vừa tổ chức khai giảng khóa đào tạo giảng viên nguồn về hướng dẫn viên di sản.
Các khu di sản thế giới của Việt Nam nói chung và Danh thắng Tràng An nói riêng đã và đang trở thành những điểm đến du lịch hấp dẫn trong những năm gần đây, đóng góp đáng kể vào sự phát triển du lịch cũng như phát triển kinh tế xã hội của địa phương và Việt Nam. Tuy nhiên, các khung diễn giải và thuyết minh di sản cũng như kỹ năng hướng dẫn khách tham quan đối với các điểm du lịch di sản hiện đang thiếu nhất quán, chưa phổ biến và chưa tương xứng với ý nghĩa của các giá trị nổi bật toàn cầu đã được nhận diện và tôn vinh.
Khóa đào tạo diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tác động mạnh và sâu sắc tới mọi lĩnh vực, đặc biệt là du lịch và đòi hỏi ngành du lịch Việt Nam cần có những biện pháp ngắn hạn mới. Trong đó, du lịch di sản chất lượng cao, du lịch trách nhiệm với các nhóm khách nhỏ, có yêu cầu cao về thụ hưởng các giá trị kiến thức khoa học - văn hóa - xã hội trong hành trình du lịch sẽ là một hướng đi vững chắc và bền vững.
Qua Khóa đào tạo nhằm tăng cường năng lực chuyên môn của bộ phận hướng dẫn viên tại các điểm, khu di sản thế giới tại Việt Nam. Khóa đào tạo còn hướng đến việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch bền vững; nâng cao nhận thức chung của các cơ quan quản lý địa phương và cộng đồng nhằm thúc đẩy du lịch bền vững và du lịch có trách nhiệm trong các khu di sản.
Tham gia khóa đào tạo, các học viên sẽ trang bị kiến thức, có những hiểu biết toàn diện về di sản thế giới cũng như các kỹ năng về thuyết minh, hướng dẫn di sản, nhằm đảm nhận vai trò giảng viên nguồn - là người sau này sẽ truyền đạt cho các nhóm cộng đồng tại địa phương.
Khóa học cũng dành thời lượng thực hành chuyên đề hướng dẫn viên về Di sản Văn hóa, Thiên nhiên Thế giới Tràng An, nhằm nâng cao năng lực nghiệp vụ, góp phần quảng bá, gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị nổi bật toàn cầu của di sản.
Khóa học nằm trong khuôn khổ dự án "Nâng cao chất lượng du lịch di sản tại Quần thể Danh thắng Tràng An", là một chương trình hợp tác giữa UNESCO và UBND tỉnh Ninh Bình, với sự tham gia của doanh nghiệp và cộng đồng tại địa phương, nhằm thu hút khối tư nhân tham gia thực hiện và thúc đẩy du lịch bền vững và có trách nhiệm ở Việt Nam.