(Tổ Quốc) - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị trong thời gian tới, các cơ quan bám sát kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 và Nghị quyết chất vấn của Quốc hội, có sự quan tâm nghiên cứu để thực hiện chủ trương xây dựng chương trình mục tiêu về văn hóa.
Quan tâm làm rõ vấn đề năng lực cạnh tranh du lịch của Việt Nam
Tiếp tục chương trình Phiên họp 16, ngày 11/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về: Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Thẩm tra đánh giá thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trong thời gian qua, nước ta đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, nhiều thách thức lớn hơn so với dự báo.
Bên cạnh kết quả đạt được, Ủy ban Kinh tế đề nghị quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề như: Tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm, nhất là Quý III cao song không nên chủ quan vì nền tăng trưởng cùng kỳ thấp; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội thấp hơn so với mục tiêu; Triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế; các gói hỗ trợ thực hiện còn chậm, gói hỗ trợ lãi suất qua hệ thống ngân hàng thương mại có tỷ lệ giải ngân rất thấp; Tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển tiếp tục chậm; Xuất khẩu có dấu hiệu chậm lại; Việc triển khai quy hoạch, nhất là công tác lập các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 còn chậm.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, một số vấn đề khác cần được quan tâm, báo cáo làm rõ như về năng lực cạnh tranh du lịch của Việt Nam, số lượng khách du lịch quốc tế vào Việt Nam chưa được như kỳ vọng, khó đạt được mục tiêu đề ra; việc đấu thầu mua sắm tài sản công gây thiệt hại nguồn vốn NSNN; kết quả thực hiện các kiến nghị, kết luận thanh tra, kiểm toán nhà nước; những chuyển biến trong việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy.
Nghiên cứu để thực hiện chủ trương xây dựng chương trình mục tiêu về văn hóa
Phát biểu mở đầu nội dung thảo luận về các báo cáo của Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ tập trung cho ý kiến về phát triển nông nghiệp, công nghiệp, cơ cấu là nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; chất lượng nguồn nhân lực, lao động, việc làm; thực hiện các chính sách văn hóa, giáo dục, y tế, đảm bảo an ninh, an sinh xã hội; đấu tranh chống phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh quốc phòng...
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng các báo cáo đã có sự cân nhắc, kịp thời cập nhất các kết quả, nhận định, đánh giá. Liên quan đến lĩnh vực văn hóa được đánh giá tương đối toàn diện về kết quả và tồn tại, hạn chế. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục đề nghị cần quan tâm hơn đến các giải pháp cho văn hóa, thông tin tuyên truyền, khoa học công nghệ, thanh niên, trẻ em.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, trong lĩnh vực Ủy ban phụ trách thì vấn đề giải ngân là tồn tại lớn nhất, giải ngân trong lĩnh vực văn hóa xã hội rất thấp do công tác chuẩn bị đầu tư chưa tốt dẫn đến quy trình thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư chậm từ đó ảnh hưởng đến tổ chức, triển khai dự án. Vì vậy trong thời gian tới, các cơ quan bám sát kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 và Nghị quyết chất vấn của Quốc hội, có sự quan tâm nghiên cứu để thực hiện chủ trương xây dựng chương trình mục tiêu về văn hóa.
Phát biểu thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, cần tiếp tục kiên trì lấy mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững để làm căn cứ đưa ra định hướng chính sách, không vì mục tiêu tăng trưởng trước mắt mà hy sinh ổn định kinh tế vĩ mô. Vì ổn định kinh tế vĩ mô là nền tảng cho tăng trưởng trong dài hạn.
"Đề nghị đẩy mạnh hơn việc thực hiện chiến lược tổng thể ngành du lịch Việt Nam, việc khai thác trở lại lĩnh vực du lịch sẽ kích thích các ngành dịch vụ, tiêu dùng và các lĩnh vực liên quan, qua đó tăng GDP của cả nước" - Trưởng Ban Công tác đại biểu nhấn mạnh.
Có giải pháp với tình trạng giá xăng giảm mạnh nhưng giá các mặt hàng thiết yếu chưa giảm
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, báo cáo của Chính phủ cần làm rõ hơn về một số vấn đề còn khó khăn, tồn tại cũng như một số vấn đề cần thực hiện, giải quyết.
Ví dụ như Quốc hội cần đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do Quốc hội ban hành; chương trình Mục tiêu quốc gia vẫn còn triển khai chậm; tình trạng cháy nổ nghiêm trọng; một số vấn đề lớn liên quan đến thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; tình trạng nghỉ việc trong công chức, viên chức có dấu hiệu cảnh báo… Đó là những vấn đề người dân hết sức quan tâm nên cần được đưa vào trong Báo cáo của Chính phủ.
Đồng tình với báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng bức tranh kinh tế - xã hội 9 tháng và dự kiến cả năm có diện mạo khởi sắc, toàn diện, cơ bản các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt dự kiến.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Chính phủ có giải pháp với tình trạng lừa đảo, môi giới lao động bất hợp pháp ra nước ngoài; tình trạng giá xăng giảm mạnh nhưng giá các mặt hàng thiết yếu chưa giảm như dự kiến; công tác rà soát, kiểm tra đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy; cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, chuyển sang khu vực tư nhân; tình trạng sử dụng, mua bán chất ma túy.
Hướng tới năm 2023, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Chính phủ cần bám sát tình hình thực tế, chú trọng công tác dự báo, sẵn sàng cho những biến động kinh tế, chính trị, thiên nhiên để có khả năng phản ứng kịp thời, đưa ra các giải pháp phù hợp cho các vấn đề phát sinh./.