(Tổ Quốc) - Viết thư tay là một trong những cách giao tiếp đẹp đẽ nhất giữa con người với con người. "Một thế kỷ thư tay – Thanh xuân xa nhớ " là một hành trình đầy cảm xúc về những lá thư tay trải dài theo lịch sử, chở theo bao nhiêu thương nhớ từ cả người nhận lẫn người gửi. Quán thanh xuân tháng 10 cùng bạn tìm lại ký ức đẹp đẽ ấy.
- 06.06.2019 Ký túc xá- Nhà của thời thanh xuân
Ngày nay, cùng với sự phát triển mạnh của công nghệ và những dịch vụ đa phương tiện, có vẻ như những lá thư viết bằng tay đã trở nên quá xa xăm. Người thời nay liên lạc qua email, tin nhắn… mấy ai còn cặm cụi ngồi biên thư tay. Thế nhưng, nếu có duyên được đọc lá thư ba mẹ hay ông bà bạn viết cho nhau hẳn bạn sẽ đồng ý rằng, thư tay khiến bạn có cảm giác hồi hộp và giàu cảm xúc hơn rất nhiều. Bạn cảm nhận được con chữ trên trang giấy và tình cảm của người gửi tới mình… Nó là thứ cảm xúc vô hình, nhưng có thể cảm được rất dễ dàng. Điều đó giải thích vì sao mà có những bức thư được trân trọng giữ gìn qua hàng thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ. Và vì thế Quán thanh xuân mới có chất liệu để xây dựng chương trình Một thế kỷ thư tay – Thanh xuân xa nhớ.
Những câu chuyện về lá thư tay gắn với thanh xuân của các nghệ sĩ, người nổi tiếng sẽ được bật mí trong Quán thanh xuân tháng 10
Vì hoàn cảnh đặc biệt, đất nước ta đã trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh; dẫn đến bao nhiêu người, bao nhiêu gia đình phải xa cách… và chỉ có những cánh thư tay là giúp nối dài những thương nhớ .Trong thời chiến, thư tay đã kết nối hàng triệu con người, là niềm tin để đi qua gian khó, là hy vọng để chờ đợi tương lai. Ngoài tâm trạng xa cách thường thấy ở trong bất kỳ thư nào, những lá thư thời chiến còn chứa đựng những bi thương, hào hùng của một thời.
Trong chương trình Quán thanh xuân tháng 10, những khách mời nổi tiếng gồm: nhà văn Đặng Vương Hưng; Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha; nhà thơ Hữu Việt; NSƯT Minh Vượng… sẽ chia sẻ những câu chuyện đặc biệt của mình với những cánh thư tay.
Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha
Với nhà văn Đặng Vương Hưng là ký ức về những lá thư đặc biệt trong hơn 300 bức thư đã được anh tập hợp và biên soạn trong cuốn "Những lá thư thời chiến Việt Nam". Cong nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha kể rằng: Trong thời chiến, ai cũng là một người quân bưu. Lính thả thư ở ga nhờ người dân chuyển đi, có những người quân bưu hy sinh trên đường giao liên, sẽ có người khác lại vác giỏ thư ấy đi tiếp. Một người ở chiến trường nhận được thư, niềm vui sẽ được nhân lên theo cấp … tiểu đoàn. Thư tình được đọc ở dưới chiến hào. Mỗi lá thư tình là phao cứu sinh, là niềm hy vọng cho mỗi người lính. Nhạc sĩ cũng chia sẻ câu chuyện riêng tư về mối tình đầu rất đẹp thời đi học ở Hải Phòng.
NSƯT Minh Vượng
Ông lưu giữ không sót một lá thư nào mà người yêu viết gửi vào mặt trận. Đó là tình cảm chân thành, sự quyết tâm chờ đợi ngày chiến thắng trở về đoàn viên của một người con gái có người yêu đang đối diện với sinh tử. Mối tình đầu của ông về sau đi lấy chồng vì nhận tin ông hy sinh ở Quảng Trị năm 1973. Điều đặc biệt là người vợ của nhạc sĩ không bao giờ ghen tuông mà còn cất giữ, bảo quản cẩn thận những lá thư tình đó. Nhạc sĩ luôn cảm ơn cuộc đời đã cho mình tình đầu tuyệt đẹp và tình cuối sắt son để làm thơ, làm nhạc. Những lá thư tình yêu cũng được tiếp nối với thế hệ sau thời chiến như ca sĩ Tùng Dương; cặp đôi đạo diễn Khải Anh, Đan Lê…
Quán thanh xuân tháng 10, sẽ truyền hình trực tiếp lúc 20h35 Chủ nhật ngày 6/10/2019 trên kênh VTV1.