(Tổ Quốc) - Trưng bày chuyên đề "Di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Nam Đông" được tổ chức gắn liền với thông điệp về bảo tồn di sản văn hóa; góp phần nâng cao nhận thức về truyền thống lịch sử, văn hóa, xã hội và quá trình phát triển của vùng đất Thừa Thiên Huế nói chung, của huyện Nam Đông nói riêng.
Ngày 28/9, Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Phòng VHTT huyện Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã tổ chức trưng bày chuyên đề: "Di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Nam Đông" và bàn giao Trang thiết bị cho nhà văn hóa thôn, bản trên địa bàn huyện Nam Đông.
Nam Đông là huyện miền núi của tỉnh Thừa Thiên Huế, nơi đây lưu giữ nhiều di tích lịch sử văn hóa, cách mạng tiêu biểu, có hệ thống tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú cùng nhiều giá trị văn hóa độc đáo. Vùng đất này là nơi hội tụ nhiều sắc màu văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số như: Cơ Tu, Tà Ôi, Pa Cô, Pa Hy… tạo nên bức tranh văn hóa đa dạng về phong tục tập quán, sinh hoạt hàng ngày của các đồng bào dân tộc thiểu số được gìn giữ và phát huy qua nhiều thế hệ.
Trưng bày chuyên đề "Di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Nam Đông" được tổ chức gắn liền với thông điệp về bảo tồn di sản văn hóa; góp phần nâng cao nhận thức về truyền thống lịch sử, văn hóa, xã hội và quá trình phát triển của vùng đất Thừa Thiên Huế nói chung, của huyện Nam Đông nói riêng. Từ đó tăng cường sự hiểu biết, ý thức tôn trọng, giữ gìn về vị trí, vai trò, ý nghĩa giá trị tinh hoa các di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số sáng tạo ra trong tiến trình phát triển xã hội.
Cụ thể, tại trưng bày chuyên đề đã giới thiệu đến công chúng với hơn 100 hình ảnh, 80 hiện vật tiêu biểu tập trung trong 3 chủ đề chính: Thiên nhiên và con người huyện Nam Đông; Di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Nam Đông; Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Nam Đông.
Theo Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế, trưng bày chuyên đề này có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần giới thiệu, quảng bá những giá trị di sản văn hoá, đời sống tín ngưỡng, phong tục tập quán, hoạt động sản xuất, canh tác, lễ hội, trang phục, kiến trúc,… của đồng bào các dân tộc thiểu số trên bàn huyện Nam Đông.
Qua đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, tôn tạo các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, thúc đẩy các mô hình du lịch cộng đồng, làm cho giá trị văn hóa của các đồng bào dân tộc thiểu số huyện Nam Đông thực sự trở thành động lực cho sự phát triển bền vững về kinh tế, văn hoá, xã hội.
Dịp này, bên cạnh hoạt động trưng bày, Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Phòng VHTT huyện Nam Đông tổ chức bàn giao các trang thiết bị văn hóa như: sách, giá sách, nhạc cụ, đạo cụ… phục vụ các hoạt động truyền dạy, bảo tồn và phát huy văn hóa phi vật thể cho các nhà văn hóa thôn, bản trên địa bàn huyện Nam Đông. Việc làm này sẽ giúp góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho các đồng bào dân tộc thiểu số huyện Nam Đông gắn liền với phát triển du lịch cộng đồng.
Ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với Phòng VHTT huyện Nam Đông tiếp tục đẩy mạnh công tác khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa các di sản văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm phục hồi các giá trị văn hóa truyền thống có nguy cơ mai một, lãng quên…; đề xuất các giải pháp về chính sách hỗ trợ đối với các nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, đào tạo, truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể cho thế hệ kế cận… của các đồng bào dân tộc thiểu số huyện Nam Đông.
Thông qua các hoạt động này nhằm thực hiện hiệu quả các nội dung thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung và trên địa bàn huyện Nam Đông nói riêng.