• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Quảng Bình: Du khách thập phương đến với lễ hội "Hoành Sơn Thánh Mẫu"

Văn hoá 11/04/2024 14:43

(Tổ Quốc) - Người dân huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) có câu ca rằng "Tháng Tám giỗ Cha, tháng ba giỗ Mẹ", để tưởng nhớ công đức của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn có từ hàng nghìn năm nay của người Việt Nam nói chung, và người dân tỉnh Quảng Bình nói riêng. Nhiều du khách trong cả nước đã đến Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh trong dịp này không chỉ dâng hương thể hiện lòng cảm kích đối với Thánh Mẫu Liễu Hạnh, cầu mong một cuộc sống an yên, hạnh phúc.

Quảng Bình: Du khách thập phương đến với lễ hội "Hoành Sơn Thánh Mẫu" - Ảnh 1.

Toàn cảnh Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh trong đêm giỗ Mẫu

Trong tín ngưỡng dân gian của người Việt cũng như một số dân tộc anh em, việc tôn thờ nữ thần, thờ Mẫu là hiện tượng khá phổ biến và có căn nguyên lịch sử, xã hội sâu xa. Việc coi trọng phụ nữ, coi trọng vai trò người mẹ, người vợ ở nước ta là truyền thống tốt đẹp và có sức sống mãnh liệt của văn hóa dân gian - chính là cơ sở chính trị xã hội, cơ sở tinh thần và tâm linh, đã hình thành và phát triển tục thờ nữ thần. Tục thờ các bà mẹ, các mẫu có từ thời kì Văn Lang - Âu Lạc còn truyền lại cho đến ngày nay, chính là tục thờ Nữ thần của người Việt cổ.

Năm 2000, Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh được UBND tỉnh Quảng Bình xếp hạng di tích Lịch sử văn hóa, năm 2024 Lễ hội Giỗ Mẫu được đổi tên thành Lễ hội "Hoành Sơn Thánh Mẫu" và nâng cấp thành Lễ hội cấp huyện.

Tín ngưỡng thờ Mẫu vốn có từ lâu đời, ăn sâu vào tâm thức của nhân dân, có sức sống bền chặt trong văn hóa dân gian. Tục thờ mẫu có ở nhiều nơi và liên quan đến nhiều loại tín ngưỡng về đất, về nước, về núi rừng, về cây lúa, về xã hội... Nhân dân ta đã có sự khái quát hóa các tín ngưỡng đa dạng và phong phú của việc thờ các Mẫu theo hướng vươn lên của một thứ tôn giáo, do đó đã hình thành đạo Tam phủ - thờ ba vị Mẫu: trên trời có Mẫu Thiên phủ, ở núi rừng có nhạc phủ với Mẫu Thượng Ngàn, ở sông, biển có Thủy phủ với Mẫu Thoải (Thủy).

Quảng Bình: Du khách thập phương đến với lễ hội "Hoành Sơn Thánh Mẫu" - Ảnh 3.

Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh được xây dựng từ thời "Thiên Hiệu đời Hậu Lê (1557)

Mẫu Liễu Hạnh tục gọi là Chúa Liễu, gắn với yêu cầu của muôn mặt đời thường và do đó đã trở nên gần gũi, thân thiết hơn với quần chúng nhân dân. Vì vậy cứ đến tháng ba âm lịch hàng năm, các con dân trong vùng cũng như du khách thập phương khắp nơi đều về đây thắp nén hương thơm giỗ Mẹ, thể hiện lòng cảm kích đối với Thánh Mẫu Liễu Hạnh, cầu mong một cuộc sống an yên, hạnh phúc. Và ngày nay, Giỗ Mẹ đã trở thành một hoạt động lễ hội lớn của cả huyện Quảng Trạch nói riêng, tỉnh Quảng Bình và các tỉnh bạn lân cận nói chung.

Quảng Bình: Du khách thập phương đến với lễ hội "Hoành Sơn Thánh Mẫu" - Ảnh 4.

Cổng vào chính của Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh

Quảng Bình: Du khách thập phương đến với lễ hội "Hoành Sơn Thánh Mẫu" - Ảnh 5.

Hoạ tiết hoa văn được điêu khắc tinh xảo ở điện thờ chính tại Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh

Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh ở chân Đèo Ngang thuộc huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) là một trong những ngôi đền có bề dày giá trị lâu đời nhất trên vùng đất Quảng Trạch. Đền được xây dựng từ thời "Thiên Hiệu đời Hậu Lê (1557)", nằm ngay dưới chân Đèo ngang tọa lạc trên một khu đất bằng phẳng, phía sau Đền là dãy Hoành Sơn hùng vĩ. Đặc biệt hơn, Đèo Ngang một địa danh nổi tiếng, đã từng được biết đến qua thơ văn của nhiều thi nhân các thời.

Đèo Ngang xưa là nơi giao thoa của hai nền văn hóa cổ. Du khách khi đến với Quảng Bình, đi qua Đèo Ngang đều không quên dừng chân ghé lại thăm Đền. Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh được xem là một phần trong đời sống tâm linh của người dân Quảng Trạch. Đền còn lưu giữ được nhiều phong cách nghệ thuật, nét văn hóa rất riêng của thế hệ trước.

Quảng Bình: Du khách thập phương đến với lễ hội "Hoành Sơn Thánh Mẫu" - Ảnh 6.

Nhiều du khách thập phương đến với Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh trong đêm Giỗ Mẫu

Ông Trần Quang Trung, Phó chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch chia sẻ: Quảng Trạch có thể được xem là vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử, văn hoá, yêu nước và cách mạng. Chính những yếu tố đó đã để lại cho mảnh đất Quảng Trạch có nhiều di tích lịch sử, văn hóa và cách mạng. Hiện nay, địa bàn huyện hiện có 14 di tích được xếp hạng, bao gồm 3 di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia, 11 di tích xếp hạng cấp Tỉnh và nhiều di tích đang lập hồ sơ đề nghị Nhà nước xếp hạng, trong đó có nhiều di tích, danh thắng tiêu biểu, phong phú về nội dung, đa dạng về thể loại và đậm đà bản sắc riêng.

Đối với Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh, trải qua những biến cố lịch sử, chiến tranh và thiên tai, ngôi Đền bị hư hỏng nhiều. Đền mới được khôi phục lại vào những năm cuối thế kỷ 20. Thời gian qua, với sự quyết tâm của chính quyền, nhân dân địa phương và du khách thập phương đã xây dựng, trùng tu tôn tạo ngôi đền được khang trang, đẹp đẽ.

Quảng Bình: Du khách thập phương đến với lễ hội "Hoành Sơn Thánh Mẫu" - Ảnh 7.

Những tiết mục dân gian của người dân huyện Quảng Trạch biểu diễn trong đêm lễ hội Hoành Sơn Thánh Mẫu

Việc tổ chức Lễ hội Hoành Sơn Thánh Mẫu là dịp để du khách thập phương hành hương về với Quảng Trạch - vùng đất có truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng, với nhiều di tích, danh thắng làm say lòng người.

Chúng tôi mong muốn việc tổ chức lễ hội hàng năm không chỉ gìn giữ, bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, giáo dục tinh thần yêu nước, thương dân, tinh thần đoàn kết trong xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước mà hi vọng rằng toàn dân tiếp tục bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của các di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh hiện có trên địa bàn huyện để tiếp tục đầu tư, khai thác tiềm năng du lịch văn hóa ngày càng hiệu quả… ông Trung mong muốn.

Vĩnh Quý

NỔI BẬT TRANG CHỦ