• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Quảng Bình: Xây dựng thôn, bản, tổ dân phố văn hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế

Văn hoá 22/11/2023 16:15

(Tổ Quốc) - Phong trào xây dựng gia đình văn hóa; thôn, bản, tổ dân phố văn hóa trên địa bàn huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) đã tạo được những chuyển biến tích cực, ngày càng đi vào thực chất và có chiều sâu, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân đặc biệt là người dân ở vùng núi rẻo cao, vùng đồng bào dân tộc ở các xã Trường Sơn, Trường Xuân…

Xác định việc xây dựng gia đình văn hóa là một trong những nội dung quan trọng nên hàng năm huyện Quảng Ninh đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ gia đình tham gia đăng ký và phấn đấu thực hiện tốt các chỉ tiêu gia đình văn hóa. Ngoài ra, nhân dịp các ngày kỷ niệm như Ngày quốc tế hạnh phúc (20/3), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, các địa phương trên địa bàn huyện Quảng Ninh đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, có sức lan tỏa lớn, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò, vị trí của gia đình trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của quê hương, đất nước.

Quảng Bình: Đẩy mạnh phong trào xây dựng thôn, bản, tổ dân phố văn hóa - Ảnh 1.

Bảo tồn và phát triển lễ hội Trỉa ở xã Trường Sơn huyện Quảng Ninh

Phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã tạo được bước chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của người dân và trở thành một trong những phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp trên địa bàn huyện. Chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa ngày càng được nâng cao, các giá trị văn hóa truyền thống luôn được gìn giữ, phát huy và những chuẩn mực đạo đức của xã hội luôn được thể hiện trong đời sống cộng đồng. Chính sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự hưởng ứng tích cực của các gia đình mà tỷ lệ hộ gia đình văn hóa được tăng dần qua các năm.

Nếu như năm 2002, toàn huyện Quảng Ninh chỉ có 11.387 hộ đăng ký gia đình văn hóa và có 9.732 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ 48% thì cuối năm 2022 có 25.386/27.369 hộ đăng ký gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 92,8%. Kết quả cuối năm 2022 có 24.052/27.369 hộ được công nhận gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ 87,9%. Các gia đình văn hóa đã trở thành hạt nhân nồng cốt, tích cực, gương mẫu chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo vệ sinh môi trường…

Qua phong trào xây dựng gia đình văn hóa, nhiều gia đình đã trở thành tấm gương sáng, đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước; đồng thời xuất hiện nhiều gia đình tiêu biểu làm kinh tế giỏi, gia đình hiếu học, gia đình ấm no, hạnh phúc, ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Trên địa bàn huyện Quảng Ninh hiện có 21 câu lạc gia đình phát triển bền vững ở 3 xã, gồm xã Vĩnh Ninh, Võ Ninh, Gia Ninh.

Cùng với sự phát triển của phong trào xây dựng gia đình văn hóa thì phong trào xây dựng thôn, bản, tổ dân phố văn hóa đã được phát triển, nhân rộng trên địa bàn huyện Quảng Ninh và đã mang lại sức sống mới, diện mạo mới cho các bản làng, vùng quê. Điều đó được thể hiện rõ nét nhất là người dân đã luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng, các thiết chế văn hóa, thể thao; ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, tạo cơ sở vững chắc cho xây dựng nông thôn mới…

Đến nay, hệ thống thiết chế văn hóa ở huyện Quảng Ninh tiếp tục được củng cố và phát triển. Toàn huyện Quảng Ninh đã có 15 Trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã, thị trấn, đạt tỷ lệ 100% (trong đó có 13 Trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã, thị trấn đạt chuẩn theo tiêu chí của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); 14/15 xã, thị trấn có sân vận động, 112 nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố đã được xây dựng trên địa bàn, đạt tỷ lệ 100% và 12 nhà văn hóa xóm, 87 nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới, chiếm tỷ lệ trên 78%.

Quảng Bình: Đẩy mạnh phong trào xây dựng thôn, bản, tổ dân phố văn hóa - Ảnh 2.

Bản Dốc Mây

Bên cạnh đó, công tác bình xét, công nhận danh hiệu thôn, bản, tổ dân phố văn hóa được huyện Quảng Ninh triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Nếu như năm 2002, huyện Quảng Ninh có 63 thôn, bản, tổ dân phố đăng ký danh hiệu văn hóa và có 26 thôn, bản, tổ dân phố đạt văn hóa, chiếm 24,5% thì cuối năm 2022, toàn huyện Quảng Ninh có 101/112 thôn, bản, tổ dân phố đăng ký xây dựng "Thôn văn hóa", "Bản văn hóa", "Tổ dân phố văn hóa", đạt tỷ lệ 90,1%. Kết quả cuối năm 2022, huyện Quảng Ninh có 84/112 thôn, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa, chiếm tỷ lệ 75%, trong đó có 8 thôn đạt danh hiệu văn hóa 5 năm liên tục (2018 - 2022). Nhiều thôn, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa nhiều năm liền như: thôn Lương Yến, Tả Phan, Hà Thiệp, Văn La, tổ dân phố Hàm Hòa, Xuân Dục 4, bản Sắt…

Ngoài ra, người dân cũng tích cực thực hiện các hương ước, quy ước và nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, làm cho tình làng nghĩa xóm càng thêm gắn bó, xây dựng nếp sống văn minh, lành mạnh. Hiện nay, trên địa bàn huyện Quảng Ninh đã xây dựng và đưa vào thực hiện 112 hương ước, quy ước các thôn, bản, tổ dân phố. Trong năm 2022, toàn huyện Quảng Ninh có 30 hương ước, quy ước của các thôn, tổ dân phố đã được chỉnh sửa, bổ sung. Hầu hết các hương ước, quy ước đã bám sát đời sống, tình hình thực tế của từng địa phương, mang tính tự quản của cộng đồng.

Ông Đỗ Ngọc Sơn, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Quảng Ninh cho biết: Trong thời gian tới, huyện Quảng Ninh sẽ tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội và mỗi người dân về vai trò, ý nghĩa của phong trào xây dựng gia đình văn hóa; thôn, bản, tổ dân phố văn hóa. tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân; đồng thời tích cực tổ chức kiểm tra, giám sát; tăng cường công tác đánh giá theo định kỳ và biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân điển hình trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa; thôn, bản, tổ dân phố văn hóa, góp phần đưa phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" ngày càng lan tỏa sâu rộng, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Vĩnh Quý

NỔI BẬT TRANG CHỦ