• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Quảng Nam: Khẩn trương hoàn chỉnh Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử

Văn hoá 11/01/2019 07:29

(Tổ Quốc) - UBND tỉnh Quảng Nam vừa giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương hoàn chỉnh Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh trong tháng 1/2019.

Quảng Nam: Khẩn trương hoàn chỉnh Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử… - Ảnh 1.

Quảng Nam hiện có 04 di tích quốc gia đặc biệt, 61 di tích quốc gia và 314 di tích cấp tỉnh. Ảnh: TTXVN

Sau 03 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 161/2015/NQ-HĐND ngày 07/7/2015 của HĐND tỉnh về đầu tư tu bổ di tích quốc gia và di tích cấp tỉnh giai đoạn 2016 – 2020, toàn tỉnh Quảng Nam đã đầu tư tu bổ, tôn tạo 05 di tích cấp quốc gia, 40 di tích cấp tỉnh và dựng 55 bia di tích.

Kết quả trên đã tạo bước đột phá trong công tác quản lý, bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích, góp phần khắc phục tình trạng hư hỏng, xuống cấp của các di tích, nâng cao ý thức người dân trong công tác bảo vệ, gìn giữ di tích. Một số di tích sau khi tu bổ đã phát huy được giá trị, là điểm đến của du khách, là nơi giáo dục truyền thống lịch sử và điểm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của làng xã, cộng đồng dân cư, dòng tộc…

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 161/2015/NQ-HĐND vẫn còn tồn tại, hạn chế đó là: Một số di tích tuy rất cấp thiết nhưng chưa được triển khai đầu tư theo lộ trình; công tác phối hợp giữa ngành, địa phương và các cơ quan liên quan chưa được chặt chẽ, thường xuyên; việc lập hồ sơ, thủ tục xác lập quyền sử dụng đất của các di tích chưa quan tâm triển khai; công tác quản lý đầu tư (chủ đầu tư) chưa được phân cấp, phân công rõ ràng ở cấp tỉnh và cấp huyện, thị xã, thành phố…

Để công tác quản lý, bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới ngày càng hiệu quả, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Khẩn trương hoàn chỉnh Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh đảm bảo cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế, theo đúng các quy định hiện hành, trình UBND tỉnh xem xét, ban hành trong tháng 01/2019.

Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với các địa phương tổ chức khảo sát, rà soát kỹ tình hình thực tế của các di tích để đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh đưa ra khỏi danh mục di tích của Đề án và bổ sung vào danh mục các di tích bị xuống cấp nghiêm trọng cần đầu tư tu bổ trong thời gian tới. Đồng thời UBND tỉnh cũng yêu cầu kiểm tra, cân đối không làm phát sinh tăng tổng mức đầu tư của Đề án (80 tỷ đồng), trong đó: Thống nhất điều chỉnh từ hỗ trợ tu bổ di tích sang hỗ trợ dựng bia đối với các di tích: Núi chùa Quảng Phú (thành phố Tam Kỳ); Đồn Cao Lao và Căn cứ kháng chiến Huyện ủy Quế Tiên (huyện Hiệp Đức). Thống nhất bổ sung hỗ trợ tu bổ 01 di tích và dựng 02 nhà bia di tích quốc gia; đối với di tích cấp tỉnh hỗ trợ tu bổ 12 di tích và dựng 4 nhà bia.

Đặc biệt, kể từ ngày 15/02/2019, công tác quy hoạch, quản lý và tu bổ di tích thực hiện theo đúng Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25/12/2018 của Chính phủ về quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh (thay thế cho Nghị định 70 ngày 18/9/2012). Đối với các dự án đã phê duyệt trước ngày 15/02/2019, thì được tiếp tục thực hiện cho đến hết thời hạn quy định. Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các địa phương trong quá trình thực hiện; thường xuyên báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo chấn chỉnh kịp thời các sai phạm.

Ngoài ra, trên cơ sở kết quả thực hiện Đề án (điều chỉnh, bổ sung) giai đoạn 2016 - 2020, tình hình thực hiện của di tích và nguồn lực đầu tư trong những năm tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan và các địa phương nghiên cứu xây dựng Đề án đầu tư tu bổ di tích giai đoạn 2021 - 2025…

Minh Huyền

NỔI BẬT TRANG CHỦ