• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Quảng Ninh: 10 tháng có hơn 10.400 người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp

Thời sự 07/11/2020 18:24

(Tổ Quốc) - Theo ông Phạm Ngọc Khánh - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ninh, trong 10 tháng của năm 2020, trên địa bàn có hơn 10.400 hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 166% so với cùng kỳ.

Quảng Ninh: 10 tháng có hơn 10.400 người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp  - Ảnh 1.

Ông Phạm Ngọc Khánh - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ninh.

PV: Xin ông cho biết, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đối với người lao động trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh?

Ông Phạm Ngọc Khánh: Cũng như các địa phương trong cả nước, Quảng Ninh là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19. Do xuất hiện một số ca bệnh trên địa bàn nên nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động trong một thời gian khá dài, kéo theo đó là hàng ngàn người lao động cũng bị mất việc.  

Trong các năm từ 2017 đến 2019, Quảng Ninh chỉ có hơn 7.000 người/năm đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, chỉ tính riêng 10 tháng của năm 2020, tỉnh Quảng Ninh đã giải quyết, tiếp nhận hơn 10.400 người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 166% so với cùng kỳ. Những con số này đã phản ánh rất rõ ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đối với thị trường lao động trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

PV: Đến thời điểm này, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh COVID-19, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ninh đã có giải pháp gì để khôi phục lại thị trường lao động?

Ông Phạm Ngọc Khánh: Nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19 nên từ sau tháng 4/2020, thị trường lao động tại Quảng Ninh đã sôi động trở lại. Có thể thấy rằng, thị trường lao động đang hồi phục, các nhà đầu tư lớn đã và đang triển khai nhiều dự án tại Quảng Ninh. Gần đây nhất, Tập đoàn Thành Công đã khởi công, động thổ dự án lắp ráp, chế biến các phụ tùng ô tô tại Khu Công nghiệp Việt Hưng, các doanh nghiệp đang quay trở lại thị trường thu hút một lượng lớn lao động.

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, chúng tôi đã tập trung tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề cho người lao động để họ sớm quay trở lại lao động, ổn định cuộc sống.

Theo đó, Trung tâm đã triển khai các phiên giao dịch việc làm định kỳ tại các địa phương với tần suất 1 tháng 5 phiên. Ngoài ra, từ tháng 6 đến nay, chúng tôi cũng triển khai 10 Ngày hội việc làm đến tận cấp xã, 4 cuộc tư vấn định hướng trong khối trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên. Có thể nói, với Quảng Ninh, hiện nay nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp và tìm kiếm việc làm đã thực sự sôi động trở lại.

Quảng Ninh: 10 tháng có hơn 10.400 người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp  - Ảnh 2.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Ninh trả quyết định trợ cấp thất nghiệp cho lao động.

PV: Hiện nay, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đang lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 28/2015/TT- BLĐTBXH ngày 31/7/2015, từ thực tiễn triển khai tại địa phương, ông có đề xuất đóng góp ý kiến gì không?

Ông Phạm Ngọc Khánh: Phải khẳng định rằng, bảo hiểm thất nghiệp là một trong những chính sách mang tính nhân văn nhằm đảm bảo quyền, lợi ích của người lao động. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai ở địa phương chúng tôi nhận thấy một số bất cập.

Được biết, tháng 5/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 61 sửa đổi một số điều của Nghị định 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 hướng dẫn Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp. Hiện nay, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đang xin ý kiến đóng góp vào Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 28/2015/TT- BLĐTBXH ngày 31/7/2015.

Theo tôi, dự thảo lần này có những sự tiến bộ rất nhiều so với Thông tư 28 cũ và đã cụ thể hóa được các nội dung trong của Nghị định 61/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP. Chúng tôi hy vọng Thông tư mới thay thế sẽ hoàn thiện các chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động sẽ được vận hành một cách trơn tru nhất. Cán bộ hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm trong quá trình thực hiện sẽ được thuận lợi, giúp cho người lao động được thụ hưởng chính sách.

Đối với dự thảo này, chúng tôi sẽ đóng góp 3 vấn đề. Đầu tiên là thống nhất cách tính để bảo lưu cho người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp. Thứ 2 là các quy định về thông báo tìm kiếm việc làm, nơi chuyển hưởng cho người hưởng trợ cấp thất nghiệp. Thứ 3 là vấn đề giải quyết chính sách hỗ trợ cho người lao động được học nghề.

PV: Quy định hiện hành bắt buộc lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phải ký vào các quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, theo ông đây có phải là một bất cập?

Ông Phạm Ngọc Khánh: Đúng là hiện nay quy định lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phải ký vào các quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, tôi cho rằng đây là bất cập cần phải thay đổi. Hiện nay, có những sở phải bố trí một lãnh đạo chỉ chuyên ký quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Với những địa phương mà mỗi năm dưới 15.000 hồ sơ thì có lẽ cũng đỡ vất vả. Tuy nhiên, với những địa phương có số lượng hồ sơ từ 30.000, 80.000 thậm chí là 100.000 thì có thể nói sẽ vất vả cho việc ký quyết định. Theo quan điểm của tôi, nên để cho lãnh đạo sở được ký quyết định trợ cấp thất nghiệp bằng việc ứng dụng chữ ký số để giảm tải về thời gian, công việc.

 Xin cảm ơn ông!

 

   

 

Thế Công (thực hiện)

NỔI BẬT TRANG CHỦ