(Tổ Quốc) - Bên lề Hội thảo lấy kiến về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31/7/2015, ông Trần Tuấn Tú - Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã dành thời gian trả lời Báo điện tử Tổ quốc về một số vấn đề liên quan đến chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
PV: Thưa ông, tại Việt Nam, chính sách về bảo hiểm thất nghiệp đã có hiệu lực từ năm 2009, xin ông cho biết một số kết quả đến thời điểm này?
Ông Trần Tuấn Tú: Chính sách bảo hiểm thất nghiệp là chính sách của người lao động. Nhiều quốc gia trên thế giới đã sử dụng chính sách này để giải quyết quyền lợi cho người lao động trong giai đoạn khủng hoảng, sự cố kinh tế.
Từ năm 2009 đến nay, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã được người lao động, người sử dụng lao động đón nhận và tích cực tham gia. Đến nay, có trên 13 triệu người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Số người được hưởng lợi từ chính sách này cũng rất lớn, ước tính có hơn 6 triệu người, trong đó hơn 200.000 người được hỗ trợ nghề.
Trong thời gian được hưởng bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động cũng được hưởng bảo hiểm y tế, tư vấn nghề miễn phí, qua đó đã góp phần giúp người lao động tích cực hơn trong tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống.
Chính sách này cũng giúp cho ngân sách nhà nước, chi phí của doanh nghiệp giảm đáng kể, thay vì trả trợ cấp thôi việc, thất nghiệp cho người lao động thì người sử dụng lao động chỉ cần trả 1% tiền lương vào quỹ thì sẽ được miễn trách nhiệm chi trả.
PV: Bên cạnh với những kết quả đạt được, quá trình triển khai chính sách bảo hiểm thất nghiệp còn những hạn chế, khó khăn gì thưa ông?
Ông Trần Tuấn Tú: Tại kỳ họp thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 28 về thông qua Đề án cải cách bảo hiểm xã hội trong đó có bảo hiểm thất nghiệp.
Trong đó có đánh giá hiện nay chính sách bảo hiểm thất nghiệp vẫn chưa chú trọng vào việc duy trì việc làm, chưa thực sự trở thành công cụ trên thị trường lao động, vẫn còn những tình trạng người lao động trục lợi chính sách, đây chính là những hạn chế lớn trong quá trình triển khai thực hiện. Ngoài ra, vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, chưa phù hợp hay chưa đáp ứng được với nhu cầu của đối tượng tham gia.
Tuy nhiên, thời gian thực hiện 12 năm không phải ngắn, không phải quá lâu. Có những quốc gia đã triển khai chính sách này 80 - 90 năm. Trong quá trình thực hiện thì Quốc hội, Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các địa phương đã thường xuyên đánh giá, rà soát, sửa đổi các văn bản, ngày một hoàn thiện hơn chính sách này nhằm thể hiện vai trò của Nhà nước đối với vấn đề an sinh xã hội. Đồng thời, đáp ứng được thị trường lao động cũng như quyền của người lao động, người sử dụng lao động.
PV: Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31/7/2015 có gì mới thưa ông?
Ông Trần Tuấn Tú: Dự thảo lần này tập trung vào một số vấn đề. Thứ nhất, là hướng dẫn các quy định của Nghị định 61/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP. Ở Nghị định 61, những nội dung giao cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng rõ hơn nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các đối tượng tham gia.
Trong phạm vi, thẩm quyền, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tiến hành sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Thông tư 28 nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đối tượng tham gia thụ hưởng chính sách này. Ví dụ như, trong Nghị định 61 có quy định một số điểm mới, về hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề duy trì việc làm, cho phép người lao động giảm một số thủ tục, giấy tờ trong việc thụ hưởng chính sách, liên quan đến vấn đề mở rộng các trường hợp học nghề cho trường hợp, trường hợp hưởng trợ cấp thất nghiệp của tỉnh này có thể học nghề ở tỉnh khác, cho phép người lao động được học khóa học nghề đã diễn ra tối đa trước 1 tháng;
Thông tư này sẽ làm rõ những điểm mới trong Nghị định 61. Cùng với đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng rà soát những vấn đề còn bất cập trong quá trình triển khai để hoàn thiện hơn Thông tư này để làm rõ hơn, thuận lợi hơn trong quá trình tổ chức thực hiện
PV: Ông có thể chia sẻ về vai trò của Cục Việc làm đối với dự thảo Thông tư 28 lần này?
Ông Trần Tuấn Tú: Cục Việc làm có chức năng tham mưu, giúp việc cho Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội trong lĩnh vực việc làm nói chung và chính sách bảo hiểm thất nghiệp nói riêng.
Qua tổng kết đánh giá, phản hồi của địa phương, hội nghị, hội thảo, đối thoại doanh nghiệp, phản ánh các cơ quan truyền thông, trong chức năng, nhiệm vụ của mình, chúng tôi sẽ tham mưu cho Bộ trưởng để làm sao ban hành một Thông tư hướng dẫn thực hiện Điều 52 của Luật Việc làm, một số điều của Nghị định 28/2015/NĐ-CP, 61/2020/NĐ-CP một cách đầy đủ, rõ ràng để thuận lợi, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan thực hiện cũng như đối tượng thụ hưởng.
PV: Cảm ơn ông đã dành thời gian chia sẻ!