• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Quảng Ninh: Giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân

Pháp luật 27/11/2023 16:03

(Tổ Quốc) - Với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, công tác giảm nghèo của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Quảng Ninh đã hoàn thành trước 3 năm chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đang chuyển sang thực hiện theo chuẩn nghèo đa chiều mới của tỉnh, cao hơn mức chuẩn nghèo chung của cả nước.

Quảng Ninh triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) từ năm 2010, đồng thời thực hiện 2 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về giảm nghèo và về phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Tỉnh đã cụ thể hóa nhiều nghị quyết của Quốc hội về các chương trình MTQG về xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Điểm đặc biệt của Quảng Ninh là đã lồng ghép "3 chương trình trong 1" từ đó đạt nhiều kết quả tích cực.

Quảng Ninh: Giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân - Ảnh 1.

Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo ở Bình Liêu (Quảng Ninh)

Hiện thực hóa các nghị quyết về xây dựng NTM, giảm nghèo

Nghị quyết số 25/2021/QH15 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 trở thành cơ sở nền tảng, động lực để Quảng Ninh hiện thực hóa mục tiêu xây dựng NTM trên địa bàn. Tỉnh cụ thể hơn những mục tiêu, giải pháp, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM trong năm 2022 (về đích trước 1 năm so với kế hoạch), tiến lên xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu những năm tiếp theo.

Đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 98/98 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 56 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 26 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 11/13 địa phương cấp huyện đạt chuẩn NTM. Tháng 10/2023 huyện Ba Chẽ đã được trung ương thẩm định xét công nhận đạt chuẩn NTM; huyện Bình Liêu dự kiến công nhận đạt chuẩn NTM tháng 11/2023. Huyện Đầm Hà và huyện Tiên Yên đã trình hồ sơ thẩm định hoàn thành chương trình xây dựng NTM nâng cao.

Với tiến trình này, Quảng Ninh dự kiến đứng thứ 6 toàn quốc hoàn thành chương trình xây dựng NTM; đứng thứ 4 về thực hiện chương trình MTQG về giảm nghèo; đứng đầu về thực hiện chương trình MTQG về phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS. Đầm Hà và Tiên Yên là 2 huyện đầu tiên trong nước trình thẩm duyệt hồ sơ huyện đạt chuẩn NTM nâng cao. Quảng Ninh có huyện miền núi Ba Chẽ có tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm tỷ lệ rất cao đạt chuẩn NTM.

Trước đó Quảng Ninh đã có nhiều thành tích ấn tượng trong tiến trình xây dựng NTM, được toàn quốc công nhận. Đó là tỉnh đầu tiên khu vực miền Bắc có huyện đạt chuẩn NTM (TX Đông Triều); tỉnh có huyện đảo đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn NTM (huyện Cô Tô). Quảng Ninh cũng là tỉnh đầu tiên trong nước có xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (xã Việt Dân, TX Đông Triều).

Từ các chương trình MTQG về xây dựng NTM, giảm nghèo, phát triển KT-XH đồng bào DTTS, các vùng nông thôn, miền núi Quảng Ninh đến nay có hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, cấp thoát nước, y tế, giáo dục, chợ nông thôn, thiết chế văn hoá… đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối vùng miền. Người dân khu vực nông thôn, miền núi làm chủ những mô hình sản xuất có hàm lượng KHCN cao, nâng cao trình độ quản lý, thu nhập, giảm nghèo, giảm cận nghèo nhanh chóng. Đặc biệt môi trường nông thôn, an ninh nông thôn tốt lên mỗi ngày với những vùng quê sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn, với những vùng giáp biên trên biển, trên đất liều bình yên. Nông thôn Quảng Ninh hôm nay giàu đẹp thanh bình, là cực tăng trưởng bền vững của tỉnh.

Nâng cao hơn mức chuẩn nghèo

Bám sát chỉ đạo của trung ương, của tỉnh, cấp ủy, chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành trong tỉnh đã tập trung, quyết liệt trong lãnh đạo triển khai nhằm hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ chương trình xây dựng NTM, chương trình giảm nghèo bền vững của tỉnh giai đoạn 2023-2025. Mục tiêu quan trọng nhất là thu nhập đời sống người dân được nâng cao; đến năm 2025 thu nhập bình quân của người dân khu vực nông thôn đạt trên 5.000 USD, đến năm 2030 từ 8.000-10.000 USD; tỷ lệ số hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo đúng quy chuẩn.

Quảng Ninh: Giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân - Ảnh 2.

Học sinh ở các điểm trường tại huyện Bình Liêu được hỗ trợ suất ăn

Các đơn vị, địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện theo hướng xác định rõ mục tiêu, giải pháp và điều kiện thực tiễn. Sở LĐ-TB&XH đã ban hành Hướng dẫn số 1131/LĐTBXH-BTXH (ngày 4/5/2023) "Hướng dẫn phương pháp rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và biểu mẫu báo cáo theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025" và các văn bản đôn đốc; làm việc với một số huyện, thị xã, thành phố về rà soát điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình. Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG giảm nghèo bền vững cấp huyện, cấp xã được thành lập, thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, tổ chức, ban, ngành liên quan trong triển khai các nội dung, hoạt động của chương trình, lồng ghép với các chương trình MTQG khác phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Các đơn vị, địa phương chú trọng thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, của tỉnh và các giải pháp hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội, giúp các hộ nghèo thoát nghèo bền vững, không để tái nghèo, phát sinh hộ nghèo. Đồng thời thực hiện có hiệu quả, kịp thời các dự án, chương trình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh, đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng, như: Hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, truyền thông và giảm nghèo về thông tin; hỗ trợ về y tế, giáo dục đào tạo, nhà ở... Đến nay toàn tỉnh cấp 557 thẻ BHYT cho người nghèo, 8.003 thẻ BHYT cho người cận nghèo. Triển khai chương trình xóa nhà ở tạm, nhà ở dột nát năm 2023 cho hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, toàn tỉnh đã huy động được gần 33 tỷ đồng cùng sự vào cuộc của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân trên địa bàn tỉnh hỗ trợ gần 9.000 ngày công; ủng hộ nguyên vật liệu, hiện vật tổng trị giá hơn 4,5 tỷ đồng. Nhờ đó, 441 hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được xây mới, sửa chữa nhà ở, hoàn thành kế hoạch đặt ra.

Từ đầu năm 2023 đến nay, các chính sách hỗ trợ giáo dục vùng cao, vùng khó tiếp tục được triển khai. Hơn 2.100 lượt học sinh đã được hỗ trợ học phí (tổng kinh phí trên 10 tỷ đồng); 3.171 lượt trẻ mầm non được hỗ trợ tiền ăn trưa 2 buổi/ngày (gần 3 tỷ đồng)... Sở TT&TT tích cực phối hợp với các địa phương rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo được hưởng gói dịch vụ viễn thông công ích theo quy định. Đến nay Trung tâm Kinh doanh VNPT Quảng Ninh đã hỗ trợ 1.473 thuê bao (tương đương 1.473 hộ nghèo, hộ cận nghèo) sử dụng dịch vụ điện thoại di động mặt đất, với gói cước hỗ trợ tối đa là 45.000 đồng/thuê bao/tháng...

Các chương trình MTQG đã tạo không khí xây dựng NTM và giảm nghèo trên khắp vùng nông thôn của tỉnh; diện mạo nông thôn thay đổi rõ nét, đời sống nhân dân được nâng lên. Theo chuẩn nghèo đa chiều của Chính phủ (quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP), Quảng Ninh hiện không còn hộ nghèo. Quảng Ninh sẽ hoàn thành chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, không để tái nghèo, phát sinh hộ nghèo vào cuối năm 2023. Theo chuẩn nghèo của Quảng Ninh (quy định tại Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh), toàn tỉnh còn 246 hộ nghèo, chiếm 0,064%; 3.066 hộ cận nghèo, chiếm 0,797% tổng số hộ dân toàn tỉnh. Đến cuối năm 2023 tỉnh giảm 165 hộ nghèo và 1.142 hộ cận nghèo./.

An An

NỔI BẬT TRANG CHỦ