(Tổ Quốc) - Những nỗ lực đổi mới trong công tác giám sát, công tác dân nguyện, trả lời, giải quyết kiến nghị của cử tri đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri tại 4 kỳ họp gần nhất đều cho thấy trên 97% kiến nghị của cử tri gửi đến các kỳ họp đã được giải quyết, trả lời.
Theo Trưởng Ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình, cử tri đánh giá cao thời gian qua, hoạt động của Quốc hội đã có nhiều đổi mới, hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành được tiến hành chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội được nâng cao, khẳng định Quốc hội ngày càng gắn bó mật thiết với nhân dân.
Từng ý kiến, kiến nghị của cử tri được xem xét giải quyết thấu đáo
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận nêu rõ, việc Quốc hội dành thời lượng nhất định để thảo luận chính thức về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri ở nghị trường từ Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV là một việc rất đúng, rất hợp lòng dân. Điều này một nữa khẳng định Quốc hội không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, từng ý kiến, kiến nghị của cử tri được xem xét giải quyết một cách thấu đáo; đồng thời, nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan chức năng.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, nhiều năm qua, hoạt động giám sát của Quốc hội nói chung, giám sát tối cao nói riêng đã được triển khai vô cùng hiệu quả, được cử tri và nhân dân đánh giá rất cao. Những chủ đề được lựa chọn giám sát đều là những vấn đề trọng tâm của việc phát triển kinh tế - xã hội đất nước, là những vấn đề nóng được cử tri và nhân dân đặc biệt chú ý.
Kết quả giám sát của Quốc hội đã chỉ rõ các khó khăn, vướng mắc, những nút thắt, điểm nghẽn, bất cập trong quá trình thực thi pháp luật và nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế...
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh, kết quả giám sát là cơ sở quan trọng để Quốc hội và Chính phủ kịp thời tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc nhất định, nhất là vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách và đưa ra những kiến nghị để bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật.
Bổ sung quy định về hậu giám sát đối với việc giải quyết các kiến nghị của cử tri
Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh nêu rõ, cử tri đánh giá cao việc Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành Trung ương, TANDTC, VKSNDTC đã quan tâm xem xét, giải quyết kiến nghị của cử tri.
Điều này cho thấy Chính phủ và các bộ ngành Trung ương đã chú trọng giải quyết kiến nghị của cử tri, thể hiện tinh thần cầu thị, tích cực, chủ động khắc phục những hạn chế, đề ra những biện pháp nâng cao chất lượng công tác quản lý, điều hành.
Việc nghiên cứu tiếp thu, giải quyết kiến nghị của cử tri đã góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định trật tự an toàn xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân, tạo niềm tin cho cử tri và nhân dân trong cả nước.
Từ thực tiễn tham gia công tác giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri có thể thấy rằng, vẫn còn một số tồn tại chưa được chỉ ra như một số cơ quan còn chưa quan tâm đúng mức, chưa tiếp thu đầy đủ các kiến nghị của cử tri trong việc thẩm tra, đánh giá tác động của một số dự án luật, chưa khai thác hiệu quả các ý kiến, ý nghĩa của cử tri, chưa lấy đó làm cơ sở làm căn cứ thực tiễn để xem xét đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm. Việc tổ chức hội nghị, hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho các dự án luật đôi khi còn mang tính hình thức, chưa thực sự hiệu quả.
Trong quá trình giám sát, việc đánh giá kết quả tổ chức thi hành luật, pháp lệnh của các cơ quan có thẩm quyền nhiều khi còn chung chung, chưa xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người đứng đầu chịu sự giám sát; việc theo dõi, đôn đốc, giám sát công tác tổ chức thực hiện các kết luận giám sát, nghị quyết của Quốc hội về giám sát còn chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả giám sát chưa cao…
Do đó, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị Quốc hội, UBTVQH tiếp tục hoàn thiện phương thức giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Đồng thời đề nghị nên bổ sung quy định về hình thức Quốc hội, UBTVQH, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri thông qua hình thức phản hồi của cử tri về kết quả giải quyết đó, tức là quy định cụ thể về việc lấy ý kiến của cử tri về những vấn đề mà họ kiến nghị có được cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời, đầy đủ, đúng quy định pháp luật hay không. Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định về hậu giám sát đối với việc giải quyết các kiến nghị của cử tri để kịp thời yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý những vấn đề mới phát sinh.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác dân nguyện của Quốc hội trong thời gian tới, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương kiến nghị Quốc hội cần có Nghị quyết chuyên đề tại mỗi kỳ họp Quốc hội về giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, trong đó nêu rõ giải pháp thực hiện, nhất là đối với các kiến nghị của cử tri chưa được giải quyết để Quốc hội và cử tri theo dõi, giám sát.
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân cho biết, bắt đầu từ Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, lần đầu tiên Quốc hội đã thảo luận trực tiếp tại hội trường về vấn đề này và truyền hình trực tiếp cho cử tri theo dõi. Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 5 đã có nội dung này. Tuy nhiên, với hàm lượng nội dung rất ít và khái quát, chưa rõ giải pháp, tiến độ thực hiện.
Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân kiến nghị cần thiết phải có một Nghị quyết chuyên đề sau khi Quốc hội thảo luận để nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới, với nội dung rõ hơn về giải pháp, về trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri. Đại biểu cho rằng, trên cơ sở Nghị quyết chuyên đề sẽ giúp cho việc triển khai thực hiện được thuận lợi, rõ ràng hơn và giúp cho đại biểu Quốc hội giám sát có chất lượng hơn trong thời gian tới.
Theo Trưởng Ban Công tác đại biểu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải, trước đây, báo cáo kết quả giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri thường được báo cáo trước phiên chất vấn, để các đại biểu Quốc hội lấy đó làm căn cứ chất vấn với các trưởng ngành. Nhưng từ Kỳ họp thứ 5, việc dành thời lượng một buổi họp Quốc hội để thảo luận về báo cáo này là hết sức hiệu quả. Điều này có ý nghĩa chính trị rất lớn đối với cử tri và người dân, thể hiện những kiến nghị của cử tri đã được tập hợp, giải quyết.
"Tiếng nói nhỏ bé của cử tri từ một buôn, làng, xã, nơi hẻo lánh, nhưng đã được mang tới Hội trường Diên Hồng để thảo luận và từng vị trưởng ngành có những câu trả lời cho người dân. Từ đó, chất lượng tiếp xúc cử tri cũng được nâng lên, cử tri cũng tin tưởng hơn trong việc gửi gắm tiếng nói của mình đến với Quốc hội", bà Nguyễn Thanh Hải nhận định.
>>> Còn tiếp