• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Quy định cụ thể các hành vi vi phạm để có căn cứ xử lý khi phổ biến phim trên không gian mạng

Thời sự 23/10/2021 10:01

(Tổ Quốc) - Về phổ biến phim trên không gian mạng, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đề nghị Chính phủ Quy định trách nhiệm của đơn vị phát hành, phổ biến phim trong việc cung cấp công cụ đo lường, kiểm duyệt tự động; hiển thị cảnh báo cho người xem, gỡ bỏ nội dung vi phạm khi có yêu cầu, cung cấp công cụ để người xem phản ánh nội dung vi phạm; Quy định cụ thể các hành vi vi phạm để có căn cứ xử lý.

Quy định cụ thể các hành vi vi phạm để có căn cứ xử lý khi phổ biến phim trên không gian mạng - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Sáng nay 23/10, trước Quốc hội, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cũng trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Luật Điện ảnh hiện hành đã bộc lộ những thiếu sót, bất cập

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Luật Điện ảnh được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29/6/2006, và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 18/6/2009.

Sau 14 năm thực hiện, bên cạnh những đóng góp tích cực, hiệu quả cho sự phát triển điện ảnh Việt Nam, Luật Điện ảnh đã bộc lộ những thiếu sót, bất cập cần sớm được sửa đổi, bổ sung nhằm thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về văn hóa nói chung và về điện ảnh nói riêng thành các quy phạm pháp luật.

Bộ trưởng cũng chỉ rõ, một số quy định của Luật Điện ảnh không còn phù hợp hoặc đã bị bãi bỏ hoặc được quy định tại luật chuyên ngành khác như: Quy định "Doanh nghiệp phát hành phim, doanh nghiệp khác có đăng ký kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu phim phải có rạp chiếu phim để tham gia phổ biến phim"; Quy định "Đối với doanh nghiệp sản xuất phim, ngoài việc phải có các điều kiện thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp còn phải có "Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh" do Bộ VHTTDL cấp; Quy định về ưu đãi tín dụng, thuế đối với hoạt động điện ảnh không phù hợp do không thuộc lĩnh vực được ưu tiên; Một số hành vi vi phạm về sản xuất, phát hành, phổ biến phim, lưu trữ phim, nhân bản không còn phù hợp với tình hình thực tiễn…

Bên cạnh đó, một số quy định của Luật Điện ảnh không thể hiện được đặc thù của điện ảnh như: Chưa quy định về mô hình và lĩnh vực hoạt động cùng nguồn thu ổn định lâu dài để Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh tồn tại, phát triển và hoạt động hiệu quả; Quy định cấp phép tổ chức chiếu giới thiệu phim Việt Nam tại nước ngoài; quy định đặt văn phòng đại diện của cơ sở điện ảnh Việt Nam tại nước ngoài…

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng nêu một số vấn đề mới phát sinh cần bổ sung vào Luật Điện ảnh như: Công nghiệp điện ảnh, thị trường điện ảnh, ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong các khâu sản xuất, phát hành, phổ biến và lưu trữ phim; Quản lý nội dung phim phát hành, phổ biến trên không gian mạng và tại địa điểm công cộng; Quy định về phân loại và hiển thị mức phân loại, cảnh báo nội dung phim; Cơ chế thu hút, khuyến khích sản xuất, ưu đãi đoàn làm phim nước ngoài quay phim tại Việt Nam…

"Luật Điện ảnh cũng cần phải sửa đổi nhằm bảo đảm phù hợp với các luật hiện hành của Việt Nam và cam kết trong điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; Đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số trong hoạt động điện ảnh" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Hai phương án về quy định sản xuất phim bằng ngân sách nhà nước

Về quá trình xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi), Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, còn một số vấn đề có ý kiến khác nhau xin ý kiến Quốc hội.

Quy định cụ thể các hành vi vi phạm để có căn cứ xử lý khi phổ biến phim trên không gian mạng - Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng.

Cụ thể, đối với Quy định về sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước, dự thảo Luật đưa ra 2 phương án. Phương án 1 là Sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước được thực hiện theo một trong hai hình thức giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng. Phương án 2 là giữ nguyên quy định của Luật hiện hành (bao gồm giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu sản xuất phim).

"Đa số thành viên Chính phủ và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất với phương án 1" - Bộ trưởng thông tin.

Đối với vấn đề phổ biến phim trên không gian mạng, Bộ trưởng cho biết, dự thảo Luật quy định tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng phải tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim theo quy định tại Điều 33 Luật Điện ảnh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả phân loại phim. Đa số thành viên Chính phủ thống nhất quy định như dự thảo Luật.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, để thực hiện phương án cần xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Điện ảnh (sửa đổi), các quy định về tiêu chí, nội dung phân loại cần hết sức cụ thể. Bên cạnh đó cần xây dựng bộ máy kiểm tra, kiểm soát, hệ thống phản hồi cùng lực lượng thanh tra hoạt động thường xuyên, liên tục để giám sát và xử lý kịp thời những vi phạm.

Cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Điện ảnh

Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh trình bày nêu rõ, Ủy ban tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Điện ảnh nhằm thể chế hóa chủ trương, Nghị quyết của Đảng; cụ thể hóa Hiến pháp 2013; khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Điện ảnh hiện hành, phù hợp với tình hình thực tiễn, thúc đẩy phát triển ngành điện ảnh.

Quy định cụ thể các hành vi vi phạm để có căn cứ xử lý khi phổ biến phim trên không gian mạng - Ảnh 3.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh báo cáo thẩm tra về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Về mục đích, quan điểm xây dựng Luật, ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban cũng tán thành với Tờ trình của Chính phủ, đồng thời nhấn mạnh một số vấn đề: Cần nhìn nhận điện ảnh dưới góc độ vừa là ngành nghệ thuật sáng tạo, vừa là ngành kinh tế; đặt ngành công nghiệp điện ảnh trong tổng hòa mối quan hệ với nhiều ngành nghề khác và trong môi trường công nghệ số; Luật cần bao quát toàn diện các vấn đề liên quan đến điện ảnh; khắc phục tình trạng "luật khung", "luật ống"…

Cũng theo ông Nguyễn Đắc Vinh, đối với việc sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước, đa số ý kiến thành viên Ủy ban lựa chọn phương án 2, gồm cả hình thức đấu thầu, vì thực hiện đấu thầu tạo sự bình đẳng giữa các đơn vị nhà nước và tư nhân và phù hợp với quy định của Luật Đấu thầu.

Về phổ biến phim trên không gian mạng, đa số ý kiến thành viên Ủy ban cho rằng, cần kết hợp việc tổ chức, cá nhân phổ biến phim tự phân loại phim với việc cấp phép phân loại, trong đó chủ yếu là các tổ chức, cá nhân tự phân loại phim; nghiên cứu cấp phép phân loại đối với những cơ sở phổ biến phim có tầm ảnh hưởng lớn tới chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và trong điều kiện có thể cấp phép phân loại được.

Tuy nhiên, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị Chính phủ nghiên cứu một số vấn đề như: Xây dựng bộ tiêu chí phân loại phim chi tiết, minh bạch để các cơ sở sản xuất, phát hành, phổ biến phim có căn cứ tự kiểm duyệt và phân loại phim; Quy định trách nhiệm của đơn vị phát hành, phổ biến phim trong việc cung cấp công cụ đo lường, kiểm duyệt tự động; hiển thị cảnh báo cho người xem, gỡ bỏ nội dung vi phạm khi có yêu cầu, cung cấp công cụ để người xem phản ánh nội dung vi phạm; Quy định cụ thể các hành vi vi phạm để có căn cứ xử lý; Tăng cường năng lực quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin, kiểm tra, giám sát...

Vấn đề Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh nhận được 2 ý kiến. Theo đó, có ý kiến đề nghị Dự thảo Luật cần quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh nhằm hỗ trợ, khuyến khích các tác giả, nhà làm phim triển vọng, có ý tưởng sáng tạo, tạo ra tác phẩm điện ảnh có giá trị văn hóa nghệ thuật cao. Tuy nhiên, cũng có thành viên Ủy ban đề nghị cân nhắc quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh trong Dự thảo Luật vì nội dung chi của Quỹ trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước; chưa đưa ra giải pháp về khả năng tài chính độc lập.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) phù hợp với 4 chính sách đó là: Tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất phim; Hỗ trợ, khuyến khích phát hành, phổ biến phim Việt Nam;Khuyến khích, thu hút tổ chức, cá nhân tham gia xúc tiến, quảng bá điện ảnh trong và ngoài nước; Đổi mới công tác quản lý, áp dụng công nghệ tiên tiến trong bối cảnh phát triển của cách mạng khoa học kỹ thuật.

Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) gồm 8 chương, 50 điều, trong đó kế thừa, chỉnh lý, sửa đổi và bổ sung 32 điều, quy định mới 18 điều so với Luật Điện ảnh hiện hành.


Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ