(Tổ Quốc) - Tại cuộc họp báo Chính phủ diễn ra vào chiều tối 11/8, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải và Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm đã trả lời báo chí liên quan đến vấn đề lưu thông hàng hóa trong bối cảnh nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm, cuối tháng 7/2021, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa trong tình hình dịch Covid-19.
Cụ thể, (Bộ Giao thông Vận tải đã có các văn bản gửi các địa phương, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của các địa phương phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải thực hiện một số giải pháp để đảm bảo điều kiện thuận lợi nhất cho lưu thông hàng hóa.
Đầu tiên là tại các chốt kiểm soát không tiến hành kiểm tra, cũng như trên tất cả các tuyến đường với phương tiện đã được cấp mã QR do ngành giao thông vận tải cấp). Thứ hai, đối với các phương tiện chưa được cấp mã QR code, thì lái xe cần có giấy xét nghiệm có kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Thứ ba là tổ chức hậu kiểm tại các điểm logictic, bãi hàng hóa, đề nghị các địa phương xử lý nghiêm những ai vi phạm quy định này.
"Bộ cũng kiến nghị Chính phủ, UBND các tỉnh ưu tiên tiêm vaccine cho đội ngũ lái xe, phụ xe thực hiện vận tải liên tỉnh và lao động trong các ngành logistics phục vụ lưu thông hàng hóa thiết yếu. Ngoài ra, Bộ cũng chỉ đạo các Cục chuyên ngành công bố đường dây nóng để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện vận tải hàng hóa" - Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cho hay.
Quy định giãn cách của mỗi địa phương khác nhau dẫn đến khó khăn cho việc lưu thông hàng hoá
Cũng liên quan tới về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, do diễn biến dịch phức tạp nên nhiều địa phương có cách hiểu và áp dụng quy định giãn cách xã hội khác nhau, gây khó khăn cho việc lưu thông hàng hoá, sản xuất công nghiệp do gặp khó trong lưu thông nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.
Bộ Công Thương đã làm việc với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), các địa phương và các hiệp hội, ngành hàng để tháo gỡ, tuy nhiên chưa khắc phục được hoàn toàn tình trạng này. Vì vậy, Bộ Công Thương đã có văn bản báo cáo Chính phủ vào ngày 27/7 về việc tạo điều kiện cho lưu thông hàng hoá.
Theo đó, mọi hàng hoá phục vụ đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân đều được lưu thông, trừ hàng hoá trong danh mục bị cấm. Sau đó Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký văn bản xử lý vướng mắc này theo đề xuất của Bộ Công Thương. Kết quả, việc tắc nghẽn trong lưu thông hàng hoá cơ bản được giải toả.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, ở một số địa phương vẫn có tình trạng lái xe gặp khó khăn khi vận chuyển hàng hoá. “Rất chia sẻ với khó khăn của địa phương khi chống dịch nhưng cũng mong các địa phương quan tâm tới “mục tiêu kép” và lưu ý các chỉ đạo của Bộ GTVT, Bộ Y tế để việc lưu thông hàng hoá cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là sản xuất công nghiệp được thông suốt” - ông Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Liên quan tới việc tính toán phương án “3 tại chỗ” trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, phương án này đã áp dụng thành công tại các địa phương như Bắc Ninh, Bắc Giang. Tuy nhiên, khi triển khai tại 19 tỉnh thành phía Nam thì xuất hiện bất cập. Hơn nữa, phương án này chỉ phù hợp thực hiện trong thời gian ngắn.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, ở các khu công nghiệp Bắc Ninh, Bắc Giang ít người hơn, trong khi các tỉnh phía Nam mỗi doanh nghiệp có hàng nghìn hoặc hàng chục nghìn lao động. Thành phần dân cư phức tạp, xuất thân từ nhiều tỉnh, thành khác nhau nên không thể ở mãi một chỗ. Mặt khác, nhiều vùng bị đứt gãy chuỗi vận tải, cung ứng nên khó khăn trong việc áp dụng tại chỗ.
"Do chi phí áp dụng “3 tại chỗ” quá cao nên họ chỉ có thể áp dụng trong 7-20 ngày, nên gây cản trở cho việc áp dụng 3 tại chỗ" - ông Đỗ Thắng Hải cho hay.
Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, do quy định phòng dịch của mỗi địa phương khác nhau, nhiều địa phương đóng cửa cả khu công nghiệp khi phát hiện ca nhiễm trong khi doanh nghiệp phải mất nhiều công sức chuẩn bị phương án “3 tại chỗ”. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp chủ động xin không thực hiện phương án này.
Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, cơ quan này sẽ phối hợp với Bộ Y tế để sớm ban hành văn bản hướng dẫn các phương án bảo đảm vừa chống dịch vừa bảo đảm sản xuất – kinh doanh.