• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Quy định về bảo mật thông tin cá nhân còn đang rải rác ở các dự án luật

Thời sự 26/10/2020 14:55

(Tổ Quốc) - Thảo luận hội trường về báo cáo công tác của Chánh án TAND tối cao; Viện trưởng VKSND tối cao; Công tác phòng ngừa, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật vào sáng 26/10, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại về tình hình phạm tội trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe

Theo Đại biểu Hứa Thị Hà (đoàn Tuyên Quang), tại Việt Nam, số lượng người sử dụng internet là hơn 68 triệu người, chiếm khoảng 70% dân số, nhưng sự hiểu biết về bảo mật thông tin cá nhân còn hạn chế. Cùng với đó, chế tài hiện hành xử lý hành vi đánh cắp thông tin dữ liệu cá nhân cũng chưa đủ sức răn đe, nên đã xuất hiện các hành vi thu thập, sử dụng, mua bán thông tin cá nhân.

Quy định về bảo mật thông tin cá nhân còn đang rải rác ở các dự án luật - Ảnh 1.

ĐBQH Hứa Thị Hà (đoàn Tuyên Quang). Ảnh: Quochoi.vn

Đơn cử gần đây là vụ việc vợ nạn nhân trong Rào Trăng 3 bị lừa mất 100 triệu đồng trong tài khoản hay vụ việc 3 ngân hàng BIDV tại Phú Thọ đã bán thông tin của 50 công ty, doanh nghiệp cho nhóm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, hay sự cố rò rỉ 2 triệu dữ liệu khách hàng của một ngân hàng mà báo chí đã đưa tin...

Dẫn lại một số điều trong Luật An toàn thông tin mạng và Nghị định 64 về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan của Chính phủ, đại biểu Hà cho rằng, cách quy định như hiện nay là chưa đầy đủ, chưa xác định được nội hàm của khái niệm “thông tin cá nhân”.

Bên cạnh đó, quy định về bảo mật thông tin cá nhân còn đang rải rác ở các dự án luật khác nhau. Các văn bản thiếu tập trung và có giá trị pháp lý khác nhau đã gây khó khăn cho việc chấp hành và thi hành pháp luật.

Từ đó, đại biểu Hà đề nghị “thông tin cá nhân” cần phải được quy định cụ thể hơn, bởi đây không chỉ là thông tin cá nhân mà phải được coi là tài sản để được bảo vệ. Đồng thời, cần hoàn thiện khung pháp lý quy định cụ thể về bảo mật thông tin cá nhân.

“Cần tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về bảo mật thông tin cá nhân, đưa nội dung này vào giảng dạy trong trường trung học phổ thông, nâng cao ý thức hơn nữa đến việc bảo mật thông tin cá nhân của bản thân và của gia đình” - Đại biểu Hà nói.

Thêm trang thiết bị và nguồn lực để đối phó với thủ đoạn phạm tội mới

Cùng nói về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Đinh Công Sỹ (đoàn Sơn La) bày tỏ bức xúc, trong những ngày cả nước đang cùng phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và gần đây là nhân dân miền Trung đang oằn mình chống lũ, bên cạnh những tấm gương thiện nguyện thì vẫn có những kẻ mạo danh từ thiện, lợi dụng mạng viễn thông để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và vô nhân đạo hơn là chiếm đoạt tài sản của chính cả người nhà của các nạn nhân lũ lụt, gây bức xúc trong dư luận và trong nhân dân.

Quy định về bảo mật thông tin cá nhân còn đang rải rác ở các dự án luật - Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội Đinh Sỹ Công (Đoàn Sơn La). Ảnh: Quốc hội

Hiện tượng phản ánh không chính xác các sự kiện, các vụ việc được phát tán trực tuyến với những hình ảnh và lời bình sai lệch, dẫn dắt dư luận theo ý đồ riêng đã diễn ra khá nhiều. Trong đó, có rất nhiều hình ảnh gán ghép lời bình không đúng sự thật về sự tham gia của lực lượng công an, bộ đội và các lực lượng chức năng các địa phương tham gia phòng, chống dịch bệnh và phòng, chống lũ, gây ra sự nhìn nhận chưa đúng cũng như đánh giá thiếu khách quan của một bộ phận người sử dụng mạng xã hội với các cơ quan, tổ chức và các cá nhân.

Nguy hiểm hơn, các thông tin dạng này được lan truyền và chia sẻ vô cùng nhanh chóng, với nhiều lời bình luận tiêu cực, thiếu tính xây dựng, gây hoang mang trong xã hội.

“Các loại hành vi này không đơn thuần là phản ánh sai, dẫn dắt người xem có nhận định sai lệch về các vấn đề mà có dấu hiệu vi phạm pháp luật, thậm chí là vi phạm pháp luật hình sự” - đại biểu Sỹ nói.

Theo đó, vị đại biểu đoàn Sơn La yêu cầu cần có các giải pháp giáo dục toàn diện, mạnh mẽ hơn nữa, với nhiều cách thức khác nhau như trong trường học và tuyên truyền trên các thông tin, báo chí, truyền hình, nhất là vào các giờ vàng trên Đài truyền hình quốc gia.

Đồng thời, Chính phủ cần quan tâm thêm trang thiết bị và nguồn lực tốt để thực hiện các giải pháp kỹ thuật để đối phó với tính chất phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới.

Báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Tô Lâm trình bày trước Quốc hội sáng 26/10 nhận định: “Tội phạm trong lĩnh vực này diễn biến ngày càng phức tạp và có nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, hoạt động có tính chất xuyên quốc gia, xảy ra trên nhiều lĩnh vực và gây thiệt hại lớn, thậm chí gây hậu quả nghiêm trọng, như tội đánh bạc lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng”.

Theo thống kê, trong năm 2020, đối tượng phạm tội, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực viễn thông và tin học cũng đã tăng lên 20% về số vụ. Mặc dù đã có sự vào cuộc rất rốt ráo của lực lượng chức năng, nhưng những vi phạm trong lĩnh vực này vẫn diễn ra khá tràn lan, chưa được ngăn chặn hiệu quả, diễn ra ở phạm vi và quy mô lớn hơn, tính chất ngày càng tinh vi, phức tạp hơn.


Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ