• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Quy định về nhuận bút, thù lao cần khuyến khích đội ngũ sáng tạo

Văn hoá 24/10/2023 16:08

(Tổ Quốc) - Sáng ngày 24/10, Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) đã tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị định 21/2015/NĐ-CP Quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Hà Nội và kết nối trực tuyến với 63 điểm cầu ở các địa phương. Thứ trưởng Đoàn Văn Việt chủ trì Hội nghị tại Hà Nội.

Tạo thuận tiện cho các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho biết: Nghị định số 21/2015/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Nghị định 21) có phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân sáng tạo, khai thác, sử dụng các tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác bằng nguồn kinh phí thuộc ngân sách nhà nước hoặc chủ sở hữu quyền tác giả là Nhà nước.

Quy định về nhuận bút, thù lao cần khuyến khích đội ngũ sáng tạo  - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội nghị

Trong hơn 8 năm qua, Nghị định 21 đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước trong việc xây dựng dự toán và thanh, quyết toán kinh phí chi trả nhuận bút, thù lao hàng năm; góp phần thúc đẩy, khuyến khích các hoạt động sáng tạo và phổ biến các giá trị văn học, nghệ thuật và khoa học, phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước và nhu cầu hưởng thụ của công chúng.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được trong thời gian qua, Nghị định cũng đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế cần được nghiên cứu, đánh giá để có thể sửa đổi, bổ sung kịp thời, trước hết đảm bảo sự đồng bộ, phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022, Nghị định số 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan; thứ hai là đáp ứng sự thay đổi, phát triển trong thực tiễn của hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật những năm vừa qua, nhằm bao quát được đầy đủ các thể loại, hình thức tác phẩm, các chức danh sáng tạo, khuyến khích xã hội hóa trong hoạt động sáng tạo...

"Vì vậy, việc tổ chức rà soát, đánh giá về công tác thi hành Nghị định 21 là cần thiết. Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị này dưới hình thực trực tiếp kết hợp với trực tuyến để nhiều đại biểu thuộc các cơ quan, đơn vị, địa phương có thể tham gia trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến; qua đó Bộ VHTTDL sẽ giao các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu và báo cáo Chính phủ cho phép sửa đổi, bổ sung Nghị định 21 nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cũng như cách thức tổ chức thực hiện chế độ nhuận bút, thù lao trong thời gian tới"- Thứ trưởng Đoàn Văn Việt khẳng định.

Quy định về nhuận bút, thù lao cần khuyến khích đội ngũ sáng tạo  - Ảnh 2.

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt phát biểu tại Hội nghị

Theo báo cáo của Cục Bản quyền tác giả, Nghị định 21 được ban hành và áp dụng đã động viên, khuyến khích sáng tạo các thành phần sáng tác hưởng nhuận bút, thù lao theo Nghị định vì ngoài khoản thù lao, nhuận bút thì các thành phần còn được hưởng nhuận bút khuyến khích; các thành phần sáng tác (chức danh) và mức hưởng nhuận bút được tăng lên. Điều đó cho thấy sự quan tâm của Nhà nước đầu tư cho các thành phần sáng tác, góp phần động viên người sáng tạo nghệ thuật và gián tiếp nâng cao chất lượng tác phẩm.

Nghị định số 21 quy định rõ ràng về đối tượng áp dụng; nguyên tắc chi trả, xác định mức nhuận bút, thù lao; phân chia nhuận bút, thù lao giữa các đồng tác giả, đồng chủ sở hữu quyền tác giả theo thỏa thuận; nhuận bút khuyến khích; nhuận bút trong trường hợp tác phẩm được sử dụng làm tác phẩm phái sinh; lập dự toán, thanh và quyết toán; căn cứ vào thể loại, quy mô, chất lượng tác phẩm, loại hình nghệ thuật, chức danh sáng tạo, khung nhuận bút, thù lao… tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện, phù hợp tình hình thực tiễn. Mức chi trả tại Nghị định số 21 cụ thể đối với từng loại hình tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác; tỉ lệ phần trăm hoặc hệ số để tính nhuận bút cho từng chức danh sáng tạo tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác.

Bên cạnh đó, quy định tại Nghị định số 21 đã tạo sự linh hoạt để bên sử dụng tác phẩm và bên sáng tạo có thể thỏa thuận căn cứ vào chất lượng tác phẩm, nguồn kinh phí được phép sử dụng để chi trả nhuận bút, thù lao; trừ trường hợp tác phẩm do nhà nước đặt hàng hoặc đấu thầu thì trả theo hợp đồng đặt hàng hoặc đấu thầu.

Quy định về mức chi trả tại Nghị định số 21 tạo thuận tiện cho các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước trong việc bảo vệ dự toán và thanh, quyết toán kinh phí chi trả nhuận bút, thù lao hàng năm; đồng thời là căn cứ để xây dựng dự toán và chi trả nhuận bút, thù lao trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ hàng năm như: biểu diễn phục vụ nhân dân, xây dựng chương trình nghệ thuật mới, tham gia liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp và không chuyên trên toàn quốc, tổ chức các chương trình nghệ thuật chào mừng các sự kiện lớn của tỉnh, thành phố…

Hoàn thiện hành lang pháp lý

Cục Bản quyền tác giả nhận định: Nghị định số 21 phù hợp đối với sáng tạo tác phẩm bằng nguồn kinh phí ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, các trường hợp sáng tạo tác phẩm điện ảnh, sân khấu và loại hình nghệ thuật khác... có sự hợp tác theo phương thức xã hội hóa thì khó áp dụng các quy định của Nghị định. Bên cạnh đó, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Nghị định số 21 đang giới hạn ở ba nhóm lĩnh vực là điện ảnh; mỹ thuật, nhiếp ảnh; nghệ thuật biểu diễn có liên quan đến ngân sách nhà nước. Một số loại hình tác phẩm khác như kiến trúc, công trình khoa học… không thuộc phạm vi của Nghị định.

Quy định về nhuận bút, thù lao cần khuyến khích đội ngũ sáng tạo  - Ảnh 3.

Ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận một số vấn đề như đánh giá việc tổ chức thực hiện Nghị định số 21, những bất cập và nguyên nhân; khó khăn trong chi trả nhuận bút, thù lao; đề xuất, kiến nghị gì liên quan đến hoàn thiện các quy định tại Nghị định…

Theo đó, Nghị định số 21 chưa bao quát được đầy đủ các thể loại, hình thức tác phẩm, đặc biệt là các thể loại, hình thức mới xuất hiện nên khó khăn khi vận dụng chi trả nhuận bút đối với các thành phần tham gia sáng tạo các thể loại, hình thức tác phẩm này.

Cụ thể đối với tác phẩm nhiếp ảnh, bà Nguyễn Hằng Nga, Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết: Nhiếp ảnh là một trong các loại hình tác phẩm dễ bị sao chép, khai thác, sử dụng để làm tác phẩm phái sinh. Nghị định chưa quy định về nhuận bút trong trường hợp sử dụng tác phẩm nhiếp ảnh để làm tác phẩm phái sinh.

Đối với tác phẩm sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác, một số thể loại như phim ngắn, tiểu phẩm dưới 20 phút, clip tuyên truyền, phim ca nhạc…; Hoạt cảnh, Màn phức hợp, Tổ khúc ca cảnh, Mash up... chưa được bổ sung tại Nghị định.

Về các chức danh sáng tạo tác phẩm: Một số chức danh sáng tạo tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và loại hình nghệ thuật biểu diễn khác chưa quy định cụ thể tại Nghị định số 21 nên khó vận dụng để tính định mức và thực hiện chi trả nhuận bút, thù lao, cụ thể như sau:

Đối với tác phẩm điện ảnh: chưa có chức danh tác giả kịch bản, người làm phục trang, người chỉ đạo …thực hiện chương trình, chỉ đạo nghệ thuật.

Đối với một số loại hình nghệ thuật biểu diễn: Một số chức danh như người chỉ đạo thực hiện chương trình, chỉ đạo nghệ thuật, trợ lý đạo diễn, phó tổng đạo diễn chưa được quy định tại Nghị định số 21/2015/NĐ-CP. Một số loại hình nghệ thuật biểu diễn có tính tổng hợp, tiếp cận thành tựu khoa học công nghệ nghe nhìn trong lĩnh vực nghệ thuật, trong định hướng chuyển đổi số.... cần có sự tham gia của nhiều chức danh sáng tạo nghệ thuật khác nhau chưa được cập nhật tại Nghị định số 21.

Chương trình nghệ thuật tổng hợp hoặc lễ hội, sự kiện: Nghị định số 21 chưa quy định các chức danh như Chỉ đạo nghệ thuật; Giám đốc âm nhạc hay đạo diễn âm nhạc; Phó đạo diễn; Chỉ huy biểu diễn; Viết lời dẫn, lời bình; Viết thông cáo báo chí truyền thông cho sự kiện; Dàn dựng thanh nhạc cho hợp xướng - nhóm ca; Đạo diễn hình ảnh - dàn dựng hình ảnh minh họa, kỹ xảo 3D cho chương trình; Biên kịch, đạo diễn và các nội dung liên quan đến sản xuất MV ca nhạc... Một số chức danh thiết kế cho các nội dung còn chưa quy định tại Nghị định số 21 như: Thiết kế cổng chào, nhà bạt sân khấu, khán giả, khán đài, mô hình xe hoa cho lễ hội, các cụm tiểu cảnh trang trí, tiểu cảnh sắp đặt, banner, pano, thiết kế không gian tổng thể của lễ hội, sự kiện....

Quy định về nhuận bút, thù lao cần khuyến khích đội ngũ sáng tạo  - Ảnh 4.

Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh thành

Bên cạnh đó, trong xu thế phát triển hiện nay và phát huy thành tựu khoa học, công nghệ trên nền tảng số, các chương trình nghệ thuật, lễ hội, sự kiện cần mở rộng các phương tiện, kênh tuyên truyền, quảng bá trên các hạ tầng nền tàng số đã phát sinh các nội dung, chức danh công việc cần bổ sung làm cơ sở tính chi phí thực hiện. Một số chức danh cần áp dụng để quảng bá chương trình trên các hạ tầng nền tảng số chưa được quy định tại Nghị định số 21 như: Đạo diễn hình ảnh, các phương tiện, công cụ kỹ thuật sản xuất chương trình, thiết kế video teaser, trailer...

Các đại biểu cũng khẳng định, việc thực hiện chi trả theo Nghị định 21 còn mang tính chất bình quân, cào bằng, chưa khuyến khích được đội ngũ sáng tạo.

Theo ông Phạm Văn Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nghị định số 21/2015/NĐ-CP chưa có nhiều cơ chế, chính sách và các định mức tài chính mang tính đột phá nhằm khuyến khích các tác giả, văn nghệ sĩ có những tác phẩm văn học, nghệ thuật thực sự đỉnh cao cống hiến cho nước nhà; Chưa có quy định về mức nhuận bút, thù lao ưu đãi khi mời những tác giả, đạo diễn, biên kịch, ca sĩ, diễn viên nổi tiếng tham gia, trong khi mức thỏa thuận khi mời những người này thường rất cao, từ 1,5 đến 2,5 lần so với quy định chi trả tại Nghị định 21 cùng các chi phí phát sinh từ ăn, nghỉ, đi lại khi đi xâm nhập thực tế sáng tác và dàn dựng... Bên cạnh đó, một số chức danh đóng vai trò quan trọng quyết định quá trình dàn dựng tác phẩm và có định mức thù lao xứng đáng chưa được xác định tại Nghị định 21.

Phát biểu kết thúc Hội nghị, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng cho biết Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp trách nhiệm, những luận cứ thực tiễn, khoa học. Qua đó. giúp Bộ VHTTDL nắm bắt sát hơn về thực tiễn thi hành và những yếu tố cần thiết cho quá trình hoàn thiện hành lang pháp lý về chế độ nhuận bút.

Cũng theo ông Trần Hoàng, trong giai đoạn tới, Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các chính sách khuyến khích đội ngũ văn nghệ sĩ, người sáng tạo nghệ thuật sáng tạo nhiều tác phẩm chất lượng tốt phục vụ công chúng nhằm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước./.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ