• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Quy hoạch tổng thể quốc gia cần xác định được sản phẩm du lịch chính, nổi trội của mỗi vùng

Thời sự 07/01/2023 11:44

(Tổ Quốc) - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng Quy hoạch tổng thể quốc gia vẫn có sự dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm khi xác định các sản phẩm du lịch chính của mỗi không gian phát triển du lịch theo vùng.

Cần xác định các sản phẩm du lịch chính của mỗi không gian phát triển du lịch theo vùng

Phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sáng 7/1, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) nhất trí với những nội dung cơ bản trong báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia. Đại biểu cho rằng việc lập quy hoạch tổng thể quốc gia là công việc khó khăn, phức tạp và đã được chuẩn bị triển khai thận trọng, tích cực, đúng quy trình, bám sát những quy định của Luật Quy hoạch và các nghị định, nghị quyết của Chính phủ.

Góp ý về định hướng phát triển và phân bố không gian ngành du lịch, đại biểu nhất trí cao với những đánh giá của Ban soạn thảo về các hạn chế, yếu kém và nguyên nhân hạn chế, yếu kém trong hiện trạng phát triển và tổ chức không gian phát triển đất nước giai đoạn vừa qua, trong đó có nguyên nhân vẫn còn tư duy dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm và phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch còn dàn trải, hiệu quả chưa cao.

Quy hoạch tổng thể quốc gia cần xác định được sản phẩm du lịch chính, nổi trội của mỗi vùng - Ảnh 1.

Quốc hội thảo luận ở hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sáng 7/1.

Nhất trí với các mục tiêu du lịch được nêu trong quy hoạch để phát triển ngành du lịch trong thời gian tới, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, Quy hoạch tổng thể cần khắc phục được hạn chế, yếu kém là rào cản cho sự phát triển. Theo đại biểu, trong Quy hoạch tổng thể quốc gia vẫn có sự dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm khi xác định các sản phẩm du lịch chính của mỗi không gian phát triển du lịch theo vùng. Trong 6 vùng không gian phát triển những sản phẩm du lịch chính được liệt kê gần như giống nhau.

Đại biểu cho rằng, đây là sự liệt kê, tổng hợp tất cả những sản phẩm du lịch hiện đang có của các vùng chứ không phải là bản quy hoạch tổng thể và chưa xác định được đâu là sản phẩm du lịch chính nổi trội, đặc sắc của mỗi vùng. Vùng nào có biển đảo thì được xác định sản phẩm du lịch chính là biển đảo, có 4/6 vùng liệt kê sản phẩm du lịch chính là biển đảo, 5/6 vùng có sản phẩm du lịch chính là du lịch sinh thái và 6/6 vùng có sản phẩm du lịch chính là du lịch biên giới gắn với cửa khẩu. Theo đại biểu, chính vì cố gắng liệt kê hết các sản phẩm du lịch hiện đang có của các vùng nên sản phẩm du lịch chính của mỗi vùng hiện quả nhiều (đều từ 10 sản phẩm trở lên).

Đại biểu cho rằng sự "ôm đồm" một cách an toàn này khiến cho quy hoạch thiếu trọng tâm, trọng điểm, chưa đúng với quan điểm về tổ chức không gian phát triển được nêu ngay ở phần đầu bản quy hoạch là "phát triển có trọng tâm, trọng điểm" và cũng chưa thật sự sát đúng với bài học kinh nghiệm được nêu trong quy hoạch là phát triển phải dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của mỗi vùng miền.. Vì vậy, đại biểu đề nghị có sự rà soát lại các sản phẩm du lịch chính của mỗi vùng theo hướng xác định những sản phẩm thực sự nổi trội chứ không cần sự liệt kê triệt để tất cả các sản phẩm du lịch của các vùng.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh, khi xác định được sản phẩm du lịch chính thì chúng ta mới có thể có phương hướng, kế hoạch tập trung để đầu tư phát triển, nếu cứ dàn trải, đầy đủ, đại biểu lo ngại sẽ rơi vào đầu tư manh mún, không có trọng tâm, trọng điểm, thiếu hiệu quả, không khắc phục được những hạn chế đang tồn tại.

Quy hoạch tổng thể quốc gia cần xác định được sản phẩm du lịch chính, nổi trội của mỗi vùng - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại các khái niệm về sản phẩm du lịch. Đại biểu cho rằng vẫn còn sự lẫn lộn trong khái niệm những sản phẩm được liệt kê như nghỉ cuối tuần, thư giãn cuối tuần, du lịch cuối tuần… không thực sự là khái niệm sản phẩm du lịch, không cùng loại với các sản phẩm du lịch khác như du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, du lịch thể thao, du lịch mạo hiểm.

Góp ý về định hướng phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng quy hoạch mới chỉ tập trung chú ý định hướng phát triển mạng lưới thể thao thành tích cao, với việc có một số công trình xây dựng đạt chuẩn quốc tế, đảm bảo các điều kiện sẵn sàng đăng cai tổ chức thành công các sự kiện thể thao lớn của châu Á và thế giới và định hướng bố trí mạng lưới cơ sở đào tạo chất lượng cao mà chưa có sự quan tâm phát triển thể thao quần chúng qua việc định hướng, dành quỹ đất để bố trí hệ thống các điểm tập luyện thể thao cộng đồng…

Theo đại biểu, tăng cường vận động thể lực, tích cực tham gia thể dục thể thể thao là một trong những biện pháp hàng đầu để phòng tránh các bệnh không lây nhiễm, nâng cao sức khỏe người dân. Do vậy, đại biểu đề nghị cần quan tâm đúng mức đến phát triển thể dục thể thao cộng đồng, vừa góp phần nâng cao thể chất con người Việt Nam vừa giảm gánh nặng cho ngành y tế, gia tăng chỉ số hạnh phúc và việc kéo dài tuổi thọ, thời gian sống khỏe mạnh của con người như trong mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể mà Quy hoạch tổng thể quốc gia đã nêu.

Quy hoạch du lịch cần đậm nét và có chiều sâu

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Quang Minh (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) cho rằng, Quy hoạch tổng thể quốc gia cần phải được xem là vấn đề mang tính tầm cỡ, lấy nội lực, thế mạnh của quốc gia, có tính quyết định. Việc tranh thủ hợp tác, liên kết với các nước và vùng lãnh thổ có ý nghĩa quan trọng cùng với năng lực dự báo tình hình khu vực và thế giới để xây dựng quy hoạch thì quy hoạch mới có tính bền vững, lâu dài.

Bên cạnh đó, cần quy định các nguyên tắc cơ bản để làm cơ sở quy hoạch vùng, địa phương, đồng thời là kỷ cương trong việc tuân thủ quy hoạch một khi đã ban hành.

Quy hoạch tổng thể quốc gia cần xác định được sản phẩm du lịch chính, nổi trội của mỗi vùng - Ảnh 3.

Đại biểu Trần Quang Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình

Đại biểu Trần Quang Minh cho rằng, quy hoạch cần lấy phương châm ưu tiên phát huy những lợi thế, tiềm năng sẵn có hơn là ưu tiên xây dựng, hình thành hành lang mới; nhất là quy hoạch các sân bay, cảng biển cần phải thận trọng, tránh lãng phí, không hiệu quả và cần làm rõ hơn những định hướng liên kết của sáu vùng theo Nghị quyết đã đề ra.

Đối với vấn đề về du lịch, theo đại biểu cần được quy hoạch đậm nét và có chiều sâu để tạo được lợi thế trong tương lai. Theo đại biểu, Việt Nam đang có lợi thế lớn về mọi mặt của du lịch, dư địa còn nhiều, do đó cần phải tạo được sự khác biệt để thu hút nhiều hơn du khách quốc tế và trong nước.

Dự thảo có nêu định hướng thiết lập hành lang liên kết du lịch vùng Đông Nam Á và quy hoạch các vùng du lịch trọng điểm, tuy nhiên đại biểu cho rằng, việc phối hợp để tạo nên những tour, tuyến hấp dẫn, đa dạng, phong phú giữa các vùng là điều rất quan trọng. Vì vậy, cần phải có nguyên tắc cơ bản quy định cho liên kết các vùng du lịch trong nước làm cơ sở liên kết các vùng với các địa phương.

Đại biểu Trần Quang Minh cũng cho rằng cần xem xét các định hướng mang tính thực chất và khả thi hơn. Ví dụ như phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam có đến 45 triệu đến 50 triệu lượt khách quốc tế. Chỉ tiêu đưa ra trong 8 năm tới gấp 13 đến 15 lần hiện tại và gấp 3 lần so với thời điểm cao nhất.

Đại biểu khẳng định đây là vấn đề khó khi năm 2022, Việt Nam là nước mở cửa du lịch gần như sớm nhất, tỷ lệ tiêm vaccine cho người dân đạt rất cao nhưng chỉ đón được 3,5 triệu lượt khách, tỷ lệ du khách quốc tế quay lại Việt Nam còn chưa cao.

Xuân Trường - Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ