(Tổ Quốc) -Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến “bạo lực học đường” đã và đang được mổ xẻ, nhưng ít ai để ý rằng đội ngũ sao đỏ ngay trong chính trường học có thể là một trong nhiều nguyên nhân liên quan đến bạo lực học đường.
Nỗi sợ sao đỏ của học sinh tiểu học
Tại một trường tiểu học ngoại thành Hà Nội, ngay từ cấp tiểu học đã có một đội ngũ sao đỏ hùng hậu của các lớp 4,5. Nhiệm vụ của đội sao đỏ là theo dõi thi đua, vi phạm nề nếp (xem ai đi học muộn, trang phục đúng chưa, có đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy không…), ngoài ra, đội sao đỏ còn đi kiểm tra bài vở đầu giờ của các em lớp 1,2, một tuần đội sao đỏ còn xuống các lớp nhỏ hơn để thực hiện giờ “sinh hoạt sao” dạy múa, hát, đọc thơ…
Phải thừa nhận, ở các trường học, đội sao đỏ là cánh tay khá đắc lực giúp cho nề nếp của học sinh đi vào ổn định và nề nếp, từ đó cũng tạo ra sự ganh đua giữa học sinh này với học sinh khác, giữa lớp này với lớp khác. Nếu một học sinh vi phạm vô hình chung sẽ ảnh hưởng điểm thi đua của lớp, do đó các thành viên trong lớp, trong đó có cả giáo viên chủ nhiệm sẽ có trách nhiệm nhắc nhở học sinh vi phạm để không tái phạm. Bên cạnh đó, trong các giờ “sinh hoạt sao” còn tạo sự cởi mở, hòa đồng, đoàn kết… giữa anh chị lớp trên và lớp dưới. Từ giờ học này, học sinh cũng được bổ sung thêm bài hát, trò chơi… tăng cường kiến thức, vốn sống.
Ảnh minh họa. Nguồn tuoitre.vn |
Tuy nhiên, ngoài những mặt tích cực thì vẫn còn mặt tồn tại mặt mà có lẽ nhiều người chưa đánh giá hết và lường trước mầm mống tiềm ẩn của “bạo lực học đường”. Một học sinh tiểu học trong trường tiết lộ, rất nhiều học sinh lớp 1,2 gọi “đội sao đỏ” là “đội khủng bố”. Lý do là mỗi lần “đội sao đỏ” xuất hiện là mỗi lần học sinh lớp bé hơn “sống trong sợ hãi”; bài chưa thuộc cũng bị sao đỏ lấy thước đánh, tay chưa sạch cũng bị sao đỏ lấy thước vụt… Bài học trên lớp chưa thuộc đã đành nhưng ngay cả bài sao đỏ dạy không thuộc cũng dễ ăn đòn. Đội sao đỏ là những học sinh lớp 4,5 không hề có phương pháp sư phạm nhưng lại đi dạy hát, dạy thơ cho các em. Có hôm sao đỏ dạy kỹ thì không sao, nhưng có hôm một bài thơ hay một bài hát chỉ dạy miệng 2,3 lần và bắt các em lớp bé học thuộc lòng rồi kiểm tra thì chắc chắn phần lớn học sinh trong lớp bị dính đòn vì không thuộc.
Trong một số giờ quản lớp, hoặc sinh hoạt lớp, mặc dù lớp trưởng được cô giao cho nhiệm vụ quản lớp với cái thước để gõ xuống bàn nhắc nhở cũng bị các anh chị lớn thu. Nhưng khi thước vào tay các anh chị thì không chỉ để gõ xuống bàn mà còn để …vụt!.
Rất dễ vừa là chủ thể vừa là nạn nhân của bạo lực học đường
Nếu như câu chuyện ở phần trên thì nhiều người sẽ dễ dàng hình dung và cho rằng đội sao đỏ chỉ có thể là người gây ra bạo lực học đường. Nhưng thực tế, đôi khi tình thế lại đảo ngược và sao đỏ cũng là nạn nhân của bạo lực học đường.
Khi các em lớp nhỏ hơn bị ăn đòn sẽ sinh ra ấm ức, hoặc thấy chưa thỏa đáng, có tâm lý trả thù… sẽ tìm mọi cách can thiệp từ phụ huynh, nhóm bạn bè, hoặc anh chị lớp lớn hơn. Và đây có thể là mầm mống của bạo lực học đường mà chính người lớn “vô tình” tạo ra cho các em mà không hay biết.
Sao đỏ ở bậc tiểu học và lớp trưởng ở bậc THCS , từ việc được nhà trường giao cho nhiệm vụ theo dõi nề nếp của học sinh để xếp loại thi đua, thậm chí làm căn cứ đánh vào việc xếp loại hạnh kiểm của học sinh mỗi học kỳ. Và dường như lâu dần các em trong đội ngũ sao đỏ thấy mình có một cái gì đó như thể “quyền lực”, thích ra oai, thích bắt lỗi người khác hơn là cùng giúp nhau tiến bộ trên tinh thần bạn bè thân ái.
Những học sinh được đeo băng "sao đỏ" khiến không ít học sinh tiểu học sợ hãi. Ảnh: internet. |
Một phụ huynh chia sẻ, có lần con bị ốm nên phụ huynh xin phép cô giáo cho con đến muộn để đi khám. Cô giáo đồng ý và mặc dù đã đặt lịch khám trước và được ưu tiên khám sớm nhưng vẫn muộn giờ. Khi đưa con đến trường, mới chỉ ở ngoài cổng thì mấy bạn sao đỏ nhìn thấy con chuẩn bị bước vào đã lăm lăm giấy bút với khuôn mặt đầy vẻ hả hê như bắt được người vi phạm. Y như rằng, khi con bước vào, mấy sao đỏ đã quây con và vị phụ huynh phải vội vàng vào can thiệp, nói rằng bạn bị ốm, đã xin phép cô đi học muộn để khám.
Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Như Phương thuộc Trung tâm tư vấn và chăm sóc rối nhiễu tâm trí (Hội Khoa học tâm lý – giáo dục Việt Nam) thì cách hành xử của người lớn, trong gia đình hay tại trường học như thế nào thì trẻ sẽ học lại như vậy. Nên ngoài môi trường nhà trường ảnh hưởng học sinh thì môi trường gia đình cũng ảnh hưởng.
Thạc sĩ tâm lý Phương cho rằng không phải tất cả sao đỏ trong các trường học đều như trên (sử dụng hình phạt đánh đối với các em nhỏ - PV), nhưng đây cũng là hồi chuông cảnh báo về tình trạng “bạo lực học đường” ngay từ cấp tiểu học. Do đó, ngay ở nhà trường đội ngũ giáo dục và huấn luyện sao đỏ cần phải có trình độ văn hóa và nghiệp vụ sư phạm, ứng xử xã hội để định hướng cho các em. Ngoài ra, trong gia đình, cha mẹ, người thân cũng nên ứng xử cởi mở, thân thiện, và không sử dụng bạo lực, đòn roi thì con cái sẽ noi theo.
Với các trường hợp đội ngũ sao đỏ nếu sử dụng thước để sát phạt thì rất không nên và phải dừng lại ngay, thậm chí phải có sự can thiệp của người quản lý giáo dục. Bên cạnh đó cũng cần thay đổi hình thức phạt đối với học sinh chứ không thể để các sao đỏ tùy tiện sử dụng bạo lực để sát phạt – thạc sĩ tâm lý Phương chia sẻ thêm.
Nhị Xuân