(Tổ Quốc) - Thảo luận về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách lần thứ 5, nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị cần rà soát quy định liên quan đến tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt là bảo vật quốc gia để đảm bảo thống nhất với Luật Di sản văn hóa.
Chiều 26/3, tại nhà Quốc hội, theo chương trình Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, nhiệm kỳ khóa XV, các đại biểu thảo luận cho ý kiến về Dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi).
Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm có 8 chương, 65 điều, về cơ bản đã bám sát các chính sách lớn được Quốc hội thông qua tại đề nghị xây dựng Luật, phù hợp với mục tiêu, quan điểm sửa đổi Luật là kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới; khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Lưu trữ năm 2011, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền tiếp cận thông tin của công dân theo quy định của Hiến pháp, đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động lưu trữ, xây dựng một xã hội lưu trữ, quốc gia lưu trữ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các đại biểu Quốc hội tham dự Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần này tập trung phát biểu, cho ý kiến về một số vấn đề về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ; thời hạn nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử; Lưu trữ tài liệu điện tử; hoạt động dịch vụ lưu trữ; bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; bổ sung quy định về "Ngày Lưu trữ Việt Nam" và các vấn đề khác mà các đại biểu Quốc hội quan tâm...
Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Phan Viết Lượng - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội cho cho biết, tại Khoản 5, Điều 38 Dự thảo Luật quy định: "Tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt được quản lý, sử dụng và phát huy giá trị theo quy định của Luật này; trường hợp được công nhận, ghi danh là bảo vật quốc gia hoặc danh hiệu khác theo quy định của Luật Di sản văn hóa thì còn phải thực hiện theo quy định của Luật Di sản văn hóa". Theo đại biểu, quy định như vậy là chưa thực sự tường minh và chính xác, có thể dẫn đến chồng chéo, vướng mắc trong thực hiện.
Đại biểu lấy ví dụ tại Điểm b và c Khoản 2, Điều 24 của Luật Lưu trữ về thẩm quyền mang tài liệu lưu trữ ra ngoài lưu trữ hiện hành, lưu trữ lịch sử quy định: "Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định việc mang tài liệu lưu trữ tại lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở trung ương ra nước ngoài; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc mang tài liệu lưu trữ tại lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở địa phương ra nước ngoài" và ở Khoản 3, Điều 24 quy định: "Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quy định việc mang tài liệu của ngành quốc phòng, công an, Bộ Ngoại giao ra ngoài lưu trữ để sử dụng ở trong nước và nước ngoài". Như vậy, Dự thảo Luật Lưu trữ không quy định riêng về việc đưa tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt ra nước ngoài.
Trong khi đó Khoản 2, Điều 44 Luật Di sản văn hoá hiện hành quy định: "Thủ tướng Chính phủ quyết định việc đưa bảo vật quốc gia ra nước ngoài". Đại biểu cho rằng với quy định như trên thì việc đưa tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt là bảo vật quốc gia ra nước ngoài nếu thực hiện theo cả 2 Luật là chưa phù hợp.
"Sắp tới Luật Di sản văn hoá (sửa đổi) sẽ tiếp tục sửa đổi, bổ sung và chắc chắn sẽ sửa những quy định liên quan đến bảo vệ và phát huy giá trị bảo vật quốc gia. Do đó, để đồng bộ, đầy đủ và thống nhất hơn, tôi đề nghị cần rà soát và quy định rõ hơn về biện pháp, thẩm quyền quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt là bảo vật quốc gia. Đề nghị quy định rõ hơn khi nào, với nội dung và biện pháp nào thì áp dụng cả 2 luật và khi nào chỉ áp dụng Luật Di sản văn hoá mà không áp dụng Luật Lưu trữ", đại biểu đề nghị và cho rằng nếu quy định tường minh như vậy thì việc áp dụng sẽ chặt chẽ, thống nhất.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng, việc bổ sung thêm nội dụng về tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt là bảo vật quốc gia ở Điều 38, Dự thảo Luật Lưu trữ trình lần này là nội dung cần thiết và quan trọng, vừa để bảo vệ các di sản và vừa sử dụng có hiệu quả để phát huy giá trị các di sản.
Đóng góp ý kiến vào Khoản 5, Điều 38 Dự thảo Luật, đại biểu cho rằng, cần chỉnh sửa thuật ngữ cho phù hợp với quy định của Luật Di sản văn hoá hiện hành. Cụ thể, trong Dự thảo Luật nêu: "trường hợp được công nhận, ghi danh là bảo vật quốc gia" đại biểu đề nghị sửa là: "được công nhận là bảo vật quốc gia, được ghi danh là di sản tư liệu thế giới hoặc danh hiệu khác theo quy định của Luật Di sản văn hoá".
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, bảo vật quốc gia thì dùng thuật ngữ "công nhận" và thẩm quyền cộng nhân là Thủ tướng Chính phủ, còn với di sản tư liệu, di sản phi vật thể thì dùng "ghi danh" và không dùng "ghi danh" cho bảo vật quốc gia.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng còn sự chồng chéo giữa Luật Lưu trữ và Luật Di sản văn hoá trong quy định về các nội dung liên quan đến tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt là bảo vật quốc gia, bởi vậy cần rà soát để tránh chồng chéo, trùng lặp, thậm chí là mẫu thuận trong quy định của 2 luật này.
"Chính phủ cũng đang xây dựng Luật Di sản văn hoá (sửa đổi) để trình Quốc hội, bởi vậy nhất thiết phải rà soát song song 2 luật để tránh mẫu thuẫn", đại biểu đề nghị.