(Tổ Quốc) -Hôm nay, Bộ GDĐT đã báo cáo Thủ tướng, trong đó có 94 ứng viên chưa đủ số bài báo, giờ giảng, chưa có nghiên cứu khoa học...
94 ứng viên chưa đủ số bài báo, giờ giảng, chưa nghiên cứu khoa học
Theo đó, về thông tin Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến có tên trong danh sách rà soát lại chức danh Giáo sư vì có đơn khiếu nại, Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Mạnh Hùng giải đáp: "Nếu nhận được đơn khiếu nại, tố cáo, chúng tôi sẽ xử lý đúng theo Luật Khiếu nại, tố cáo, theo pháp luật của nhà nước. Nếu thụ lý được sẽ phải thụ lý".
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tối 1/3, nhiều câu hỏi đã được đặt ra với việc rà soát xét công nhận chức danh GS, PGS.
Về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết Thủ tướng rất quan tâm đến vấn đề này.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. |
“Chức danh GS, PGS là chức danh nghề nghiệp gắn với hoạt động khoa học, gắn với giảng dạy, đây là đội ngũ quan trọng, là niềm tự hào của dân tộc. Ngay sau khi có dư luận băn khoăn về chất lượng GS, PGS, Thủ tướng đã yêu cầu Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng GDĐT Phùng Xuân Nhạ phải rà soát lại”- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Được biết, hôm nay Bộ GDĐT đã báo cáo Thủ tướng, trong đó có 94 ứng viên chưa đủ số bài báo, giờ giảng, chưa có nghiên cứu khoa học...
“Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là làm nghiêm túc và đánh giá thực chất. Những ứng viên đủ giờ giảng thì phải làm rõ giảng ở đâu, thỉnh giảng hợp đồng thế nào, có chi tiền hay không? Chứ không phải là giảng viên nhưng viết một tờ giấy ủng hộ nhà trường không lấy tiền. Thủ tướng biết hết... Tất cả phải minh bạch. Thủ tướng giao Bộ trưởng Giáo dục phải thực hiện nghiêm túc chỉ đạo này và báo cáo tại phiên họp Thường trực Chính phủ sắp tới”- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Thành viên Chính phủ cũng phải tuân thủ quy định
Về việc xét công nhận chức danh GS, PGS, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng cho biết đây là việc làm thường niên. Tiêu chuẩn xét công nhận được thực hiện theo quy định.
Trong năm 2017, số lượng đạt chuẩn chức danh GS, PGS tăng nhiều hơn so với những năm trước.
Lý giải nguyên nhân, ông Hùng cho biết, do thời gian kết thúc nhận hồ sơ năm 2017 kéo dài thêm 6 tháng so với năm 2016. Trong 6 tháng này những ứng viên tiếp tục tích luỹ đủ điều kiện tăng lên, như tăng thêm số lượng bài báo, hướng dẫn nghiên cứu sinh...
Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Mạnh Hùng. |
Ngoài ra, số lượng ứng viên có đủ điều kiện tăng lên vì gần đây Chính phủ có đề án cho giáo viên đi học nước ngoài, họ được đào tạo rất bài bản, tích luỹ được các bài báo khoa học, giờ giảng, hướng dẫn nghiên cứu sinh.
Thêm vào đó, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, nhiều cơ sở giáo dục rất quan tâm đến việc nâng cao chất lượng giáo viên. Họ tích luỹ được nhiều hơn những tiêu chuẩn đạt chức danh GS, PGS.
Ông Hùng cho biết, theo kết quả xét của Hội đồng chức danh Nhà nước đã công bố là 1.226 trường hợp đạt chuẩn chức danh GS, PGS, đạt hơn 76% so với số đăng ký. Con số này xấp xỉ so với những năm trước chứ không có đột biến (năm 2016 là hơn 75,5%).
Thời gian qua, Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư đã yêu cầu các Hội đồng ngành rà soát lại, nếu phát hiện trường hợp nào không đủ tiêu chuẩn thì kiên quyết không công nhận.
Trả lời câu hỏi, Chính phủ có khuyến khích các thành viên Chính phủ đăng ký nộp hồ sơ xét duyệt các chức danh như giáo sư, phó giáo sư hay không, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, vấn đề này phải làm theo quy định, bảo đảm chất lượng.
“Nếu như lãnh đạo đó đủ điều kiện thì làm hồ sơ ứng viên, báo cáo Hội đồng, nhưng phải thực sự chất lượng. Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là được tham gia nhưng phải đi vào thực chất, đó là chất lượng”- Bộ trưởng Dũng nêu./.
Song Đào, ảnh: Minh Khánh