(Tổ Quốc) -Sự phát triển chóng mặt của internet những năm vừa qua đã mở ra cơ hội cho mạng xã hội đua nhau nở rộ. Nhưng tiếc thay, bên cạnh một số hữu ích thì mạng xã hội đã và đang tồn tại quá nhiều "rác văn hóa" cần phải loại bỏ.
LTS: Mạng xã hội ra đời và trở thành một phần của đời sống mà mỗi cá nhân đều có thể tham dự. Thế nhưng bên cạnh những mặt tích cực thì văn hóa ứng xử trong không gian mạng nhiều năm qua đã và đang tồn tại quá nhiều vấn đề đáng báo động. Nhìn lại những ứng xử trên mạng xã hội thời gian hẳn không ít người thấy rùng mình, xấu hổ bởi không ít cá nhân có phát ngôn làm ảnh hưởng đến người khác, ệch lạc nhận thức, đi ngược với ứng xử giữa con người với con người, trái thuần phong mĩ tục. Nhằm tuyên truyền, lan tỏa văn hóa ứng xử đẹp, "tự do nhưng trong khuôn khổ", có sức lan tỏa không chỉ trên không gian mạng mà còn tác động tích cực trong đời sống, báo Tổ Quốc triển khai loạt bài: "Ứng xử trên không gian mạng: Cần "sống đẹp" và tôn trọng pháp luật".
Phải kể đến đầu tiên là những clip dành cho trẻ em nhưng nội dung thì vô bổ, nhảm nhí, thậm chí độc hại, phản giáo dục. Kênh Thơ Nguyễn với đỉnh điểm là clip xin vía học giỏi" từ búp bê giống Kumathong khiến nhiều người phẫn nộ, làn sóng tẩy chay dâng cao và cơ quan chức năng phải tuýt còi.
Chưa dừng lại ở đó, phụ huynh lại một phen tá hỏa, choáng váng với kênh Timmy TV với những nội dung phản cảm, kinh dị và truyền bá mê tín dị đoan ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em. Nhiều phụ huynh đã bất bình và mong muốn những clip lệch lạc này bị xóa bỏ vĩnh viễn. Sau đó, Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) đã gửi văn bản đến Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an nhằm yêu cầu ngăn chặn, xóa hoặc gỡ bỏ kênh Timmy TV. Bên cạnh đó, còn không ít clip được "gắn mác" dành cho trẻ em trôi nổi trên mạng với ngôn từ tục tĩu, bạo lực, ma quái, lệch chuẩn, thiếu tính giáo dục… khiến nhiều người không khỏi rùng mình.
Vì mục đích câu view, kiếm tiền bằng mọi giá, bất chấp những giá trị nhân văn, nhân ái tốt đẹp, giới thanh thiếu niên cũng trở thành con mồi béo bở cho các kênh kiếm tiền bẩn. Hẳn nhiều người chưa quên những clip phản cảm như đốt xe của Khá Bảnh. Sau đó các kênh youtube nhảm nhí, phản cảm của Khá Bảnh với hàng triệu người theo dõi đã bị cơ quan chức năng yêu cầu Google gỡ bỏ, vô hiệu hóa. Khá Bảnh đã bị bắt vì các tội danh đánh bạc, tổ chức đánh bạc, đòi nợ thuê.
Huấn Hoa Hồng cũng là một nhân vật được nhiều người trẻ biết đến khi liên tục xuất hiện trong các buổi livestream hợm hĩnh khoe tài sản, có nhiều phát ngôn gây sốc, chửi bậy, nói đạo đức giả, lối sống thiếu lành mạnh. Nhân vật này cũng từng không ít lần bị phạt vì chia sẻ tin giả, phát ngôn vu khống, ra sách trái phép. Huấn Hoa Hồng cũng từng bị công an phát hiện có sử dụng ma túy. Với số lượng nhiều người trẻ theo dõi nhân vật này quả thực là mối lo ngại của không ít gia đình.
Một "thương hiệu nhảm nhí" khác, lại không phù hợp thuần phong mỹ tục liên tục bị người xem phản ứng và nhiều lần bị cơ quan chức năng xử phạt, yêu cầu gỡ bỏ là Hưng Vlog với clip ăn trộm tiền trong heo đất của em rồi ăn chơi, thịt gà còn nguyên lông nấu cháo. Nối gót Hưng Vlog là hậu duệ Hậu Troll với clip trộm gà hàng xóm rồi mời hàng xóm ăn cũng khiến người xem không thể chấp nhận, vô tình cổ xúy cho một thói hư tật xấu.
Rác trên mạng còn xuất hiện dưới nhiều hình thức khác như nhạc chế nhảm nhí; phim chiếu mạng bạo lực rẻ tiền; phim hài, clip nhạt nhẽo chú trọng hở hang, nói tục để câu khách; những quảng cáo sai sự thật, lừa dối người tiêu dùng… Đáng buồn hơn, góp mặt trong thứ "rác văn hóa" này là những người "có tiếng" được công chúng quen mặt biết tên. Lẽ ra với sự ảnh hưởng của mình với công chúng họ phải cùng chung tay dẹp bỏ thứ rác đó. Nhưng tiếc thay trong số đó có những người đã bán rẻ niềm tin của công chúng và danh tiếng của mình để tiếp tay cho thứ rác này ngày một sinh sôi nảy nở trên mạng. Và lý do để thứ rác này tồn tại là vì tiền.
Mới đây nhất, trên mạng xã hội còn xuất hiện một thứ rác khác là: Tố nhau – tố giới nghệ sĩ. Không chỉ là một hai trường hợp cá biệt mà diễn ra tràn lan, triền miên, vô hình trở thành một trào lưu "hèn" và không thể chấp nhận được. Có người đã nói, trong mỗi chúng ta ai cũng có mặt tối, ai cũng có điểm yếu dù mức độ khác nhau. Nhưng nếu thân thiết, chân tình mong muốn một sự tốt đẹp hơn thì khi nhìn ra những lỗi lầm của ai đó có thể sửa chữa được thì sao không "đóng cửa bảo nhau" để cùng có cái kết đẹp hơn. Hoặc nếu lỗi đó không thể bỏ qua được thì hãy sòng phẳng làm đơn tố cáo để pháp luật can thiệp. Chúng ta có lương tâm con người phân xử, có đầy đủ luật pháp phán xử, vậy tại sao lại phải "đấu tố" triền miên trên mạng với những nội dung chưa biết thực hư ra sao liệu có khiến chúng ta rơi vào hoang mang, tranh cãi, nghi kị không có hồi kết?.
Đáng sợ hơn là những nội dung thiếu đạo đức kể trên lại có lượng người xem khá đông. Và cũng đáng buồn hơn là chúng ta đã có chế tài xử phạt nhưng những hiện tượng lệch chuẩn này vẫn tiếp tục diễn ra.
Không thể tưởng tượng nổi nếu thế hệ trẻ không có nền tảng văn hóa, sự phân biệt đúng – sai như một liều kháng sinh để triệt hạ mầm bệnh nguy hại có thể xảy ra bất cứ lúc nào khi tiếp cận thứ nhảm nhí, phản cảm trên mạng thì ra sẽ sao?.
Chúng ta cần phải gọi tên những thứ nhảm nhí, phản cảm đã và đang tồn tại trên mạng là rác – rác văn hóa. Và phải coi đó là rác để chúng ta tránh xa, không thể sống chung cũng như mạnh tay loại bỏ tận gốc, tránh hệ lụy khôn lường tới đời sống hiện tại và thế hệ tương lai.