(Tổ Quốc) - Nói về việc các chiến sĩ đang tăng cường phòng chống dịch cho các tỉnh phía Nam, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng – Người phát ngôn Bộ Công an cho biết: "Rất nhiều chiến sĩ, nhiều đơn vị đã 3 tháng nay không nghỉ ngơi, hầu như làm 24/24".
- 04.09.2021 “Alo bác tổ trưởng ơi...!” - Chuyện trăm dâu đổ đầu tổ trưởng trong những ngày siết chặt giãn cách
- 03.09.2021 Chiếc xe máy đi mượn của thiếu tá quân y và sự run rẩy, bỡ ngỡ của nữ sinh lần đầu thấy F0 trở nặng, tím tái
- 02.09.2021 TP.HCM: Bác sĩ "quên" nghỉ lễ, vào tận nhà khám bệnh, tiêm vắc xin COVID-19 cho sản phụ và cụ bà nằm liệt giường
Chiều 6/9, tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ, đại diện Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đã thông tin về việc các chiến sĩ công an, quân đội được điều động vào hỗ trợ TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam để chống dịch.
Rất nhiều chiến sĩ, nhiều đơn vị đã 3 tháng nay không nghỉ ngơi
Đối với ngành Công an, Trung tướng Tô Ân Xô khẳng định, sự hiện diện của lực lượng công an vào công cuộc chống dịch đã quá rõ ràng.
Do tình hình dịch bệnh cấp bách, dù các lực lượng tại chỗ đã nỗ lực hết sức nhưng không thể đáp ứng được. Vì vậy, Bộ Công an đã điều động thêm một lực lượng nhất định vào Nam để hỗ trợ người dân.
Từ khi xảy ra đợt dịch thứ 4 đến nay, công an các địa phương phía Nam đã huy động tối đa lực lượng tham gia chống dịch với hơn 100.000 lượt chiến sỹ đã tham gia phòng chống dịch trên tất cả các trận tuyến. Trong đó, rất nhiều chiến sĩ, nhiều đơn vị đã 3 tháng nay không nghỉ ngơi, hầu như làm việc 24/24.
Trung tướng Tô Ân Xô cho biết thêm, Bộ Công an đã điều động hơn 5.000 cán bộ chiến sĩ, hơn 2.500 học viên trường công an tham gia nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, hỗ trợ nhân dân. Ngoài ra, có hơn 600 cán bộ y tế của công an tham gia điều trị Covid-19 tại các bệnh viện TP HCM và các bệnh viện dã chiến của Công an. Hơn 900 cán bộ chiến sĩ công an, các lực lượng đã vào hỗ trợ 3 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An phòng chống dịch. Các yêu cầu này hoàn toàn do cấp ủy, chính quyền địa phương đề nghị.
"Hiệu quả như thế nào thì để nhân dân và chính quyền đánh giá. Phía công an chúng tôi luôn nỗ lực hết sức và làm tất cả mọi việc để phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội cho người dân", Chánh Văn phòng Bộ Công an nói.
"Nhiều đồng chí có người thân mất, vợ con bị nhiễm bệnh nhưng không về được"
Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn (Bộ Quốc phòng) cho biết, Bộ Quốc phòng đã điều động hơn 120.000 chiến sĩ và lực lượng dự bị hỗ trợ.
Cùng với đó, Bộ Quốc phòng cũng đã chỉ đạo các lực lượng duy trì hàng nghìn tổ chốt. Trong đó có khoảng 1.900 tổ chốt kiểm soát trên tuyến biên giới, ngăn xuất nhập cảnh trái phép, góp phần ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Ngoài ra còn rất nhiều tổ chốt tham gia duy trì các khu cách ly tập trung, góp phần thực hiện nghiêm giãn cách xã hội.
Bộ Quốc phòng cũng đã triển khai 190 khu cách ly tập trung với khoảng 290.000 lượt người. Chuẩn bị, cung cấp vật tư y tế, thành lập 11 bệnh viện dã chiến với 6.000 giường bệnh để giảm áp lực cho y tế địa phương; Triển khai 600 tổ quân y về y tế phường, xã.
"Riêng TPHCM bố trí 475 tổ quân y tham gia vào tổ y tế cơ động ở xã, phường, tổ chức 8 khâu bảo quản vaccine, phân phối 112 tấn vaccine", Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức thông tin.
Nhấn mạnh về việc quân đội đã chủ động tìm đến hỗ trợ nhân dân, Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức cho hay, Bộ Quốc phòng đã tăng cường hàng trăm nghìn lượt tổ quân y tiêm vaccine, điều trị bệnh nhân Covid-19, vận chuyển hàng nghìn tấn hàng hóa nông sản, lương thực thực phẩm đến cho người dân.
"Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhiều đồng chí có người thân mất, vợ con bị nhiễm bệnh nhưng không về được vì đang làm nhiệm vụ. Dù vậy, không ai kêu ca, thoái thác nhiệm vụ. Nhiều người trong quá trình giúp dân đã nhiễm bệnh, có sự hy sinh, thể hiện trách nhiệm của quân đội đối với sức khỏe, tính mạng người dân trong thời điểm khó khăn nhất của chúng ta", Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức nói.